Vừa rồi, ba tôi gọi điện cho tôi và bảo: “Tuần đến, con nhớ thu xếp về dự giỗ cố nội ở nhà anh B”. Tính ba tôi là thế, ông rất buồn khi ngày giỗ chạp thiếu vắng con cháu. Biết tính tôi lơ đãng, hay quên, gần đến ngày giỗ ông luôn nhắc.
Quê tôi hiện nay có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con cũng được nâng cao. Nhiều gia đình biết làm ăn, có của ăn của để, mua sắm được xe máy, ti vi… Tuy vậy, nhưng là một xã vùng trũng, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cuộc sống chỉ dựa vào hạt lúa, con heo nên nhiều người vẫn còn nghèo. Làm ra hạt lúa chẳng bao nhiêu nhưng phải chia năm xẻ bảy, đóng góp xây dựng điện, đường, đầu tư cho con cháu học hành, rồi còn phải ơn nghĩa phải chẳng với nhau. Mà ơn nghĩa ở quê thì ôi thôi trăm thứ chuyện. Nào giỗ chạp, làm nhà, cưới hỏi, tang ma… chuyện nào cũng quan trọng và tốn kém cả.
Anh B. con bác tôi là cháu đích tôn trong dòng họ. Mỗi năm có trách nhiệm tổ chức 10 cái giỗ lớn nhỏ. Mà giỗ nhỏ, giỗ lớn gì cũng đông cả, chỉ con cháu không là đã đông rồi chứ chưa nói đến mời họ hàng làng xóm. Ở quê tôi có việc gì hàng xóm cũng mời gọi nhau. Giàu nghèo gì thì ngày giỗ cũng phải tươm tất. Bữa giỗ hôm nay cũng vậy. Gọi là đơn sơ theo lời mời của gia chủ, nhưng bàn nào cũng có con gà, đĩa thịt. Trong lúc mọi người đang vui vẻ tôi đoán thấy chị B. lo một điều gì. Tôi hỏi thì chị bảo: “Hôm qua, anh đưa chị 200 ngàn đi chợ, mua thịt, cá, gà nhưng vẫn chưa đủ, còn khách nhưng đồ ăn hết rồi”. Nghe chị nói, tôi nghĩ đến gia cảnh anh chị kinh tế chỉ dựa vào mấy sào ruộng, bầy heo thì lấy đâu ra tiền trang trải cho một năm mười cái giỗ như vậy…
Người hàng xóm |