Chất thải rắn và nỗi bức xúc của môi trường đô thị

Bá Phùng
Mặc dù năng lực thu gom chất thải của thành phố và các thị trấn ở Bình Định đã được tăng cường, nhưng tới nay việc thu gom chất thải rắn vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế. Hiện tại chất thải rắn chưa được phân loại và xử lý triệt để, cách xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp tự nhiên. Thu gom và xử lý chất thải rắn đã thật sự là nỗi bức xúc của môi trường.


Trong những năm gần đây, năng lực của Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn đã được tăng cường đáng kể. Công ty này hiện có 625 công nhân trực tiếp tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác với 30 xe cơ giới, hơn 250 xe đẩy. Bản đồ các khu vực được thu gom rác nay đã được mở rộng đến tận các đường hẻm nhỏ, các khu dân cư ở xa và mở rộng ra các phường ngoại thành như Nhơn Bình, Nhơn Phú... Sau khi bãi rác ở dưới chân núi Bà Hỏa đóng cửa, thành phố đã quy hoạch bãi rác Long Mỹ (xã Phước Mỹ, Tuy Phước) với tổng diện tích quy hoạch là 30ha. Tháng 2-2001, bãi chôn rác số 1 rôïng 0,9ha của bãi rác Long Mỹ chính thức đi vào hoạt động. Mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 250 – 300 m3 rác, phương pháp xử lý là đầm nén. Tuy nhiên phương pháp này vẫn chưa là phương án tốt, hậu quả là mùi hôi thối, nguồn nước rỉ ra từ bãi rác vẫn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư xung quanh; lượng nước rỉ ra từ bãi rác thấm vào nguồn nước ngầm đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của thành phố.

Ông Phạm Quang Liên – Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn phân tích: “Bên cạnh lượng rác sinh hoạt, lượng rác thải công nghiệp cũng gia tăng mạnh mẽ theo đà tăng trưởng của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các khu công nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa có nơi xử lý chôn thải riêng. Lẽ ra rác phải được phân loại, tại bãi rác phải có nhà máy xử lý theo công nghệ hiện đại chứ không thể đầm nén và chôn lấp được. Nhưng chúng tôi biết làm sao hơn khi dự án xây dựng nhà máy vẫn chỉ nằm trên giấy. Dù sao so với trước vẫn đã tiến bộ hơn rất nhiều, vì rác y tế nay đã được thu gom bằng xe chuyên dùng, đốt trong lò đặc biệt”. Đối với rác thải y tế, đến nay lò đốt HOVAL-MZ2 với công suất 500 kg/ngày tại cụm bệnh viện chuyên khoa lao – tâm thần đã vận hành tốt. 100% rác ở các bệnh viện trong khu vực QN đã được Công ty Môi trường đô thị QN thu gom bằng ô tô và phương tiện chuyên dùng để đem đốt theo quy định.

Nói đến việc thu gom rác thải không thể không nhắc đến nỗ lực của Đội thu gom rác thải mặt nước (Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn). Lượng rác thải trên mặt nước đến nay đã giảm khá nhiều, tuy nhiên điều đáng nói ở đây là nguồn gốc làm phát sinh rác vẫn chưa chấm dứt do ý thức của cộng đồng dân cư vùng ven đầm, ven biển còn rất kém. Gọi là rác mặt nước nhưng thực ra phần còn nổi thì ít mà phần đã chìm hoặc đang lơ lửng còn nhiều hơn bội phần. Thu gom rác thải mặt nước vì thế là chuyện không đơn giản. Công nhân của Đội thu gom di chuyển bằng thuyền nhẹ vớt rác khi nước lên, lúc nước xuống thì lội nước vô đến tận bờ đầm, chân nhà sàn để thu gom rác. Với 3 thuyền bình quân mỗi ngày 19 công nhân làm việc, vớt được khoảng 20 m3 rác. Ông Nguyễn Xuân Thu – Đội trưởng Đội TGQLCTMN cho biết: “Không chỉ thu gom không thôi, mình còn có thể tác động đến thói quen ứng xử với môi trường của bà con, đơn giản nhất là vận động bà con đừng vứt rác xuống hồ, đầm ven biển nữa”.

Trước đây, người ta nói rác thải là căn bệnh nan giải của thành phố, nhưng đến nay căn bệnh này đã lan về đến các đô thị ở các huyện, thị trấn trong tỉnh. Thực tế là cho đến nay chưa huyện, thị trấn nào ở Bình Định có quy hoạch cụ thể về vị trí của một bãi rác thật sự. Một số huyện đã xây dựng đội thu gom rác, như An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ… Tuy nhiên việc thu gom thật ra chỉ thực hiện ở một vài tuyến đường chính, xe thu gom chỉ là xe thủ công, năng lực hạn chế. Các bãi rác tạm hiện nay vẫn còn nằm rất gần với khu dân cư. Rác sau khi thu gom xong không được xử lý, chôn lấp đúng quy định mà chỉ đơn giản là gom lại để tập trung một chỗ. Ngoài ra hiện tượng vứt rác xuống kênh mương, xuống sông, hồ ở vùng nông thôn đã đến lúc báo động do những hậu quả xấu, lâu dài của nó đối với môi trường, nhất là với nguồn nước sinh hoạt cho con người và nguồn nước uống cho gia súc.

Nói về vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn, ông Nguyễn Thành Phương – phó trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở KHCN – MT) cho biết: “Về lâu dài, định hướng công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đến năm 2010 đã nói đến rất chi tiết về công tác quản lý, quy hoạch và xử lý chất thải. Trước mắt tỉnh sẽ có biện pháp hạn chế các tác nhân ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, thứ đến là sẽ xây dựng nhà máy phân loại và xử lý rác. Mặt khác, trong sản xuất kinh doanh, cũng sẽ vận đôïng giảm thiểu lượng chất thải; đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải một cách khoa học”. Những định hướng mới nếu được triển khai nghiêm túc chắc chắn sẽ tạo được những đổi thay tích cực cho môi trường. Dẫu vậy, việc mau chóng tăng cường năng lực, phương tiện thu gom và xử lý chất thải rắn kết hợp với hoàn thiện cơ sở hạ tầng liên quan, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh môi trường vẫn là vấn đề cần làm càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó không thể không nói đến sự quan trọng của công tác tuyên truyền vận động cộng đồng loại bỏ thói quen đổ rác bừa bãi, tiến tới giảm thiểu các hành vi phát sinh nhiều rác... Có như vậy căn bệnh đô thị mới thuyên giảm dần.

B.P

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giỗ chạp ở quê  (28/02/2003)
Nghề trồng hoa cúc xuân  (28/02/2003)
Một cụ bà cứu 4 cháu nhỏ khỏi bị chết đuối  (28/02/2003)
Đào tạo lao động khu công nghiệp - Nhu cầu bức xúc  (28/02/2003)
Làm giàu ở tuổi cổ lai hy  (28/02/2003)
Khuyến học ở Bình Định: Nếp mới đã thành  (28/02/2003)
Cùng “chat” với tài năng trẻ Trương Quang Huy   (28/02/2003)
Đất lành, nhưng chim… chưa đậu?   (28/02/2003)
Báo động về tai nạn lao động   (21/02/2003)
Truyền hình cáp Quy Nhơn sẽ đem đến cho nhân dân những món ăn tinh thần bổ ích   (28/02/2003)
Nhiều bức xúc của cử tri đã được giải trình thỏa đáng   (28/02/2003)
Gặp lại Bình Định  (28/02/2003)
Trở về miền đất tuổi thơ  (28/02/2003)