Gặp lại Bình Định

Trần Đăng, PV Báo Lao Động
(bài viết riêng cho Bình Định điện tử)


Vừa bước vào năm mới, Bình Định làm một cú “hích” khiến những người anh em hàng xóm miền Trung không khỏi giật thột: Tổ chức hội chợ, kèm với hội thảo với quy mô chưa từng có ở tỉnh này. Hội chợ thì hầu như năm nào cũng làm nhưng “hội chợ Bình Định” năm nay mang một bộ mặt hoàn toàn mới. Mới, không chỉ ở số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia cùng với sự góp mặt của cả ba miền, cả những doanh nghiệp “tầm tầm” trong tỉnh lẫn những “đại gia” trong nước với trên 200 gian hàng mà còn “mới” ở cách tổ chức. Trừ Đà Nẵng - thành phố trực thuộc Trung ương - chưa thấy tỉnh nào ở miền Trung có được một trung tâm hội chợ - triển lãm hoành tráng như Bình Định. Hàng ngàn khách tham quan vào khu vực hội chợ khỏi phải lo chạy văng mạng trước những cơn mưa bất chợt mà họ vẫn thường gặp ở những lần hội chợ trước đây. Để có chỗ “trú mưa cao cấp” ấy, tỉnh Bình Định đã bỏ ra 6 tỷ đồng, xây dựng cấp tốc trong 3 tháng, kể cũng đáng đồng tiền bát gạo. Hội thảo lần này cũng khác. Có lẽ những nhà kinh tế, những nhà khoa học, các vị đại sứ, tổng lãnh sự của các nước đến Bình Định dự cuộc hội thảo này không phải là chuyện mang tính ngoại giao đơn thuần. Họ đã góp những tiếng nói cần thiết và quan trọng để từ đó Bình Định có cơ hội nhìn xa hơn, vạch ra hướng đi tốt nhất cho mình. Chủ đề của cuộc hội thảo “Tiềm năng và hội nhập” là có ý của nó. Đã đến lúc Bình Định không thể đứng nhìn người khác “tăng tốc” bằng cái nhìn của người ngoài cuộc. Bình Định phải “hội nhập”. Tôi đã “gặp lại Bình Định” với khuôn mặt mới không chỉ qua lăng kính của cuộc hội thảo hay những ngày diễn ra hội chợ mà “gặp” Bình Định trên từng con phố, trên từng nếp nghĩ, cách làm và những rung động nhỏ nhất của thành phố biển Quy Nhơn.

Cách đây mấy hôm, một ông bạn của tôi đã có thời sống ở Quy Nhơn trong những năm “cả nước xếp hàng”, giờ là “sếp” một đầu ngành ở Quảng Ngãi, trên đường đi công tác vào Sài Gòn có ghé qua Quy Nhơn một thoáng. Anh tìm nhà một người quen ở gần “eo nín thở”. Xe chạy xà quần dễ có đến chục phút mà anh vẫn không nhận ra cái “eo” đã một thời anh cùng những công dân ở thành phố này phải “nín thở” mỗi khi ngang qua đó. Tôi rỉ vào tai ông bạn: “Quy Nhơn đã là đô thị loại 2 từ hơn 4 năm nay rồi nên không thể chấp nhận ở giữa lòng thành phố mà lại có một nơi, du khách ngang qua đó phải “nín thở” được!”. Ông bạn “à” lên một tiếng, nghe đến là dễ thương! Tôi đã “gặp” một Quy Nhơn trong ánh mắt ngỡ ngàng của một người bạn đã hơn chục năm rồi chưa có dịp trở lại nơi đã từng gắn bó đời anh suốt trong những năm cơ hàn của thời bao cấp.

Tôi nhận giấy mời của UBND tỉnh Bình Định đến dự cuộc hội thảo “Bình Định-tiềm năng và hội nhập” do cơ quan tôi từ Hà Nội chuyển vào. Vừa dự xong lễ khai trương hội chợ, tôi “meo” ngay tin này ra Hà Nội. Ông bạn thư ký tòa soạn của báo tôi liền “phôn” vô ngay, kèm theo một lời nhắn: “Vô Bình Định thì nên viết thêm một vài bài nữa thông qua cuộc hội thảo này. Còn chỉ đưa một bản tin ngắn như thế, ở Hà Nội cũng có thể “làm” được!”. Té ra, vừa khai mạc hội chợ, tôi chưa kịp “meo” tin ra tòa soạn, ông bạn đã vào địa chỉ báo Bình Định điện tử (www.baobinhdinh.com.vn) và đọc ngay tin “nóng” ấy trên mạng rồi! Thông qua tờ báo điện tử của mình, tỉnh Bình Định đã “nối mạng” với không chỉ ở Hà Nội mà toàn thế giới! Ít nhất, trên lĩnh vực thông tin, Bình Định đã “hội nhập” trước một bước. Vậy là từ nay, không cứ gì phải vượt mấy trăm cây số từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn mới có thể “gặp” những gì mình cần gặp trên đất Bình Định mà ngồi ở nhà, trước chiếc máy vi tính cà rỉ của mình, tôi cũng có thể “gặp” được Bình Định trên mạng internet!

Tôi ghé thăm nhà một người bạn cũ ở Quy Nhơn. Thấy khách quý lâu năm mà lạ một điều là anh chẳng vồn vã như ngày nào. Anh đang lúi húi với mấy ông thợ (tôi đoán mò là thợ điện) cùng chiếc tivi. Hết bật, tắt, rồi liếc ngang liếc dọc, xoay vần với chiếc tivi cùng hai ông thợ. Tôi hơi chột dạ. Đến khi xong việc, ông bạn khoe: “Ông thông cảm. Tôi đang “hòa mạng” cái cáp này. Xem thử có đủ các “kênh” mà “bên A” đã hứa trước khi lắp đặt không?”. Hóa ra ở Quy Nhơn đã có truyền hình cáp mà tôi không biết. Nghe nói Quy Nhơn là địa phương thứ 6 thứ 7 gì đó trong cả nước có truyền hình cáp. Mới ra đời, đã có trên một ngàn người đăng ký “nối mạng”. Việc ra đời truyền hình cáp ở Quy Nhơn không phải là chuyện “học làm sang” mà xuất phát từ nhu cầu thật sự của người dân. Vậy là, Bình Định không chỉ “giới thiệu” về mình với bè bạn mà còn “bắt sóng” với thế giới thông qua loại hình thông tin khá mới mẻ này. Tôi đã “gặp” một Bình Định đang xoay vần với chiếc tivi để “bắt sóng” với thế giới qua khuôn mặt hỉ hả của ông bạn tôi.

Trong cuộc họp báo mới đây nhân tổ chức hội chợ và hội thảo, ông Phạm Bá, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã “cởi lòng” với báo giới về những đau đáu của tỉnh nhà trước vận hội mà cũng là thách thức mới. Ông nói đại ý: Bây giờ tỉnh nào cũng “giàu tiềm năng” địa phương nào cũng “trải thảm đỏ” để đón các nhà đầu tư với những ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, tỉnh Bình Định có cách đi riêng của mình. Để cho có “cách đi riêng” ấy, Bình Định đã và đang dang rộng tay để đón và lắng nghe tất cả các ý kiến của bè bạn gần xa. Cũng chính ông Phó chủ tịch là người phát biểu khai mạc hội chợ với những lời giản dị và ngắn gọn nhất. Nói ngắn và “làm dài”, đó là cái cách tiếp cận nhanh nhất đến mục tiêu mà mình đặt ra. Tôi cũng đã “gặp” một Bình Định như thế trong những ngày cuối năm này.

Tôi đã “gặp”những đường phố rực rỡ ánh đèn đêm, những khu phố mới với nhiều ngôi nhà tân kỳ ngày càng nhiều thêm ở thành phố biển Quy Nhơn… Tôi đã gặp lại những người bạn cũ, khá giả hơn nhưng cũng tất bật hơn. Một Bình Định cũng đã khá hơn và cũng tất bật hơn, một Bình Định đang “hội nhập”.
 

T.Đ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trở về miền đất tuổi thơ  (28/02/2003)