Những người mưu sinh trong đêm

Phóng sự của Ngọc Thái

Từ lâu trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đã hiện diện nhiều hàng quán bán bánh bao, xôi chiên, bánh mì, bắp nướng… trên các ngả đường vào đêm. Hơn một tháng nay, lại xuất hiện thêm một số nghề mới: chim cút, gà, vịt… nướng lu; bánh mì Sài Gòn… càng khiến cho “đội quân” mưu sinh trong đêm ở Quy Nhơn ngày càng đông đảo hơn.

Những người chọn việc “ca đêm”
Cứ mỗi chiều đến, lúc mọi người xong các công việc ở công sở về nhà thì những người mưu sinh ban đêm lại bắt đầu công việc của mình, chủ yếu là chế biến các món ăn bình dân phục vụ các thực khách vào đêm. Chúng tôi chạy xe dọc hai bên các trục đường chính như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thái Học, Ngô Mây… vào một đêm cuối tuần, nơi nào cũng chứng kiến cảnh bên khung đèn, những bếp lửa than cháy hồng, một tủ bánh nhỏ với một người đang chế biến thức ăn và bán hàng, nhưng hàng quán lúc nào cũng đông đúc khách hàng. Tranh thủ lúc không có khách, tôi làm quen chị Nguyễn Thị Liễu, bán gà, vịt, cút nướng lu trên đường Nguyễn Tất Thành. Với khuôn mặt đỏ bừng vì lửa than, mồ hôi nhễ nhại chị nở một nụ cười: “Ngày trước, tôi bán gà làm sẵn ở chợ. Đi từ sáng sớm tinh mơ cho đến chiều tối mới về nhưng thu nhập một ngày chẳng bao nhiêu cả. Trong một lần đi dạo phố phát hiện ra nghề này, thấy hay và có thu nhập cao hơn nên nhảy vào nghề”. Công việc của chị bắt đầu từ 5 giờ chiều, đẩy xe hàng từ nhà ở đường Trần Hưng Đạo ra ngả tư đường Nguyễn Tất Thành - Ngô Mây để bán và kết thúc lúc 11-12 giờ đêm, khi đường phố đã vắng người. Cũng như chị Liễu, khoảng 5-6 giờ chiều các chị bán xôi chiên, bánh bao, bánh mì, bắp nướng… cũng bắt đầu dọn hàng ra bên đường.

Nhớ lại năm bảy năm về trước, thành phố Quy Nhơn vào khoảng 9 – 10 giờ đêm là đường sá vắng ngắt chỉ còn một số điểm như bến xe, nhà ga hoạt động, nhưng mấy năm trở lại đây, đêm Quy Nhơn đã sôi động hơn. Bên cạnh những quán bán đồ ăn khuya ở khu vực ga Quy Nhơn, bến xe khách Quy Nhơn thì trên các đường phố xuất hiện thêm “đội quân” mưu sinh trong đêm. Mặc dù chúng tôi đã cố nhẩm tính xem hiện ở Quy Nhơn có bao nhiêu người mưu sinh như vậy, nhưng không thể thống kê đầy đủ được, chỉ biết rằng hầu như đường nào, góc phố nào cũng có họ. Và hiện nay, số người vào nghề đang có xu hướng ngày một tăng dần.

Và những nỗi niềm
Theo chân những người bán bánh mì Sài Gòn rong mới thấy họ thật sự năng động và có sáng kiến. Một đêm, họ có thể đi khắp các con đường nội thành. Họ phát hiện rất nhanh nơi nào và vào giờ nào thì bán được nhiều hàng. Ngoài ra, để đỡ tốn sức và hiệu quả hơn, họ thu sẵn một cuộn băng cassete rao bán hàng cho vào máy và cứ thế đạp xe đi. Chúng tôi đứng tại ngả tư Nguyễn Tất Thành và Ngô Mây lúc 9 giờ tối, thời điểm sinh viên trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn học đêm tan trường. Một đám sinh viên trên đường về đã sà vào một hàng chuối chiên. Những tiếng mua hàng vội vàng: “Cô, bán cho con 2 ngàn, rẻ nghen cô!”, “Con nữa, cũng như vậy…”. Chị chủ hàng chuối chiên, tâm sự: “Khách của tôi chủ yếu là sinh viên, học sinh, những người đi dạo phố. Đôi khi khách hàng là người lao động như bác xe ôm, anh xích lô. Mỗi người mua một vài ngàn, nhưng một đêm tôi cũng lời được 20 –30 chục ngàn đồng”. Trong một lần dạo phố đêm, tôi đã bắt gặp cảnh một bác xe ôm trước khi về đã ghé lại mua 3 ngàn chuối chiên. Ông cười vui: “Con tôi ở nhà thích ăn thứ này lắm. Thường trước khi về nhà tôi mua vài ngàn làm quà cho tụi nó. Cái món này ngon và lại rẻ”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Những người làm những nghề mưu sinh ban đêm đều không có việc làm ổn định, chính nghề này đã cưu mang họ. Khi tôi hỏi về thu nhập và những vất vả thường ngày, chị ba Bình, bán bánh bao trên đường Nguyễn Huệ, chân thành: “Thu nhập thì cũng tương đối cao nhưng cực lắm anh ơi. Tối nào cũng phải thức đến 11 – 12 giờ đêm mới xong về ngủ. Biết rằng vậy nhưng làm sao được, có bán khuya mới mong có được nhiều tiền. Hiện nay cuộc sống của gia đình tôi dựa vào khoản thu nhập từ tiền bán bánh bao này. Hai vợ chồng cưới nhau đều nghèo lại không có nghề nghiệp ổn định nên phải bầm dập qua đủ thứ nghề để tồn tại. Từ khi chuyển qua nghề này, cuộc sống gia đình đã đỡ vất vả hơn. Trung bình mỗi đêm tôi kiếm lời được 20 – 25 ngàn đồng. Cá biệt có nhiều đêm lễ lộc hay có chương trình gì có nhiều người qua lại thì có thu nhập cao hơn, khoảng 30 –40 ngàn đồng”. Còn chị bảy Thịnh, bán xôi chiên trên đường Ngô Mây, tâm sự: “Với vị trí và sức bán của tôi như vậy một đêm lãi được 30 ngàn đồng. So với nhiều nghề khác và với sức lao động bỏ ra cũng không thấp lắm”. Chẳng riêng gì hai chị, tất cả chủ những hàng quán trên vỉa hè ở Quy Nhơn đều cho biết như vậy. Còn anh Trần Hòa Đồng, một người tham gia “đội quân” bán bánh mì dạo mới xuất hiện ở Quy Nhơn, cho hay: “Trước khi vào nghề tôi đã làm thợ hồ nhưng thu nhập thấp, mỗi ngày chỉ 25 ngàn đồng. Được người quen giới thiệu, tôi chuyển qua làm nghề này, tuy phải thức khuya và đạp xe đi nhiều nhưng được cái là thu nhập cao, mỗi đêm 35 – 40 ngàn đồng”.

Lời kết
Họ đều là những người lao động nghèo, không có việc làm đành chọn một nghề nơi vỉa hè, góc phố để mưu sinh qua ngày. Thế nhưng, những hàng quán của họ luôn làm vừa lòng và là địa chỉ của nhiều thực khách, đặc biệt là dân nghèo và sinh viên mỗi lúc đêm về… Ngoài ra, nhờ những nghề này đã giải quyết một lực lượng lao động nhàn rỗi rất lớn có việc làm kiếm sống lương thiện.

Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là các hàng quán này đa phần ít nhiều có vi phạm Luật An toàn giao thông, vì phần đông đều nằm trên vỉa hè. Ngoài ra, khi ngày càng có thêm nhiều người gia nhập vào đội quân này thì dễ xảy ra những lộn xộn. Bởi vậy, để bảo đảm an toàn giao thông và tránh những điều đáng tiếc xảy ra, các ngành chức năng cần phải quan tâm đến đội quân này. Cũng nên cần có những quy định cụ thể để họ có thể mưu sinh được nhưng không vi phạm pháp luật. Còn về phía các chủ hàng quán cũng nên ý thức hơn đến việc làm của mình.

P.N.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chất thải rắn và nỗi bức xúc của môi trường đô thị   (28/02/2003)
Giỗ chạp ở quê  (28/02/2003)
Nghề trồng hoa cúc xuân  (28/02/2003)
Một cụ bà cứu 4 cháu nhỏ khỏi bị chết đuối  (28/02/2003)
Đào tạo lao động khu công nghiệp - Nhu cầu bức xúc  (28/02/2003)
Làm giàu ở tuổi cổ lai hy  (28/02/2003)
Khuyến học ở Bình Định: Nếp mới đã thành  (28/02/2003)
Cùng “chat” với tài năng trẻ Trương Quang Huy   (28/02/2003)
Đất lành, nhưng chim… chưa đậu?   (28/02/2003)
Báo động về tai nạn lao động   (21/02/2003)
Truyền hình cáp Quy Nhơn sẽ đem đến cho nhân dân những món ăn tinh thần bổ ích   (28/02/2003)
Nhiều bức xúc của cử tri đã được giải trình thỏa đáng   (28/02/2003)
Gặp lại Bình Định  (28/02/2003)
Trở về miền đất tuổi thơ  (28/02/2003)