Trong ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Định khóa IX, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường và nghe lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn. Do chuẩn bị khá kỹ, nhiều bức xúc của cử tri đã được các vị lãnh đạo sở, ngành có ý kiến chất vấn trả lời rốt ráo.
Cũng như những kỳ họp trước, người được chất vấn nhiều nhất là Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Thiện. Ông Thiện đã phải mấy lần ngồi xuống đứng lên để làm thỏa mãn các câu hỏi của đại biểu. Câu hỏi đặt ra gay gắt nhất là “Vì sao tháo tràn hồ Hội Sơn không thông báo trước cho nhân dân để phòng chống, đối phó với lũ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ vào tháng 11-2002? Việc xem xét trách nhiệm Ban Quản lý hồ như thế nào?”.
Đại biểu Lê Minh Tuấn (Phù Mỹ) nhấn mạnh rằng, thiệt hại do sự cố lũ này đã làm cho Phù Mỹ thiệt hại đến 15 tỉ đồng, Phù Cát cũng bị thiệt hại tương tự. Với thái độ cầu thị, ông Thiện giải thích: Đây là đỉnh lũ lớn nhất từ trước đến nay ở lưu vực thượng lưu sông La Tinh. Với lượng mưa quá lớn trong các ngày 8,9,10,11-11-2002 không lường trước được vì thiếu hệ thống trạm đo khí tượng thủy văn; cán bộ quản lý hồ có phần chủ quan thêm vào đó là đập đất mới sửa chữa xong chưa cho phép tích nước cao nên Công ty khai thác công trình thủy lợi đã mở tràn để tránh vỡ hồ chính thiệt hại sẽ không lường hết được và chỉ thông báo sau khi tràn đã mở. Ông Thiện cũng đã xin nhận khuyết điểm về việc này đồng thời cho biết đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cán bộ quản lý hồ Hội Sơn. Về việc này chủ tọa kỳ họp cũng đã nhắc nhở ông Thiện cần xử lý trách nhiệm của Ban quản lý hồ Hội Sơn và báo cáo cho UBND tỉnh.
Đại biểu Lê Minh Tuấn cũng cảnh báo về việc bảo đảm vệ sinh môi trường cho nhân dân trong việc xây dựng nhà máy tinh bột mì ở Phù Mỹ mà Sở NN&PTNT đã tiến hành khảo sát. Ông Thiện hứa sẽ thực hiện tốt các quy trình xây dựng, khi nào dự án được duyệt chính thức sẽ báo cáo với UBND huyện Phù Mỹ. Hàng loạt các chất vấn khác như vấn đề tràn Kim Xuyên, vấn đề tuyến kênh mương Trà Ổ xây dựng nhưng không sử dụng gây lãng phí đất… cũng được ông Thiện trả lời tương đối rốt ráo.
Phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Địa chính Hồ Quang Mươi khá mạch lạc. Câu hỏi chất vấn nêu đúng vào vấn đề được khá nhiều người quan tâm: Việc xây dựng siêu thị ở Quy Nhơn – Nếu không hoạt động 50 năm như đã thuê đất thì sao? Vì sao tiến độ xây dựng chậm? Ông Mươi viện dẫn nhiều điều của Luật Đất đai để giải thích song chung quy lại thì “nhà đầu tư được thuê đất để xây dựng siêu thị không được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê lại đất, thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Theo quy hoạch và mục đích sử dụng đất thì chủ doanh nghiệp khu siêu thị được cho thuê tài sản, mặt bằng để kinh doanh siêu thị chứ không phải dùng đất xây dựng siêu thị để kinh doanh bất động sản (đất đai)…”. Còn việc xây dựng siêu thị chậm, ông Mươi giải thích: do nhiều doanh nghiệp trước đây đã đồng ý thuê mặt bằng kinh doanh, sau khi khảo sát thị trường ở TP Quy Nhơn đã xin rút lui vì cho rằng kinh doanh siêu thị ở Quy Nhơn trong thời điểm này không hiệu quả nên chủ đầu tư đã do dự chờ đợi kêu gọi các doanh nghiệp chịu đến kinh doanh, làm chậm lại tiến độ.
Một bức xúc khác của nhiều cử tri Quy Nhơn đặt ra cho Sở Địa chính là: “Hiện nay một số doanh nghiệp của Trung ương và địa phương sử dụng đất được giao để xây dựng ki-ốt cho thuê làm dịch vụ karaoke, uốn tóc… cần xử lý như thế nào?”, ông Mươi cho rằng việc làm này là vi phạm pháp luật. Sở Địa chính đã có kiểm tra, kết quả ban đầu cho thấy một số doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích là: Công ty thực phẩm Quy Nhơn, Công ty Dâu tằm tơ 2, Công ty lương thực Bình Định… và đầu tháng 12-2002, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xử lý. Theo đó, các đơn vị này phải giải tỏa các ki-ốt cho thuê; chấm dứt việc cho thuê nhà, đất; giải trình phương án sử dụng đất… Sở Địa chính đang theo dõi việc thực hiện văn bản chỉ đạo này. Tình trạng đất ở chưa xây dựng để thành nơi chứa rác, xác súc vật chết… gây ô nhiễm đã được ông Mươi giải thích bằng Chỉ thị số 29 ký ngày 10-12-2002 của UBND tỉnh. Theo đó, các ngành, các địa phương tiến hành kiểm tra đất ở của hộ gia đình, cá nhân ở TP Quy Nhơn, các thị trấn trong tỉnh đã được Nhà nước giao hoặc nhận chuyển nhượng đất ở có nguồn gốc do Nhà nước giao, lập thủ tục thu hồi đất ở đối với các đối tượng đã được giao đất quá 12 tháng nhưng đến nay chưa tiến hành xây dựng nhà ở nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất thu lợi bất chính.
Các chất vấn về vấn đề nhà ở cho người nghèo, vì sao xuất khẩu lao động đạt thấp, các công trình giao thông kém chất lượng … cũng được đại diện các Sở LĐ-TBXH, Sở GTVT trả lời đầy đủ.
Quang Khanh |