Đào tạo lao động khu công nghiệp - Nhu cầu bức xúc

Chất lượng lao động (LĐ) ở khu công nghiệp (KCN) còn thấp, không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp (DN). Đào tạo dài hạn LĐ có tay nghề là một nhu cầu bức xúc.

Văn hóa thấp, tay nghề không cao
Bình Định đã và đang hình thành nhiều KCN tập trung: Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hội, Tam Quan, dọc đường 19. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Kim Phương, Q.Giám đốc Sở Công nghiệp, toàn tỉnh sẽ có tới 14 khu tiểu thủ công nghiệp, trong đó hai khu đã xây dựng là khu Gò Đá Trắng (An Nhơn) và Quang Trung (Quy Nhơn). Hiện nay, ngay tại KCN Phú Tài, theo ông Hồ Văn Hòa, Phó Trưởng ban quản lý các KCN, trong tổng số 10.065 lao động của 101 doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư, chỉ khoảng 50% số lao động tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Số lao động này học nghề theo hình thức vừa học vừa làm, trình độ không đồng đều, gây khó khăn cho các DN. Bên cạnh lao động phổ thông, hàng năm các DN trong KCN cần khoảng 40-50 lao động có kỹ thuật cao nhưng không tuyển được. Trong khi đó, theo ông Lê Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Tài: “Nâng cao trình độ cho công nhân mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của DN thời gian tới. Ngoài ra, nâng số công nhân kỹ thuật cao là một trong những tiêu chí để DN được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO”. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, các DN đành tự đào tạo là chính. Việc các DN tăng cường áp dụng quy trình quản lý chất lượng bằng tiêu chuẩn ISO thời gian qua cũng là cách để người LĐ trong DN phải tự nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu.

Những tín hiệu ban đầu
UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Chính sách khuyến khích đầu tư vào KCN, trong đó có chủ trương hỗ trợ DN đào tạo nghề. Năm 2002, tỉnh hỗ trợ từ 30-50% kinh phí cho các DN đào tạo công nhân lành nghề. Đến nay, 7.000 lao động tại 13 DN, trong đó có 7 DN trong KCN đã được hỗ trợ. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có quyết định thành lập Trung tâm dịch vụ phục vụ KCN (trực thuộc Ban quản lý các KCN) với tổng vốn đầu tư 16 tỉ đồng. Ngoài các mục tiêu như tư vấn xúc tiến đầu tư, thương mại; dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn… Trung tâm còn cung ứng lao động, giới thiệu việc làm theo nhu cầu các DN và người lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục Cộng đồng của Hội Khuyến học các KCN cũng sẽ được thành lập, nhằm mục đích tổ chức cho công nhân học nghề và dạy bổ túc văn hóa cho công nhân. Theo ông Hồ Văn Hòa, hai trung tâm này là cơ hội lớn vừa đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động trong KCN, vừa cung ứng lao động có tay nghề và giới thiệu việc làm cho các DN.

Cần một kế hoạch dài hạn
Tuy nhiên, có thể thấy, bất cập chính trong chất lượng lao động ở KCN là chưa kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, tuyển dụng và xử lý lao động. Các trường nghề hiện nay, trang thiết bị chưa đồng bộ và lạc hậu. Những nghề mà các DN trong KCN có nhu cầu cao như cơ khí thì lại thiếu thiết bị giảng dạy. Bởi vậy, vấn đề chính là phải từ dự báo kế hoạch phát triển các KCN để có chính sách và kế hoạch dài hạn đào tạo nguồn lao động theo hướng đủ lượng và chất. Tận dụng quá trình liên doanh, liên kết đào tạo và có kế hoạch hỗ trợ cho các trường nghề nhằm nâng cấp cơ sở vật chất và kiến thức của người đào tạo. Ngoài ra, theo ông Hồ Văn Hòa, một mục tiêu quan trọng là từ nay đến cuối năm 2005 phải nâng trình độ học vấn cho công nhân KCN Phú Tài đạt mức cấp 2; đến 2010, đạt trình độ cấp 3. Đây là những mục tiêu lớn, có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển bền vững của các DN trong KCN.

K.N

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm giàu ở tuổi cổ lai hy  (28/02/2003)
Khuyến học ở Bình Định: Nếp mới đã thành  (28/02/2003)
Cùng “chat” với tài năng trẻ Trương Quang Huy   (28/02/2003)
Đất lành, nhưng chim… chưa đậu?   (28/02/2003)
Báo động về tai nạn lao động   (21/02/2003)
Truyền hình cáp Quy Nhơn sẽ đem đến cho nhân dân những món ăn tinh thần bổ ích   (28/02/2003)
Nhiều bức xúc của cử tri đã được giải trình thỏa đáng   (28/02/2003)
Gặp lại Bình Định  (28/02/2003)
Trở về miền đất tuổi thơ  (28/02/2003)