Học sinh bán trú Vân Canh: Bao giờ có trường lớp mới?
15:48', 26/12/ 2003 (GMT+7)

Học sinh bán trú ở Vân Canh

Năm học 2003-2004, huyện Vân Canh tiến hành tách hệ bán trú cấp THCS gồm 349 học sinh dân tộc thiểu số (HS DTTS) ra khỏi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) Vân Canh. Đây là một động thái nhằm tiến tới chuyên nghiệp hóa việc dạy và học của HS DTTS ở từng cấp học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi. Tuy nhiên, bước đầu của công tác này đang gặp nhiều khó khăn.

* Giải bài toán quá tải cho Trường PT DTNT Vân Canh

Khi xây dựng các trường PT DTNT cấp huyện, ngành giáo dục Bình Định đã không dự báo được mức độ phát triển của số HS con em đồng bào DTTS được huy động ra lớp. Hiện nay, ở hầu hết các trường PT DTNT huyện đang xảy ra tình trạng quá tải về quy mô phòng học, khu sinh hoạt, nơi ăn ở. Mặt khác, với cách tổ chức đào tạo trong các trường và năng lực quản lý của giáo viên như hiện nay thì hiệu quả giáo dục không tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước. Trường PT DTNT Vân Canh hiện có đến 3 hệ đào tạo là: HS DTTS bán trú cấp THCS, HS DTTS nội trú cấp THCS, HS dân tộc Kinh cấp THPT. Ngoài ra, trường còn có cơ sở hướng nghiệp dạy nghề cho HS THPT, THCS của trường và HS các trường THCS lân cận. Với nhiều cấp học, hệ đào tạo như thế, Trường PT DTNT Vân Canh đã gặp nhiều khó khăn trong công tác điều hành, quản lý, giảng dạy và lo chỗ ăn ở cho HS. Việc sắp xếp, quy hoạch lại tổ chức Trường PT DTNT Vân Canh được xác định là cần thiết nhằm đẩy hiệu quả giáo dục miền núi tiến đến tỉ lệ thuận với sự đầu tư của Nhà nước.

Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT Bình Định đã có chủ trương tách các HS DTTS bán trú cấp THCS về xã và thành lập cụm trường bán trú liên xã (Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiệp và thị trấn Vân Canh), đặt tại xã Canh Hòa. Ngoài việc giảm tải cho Trường PTDTNT Vân Canh, chủ trương này còn nhằm phát huy nội lực của đồng bào DTTS trong việc xã hội hóa giáo dục.

* Trường ra trường, lớp ra lớp

Năm học này, hệ bán trú HS DTTS cấp THCS có 349 em, gồm bốn lớp 6, hai lớp 7, một lớp 8 và một lớp 9. Tuy vậy, trong khi chờ cụm trường bán trú Canh Hòa xây dựng, hiện việc học của số HS bán trú vừa tách ra vẫn do Trường PT DTNT Vân Canh đảm nhận; còn chế độ bán trú (Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí ăn ở, tương ứng 50.000đồng/HS/tháng) thì do Phòng GD-ĐT huyện lo. Về nơi ở, Sở GD-ĐT đầu tư để sửa chữa khu B của Trường PT DTNT làm chỗ ăn ở tạm cho các em, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào học kỳ II năm học này.

Tuy hiện tại các em HS bán trú vẫn đang học tại Trường PT DTNT Vân Canh nhưng Phòng GD-ĐT huyện đã tỏ ra cứng nhắc trong giải quyết chế độ bán trú cho các em. Vào đầu năm học, ông Trần Thanh Trường - chuyên viên Phòng GD-ĐT, phụ trách khối THCS - bày tỏ: "Theo quy định, HS nào có khoảng cách từ nhà đến trường từ 3km trở lên thì mới được hưởng chế độ bán trú. Nhưng chúng tôi không biết là nên tính từ nhà các em đến trường PT DTNT huyện là trường đang học tạm thời hay tính từ nhà đến trường ở Canh Hòa là trường chính trong kế hoạch?!". Cho mãi đến khi gần hết học kỳ I thì Phòng GD-ĐT Vân Canh mới quyết định là căn cứ vào thực tế, tức tính khoảng cách từ nhà các em đến Trường PT DTNT để giải quyết chế độ bán trú. Và dù đã quyết định như thế nhưng vì chỗ ăn ở tạm vẫn chưa sửa chữa xong nên từ đầu năm học đến nay, trong số 349 HS bán trú, trừ HS lớp 7,8,9 thì 164 em lớp 6 mới vào vẫn chưa được hưởng chế độ. Thời gian qua, trong khi chờ xây khu ở tạm, các em nhà xa vẫn phải tự lo việc ăn ở cho mình.

Việc đưa HS bán trú về xã sẽ tạo điều kiện cho HS DTTS đến lớp nhiều hơn. Nhưng với thực tế hiện nay thì việc tách HS DTTS bán trú cấp THCS ở Vân Canh ra khỏi Trường PT DTNT chỉ là trên hình thức. Vì thế, song song với chủ trương, điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo là một yếu tố quan trọng để có thể nâng cao chất lượng giáo dục cho HS DTTS.

NGUYÊN SƯƠNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện xây dựng đời sống mới ở giáo xứ Gò Thị   (25/12/2003)
Nhân ngày dân số Việt Nam (26-12): 42 năm và một chính sách nhất quán  (24/12/2003)
Nhà ở tập thể cho giáo viên - khó nhưng sẽ được  (23/12/2003)
Phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (22/12/2003)
Đêm bão tố  (21/12/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân  (21/12/2003)
Khi cựu tù chính trị làm kinh tế  (19/12/2003)
An cư để lạc nghiệp   (18/12/2003)
Trả lời cụ thể, đi thẳng vào vấn đề  (18/12/2003)
Đào tạo sau đại học ở Đại học Quy Nhơn: Quả đầu mùa   (17/12/2003)
Khuyến học, tôn trọng pháp luật - nét văn hóa của một chi họ   (16/12/2003)
Chống tham nhũng: Mặt trận chưa yên tĩnh   (16/12/2003)
Núi Bà Hỏa đang bị... gặm dần   (15/12/2003)
Triển vọng từ "Bình Định Portal"  (14/12/2003)
Quy Nhơn vào mùa cưới   (12/12/2003)