Mặc dù là một trong những tỉnh sớm có chính sách thu hút nhân lực, đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ là người địa phương, nhưng cho đến nay những kết quả mà Bình Định đã gặt hái vẫn chưa được như mong muốn.
Từ lâu, những phát sinh từ vấn đề nhân lực đã làm lãnh đạo tỉnh và các ngành phải băn khoăn. Những dự án phát triển của Bình Định hiện đang đòi hỏi nhiều lao động chất lượng cao, đặc biệt là lao động trẻ. Có thể kể đến: dự án cầu – đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, dự án nâng cấp Cảng Quy Nhơn, quy hoạch khu đô thị mới, các dự án đầu tư khách sạn du lịch, bãi biển nghỉ dưỡng… Ông Nguyễn Tín Dân – Giám đốc Cảng Quy Nhơn cho biết: “Chúng tôi vẫn muốn có được thật nhiều lao động có các tiêu chuẩn: trình độ nghiệp vụ cao, năng lực giao tiếp tốt, có đủ sức khỏe để theo nghề… Nhưng những lao động hội đủ các điều kiện như vậy có nhiều cơ hội để chọn lựa lắm, họ được quyền lựa chọn để có thể tìm mức thu nhập cao và các quyền lợi khác tại TP Hồ Chí Minh. Thu nhập ở cảng thuộc loại tương đối mà thu hút về còn khó nữa là”.
Tại lễ thực hiện chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao mới đây, ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh - đã đánh giá: "Chính sách của tỉnh đã ban hành nhưng lãnh đạo nhiều ngành chuyển biến rất chậm về tư tưởng. Chính chúng tôi nhiều khi cũng phải sốt ruột. Chính sách tỉnh xây dựng rồi, thu hút được ai, thu hút như thế nào là công việc cụ thể của các ngành chứ tỉnh không thể làm thay. Chưa ngành nào, cơ quan nào chịu năng động trong vấn đề này, dù rằng đang rất thiếu người. Hỏi có bao nhiêu sinh viên người Bình Định đang theo học tại các trường đại học trong nước, phân bố ở những ngành nào, ngay ở ngành Giáo dục cũng không ai biết! Trong chuyện này còn có trách nhiệm của cả Ban Tổ chức chính quyền tỉnh. Không biết số lượng, phân bố ngành nghề, tình hình học tập, nhu cầu... thì làm sao tính đến chuyện thu hút các cháu về? Và sẽ xây dựng kế hoạch bố trí công tác như thế nào? Tôi xin lưu ý: chiến lược lâu dài vẫn là nguồn tại chỗ, là con em Bình Định đi học ở các nơi. Nhân lực đó mới là lâu dài, cơ bản".
Khi đặt câu hỏi về vấn đề chọn nơi công tác sau khi tốt nghiệp, hầu hết sinh viên Bình Định mà chúng tôi gặp đều cho biết sẽ cố tìm cơ hội ở TP Hồ Chí Minh. Bạn Nguyễn Hữu Đông – sinh viên Đại học Bách Khoa cho biết: "Ngay từ năm thứ hai, thứ ba, nhiều công ty đã chủ động đặt vấn đề cấp học bổng để giữ người. Các ngành Kinh tế, Cơ khí, Xây dựng thường đắt hàng nhất. Nhưng đầu bảng hiện nay là những sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản. Chủ các trại tôm ở miền Tây dám cấp lương cho sinh viên khi còn đi học để sau này SV về làm cho họ. Không sinh viên loại khá giỏi nào của ngành này bị bỏ sót hết. Sinh viên Bình Định gần như không có sự liên hệ nào với các cơ quan ở quê nhà cả. Sinh viên Bình Định không về là có lý do, vì về nhà xin việc rất khó, thu nhập thường rất thấp, điều kiện nâng cao trình độ không nhiều... Vả lại chính sách của tỉnh chỉ thu hút sinh viên loại giỏi, thuộc ngành mũi nhọn tỉnh cần! Bây giờ học giỏi thì sẽ có chỗ làm tốt ở bất cứ nơi đâu, nhiều nơi chào mời lắm".
Bình Định triển khai chính sách thu hút nhân lực đã được 3 năm. Nếu trong thời gian ấy, tỉnh quan tâm nhiều đến việc chăm sóc và đầu tư cho sinh viên Bình Định, chắc chắn lời cầu hiền sẽ được lắng nghe nhiều hơn. Nhiều sinh viên Bình Định xa quê đang theo học ở các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã so sánh với sự quan tâm mà sinh viên Phú Yên, Bình Thuận… (những tỉnh không phải là giàu có hơn Bình Định ) đã nhận được để hy vọng Bình Định sẽ có sự thay đổi. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… đã xây dựng ký túc xá riêng để sinh viên của họ có thêm điều kiện học tập. Tỉnh Bình Dương thậm chí còn đầu tư dài hơi bằng cách cấp học bổng cho sinh viên loại khá, giỏi của tỉnh với điều kiện về tỉnh công tác.
Có thể khẳng định rằng: Chỉ khi nào các ngành, cơ quan, đơn vị ở Bình Định quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, thu hút nguồn phát triển nhân lực như chiến lược mà tỉnh đã đề ra thì chính sách ưu đãi mới thực sự phát huy hiệu quả.
Bá Phùng |