Một người Bình Định đi làm tại Afghanistan

Tô Thanh Sơn tại Afghanistan

Sinh năm 1966 tại Quy Nhơn, Tô Thanh Sơn đã từng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp 3 tỉnh Nghĩa Bình vào năm 1982, giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Vật Lý cấp 3 tỉnh Nghĩa Bình vào năm 1984 và cùng năm đó anh đã đoạt giải ba học sinh giỏi Vật lý cấp 3 toàn quốc đồng thời đỗ thủ khoa vào trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh với số điểm cao nhất toàn khu vực phía Nam. Hiện nay Tô Thanh Sơn có lẽ là người Việt Nam duy nhất ở Afghanistan và anh cũng là người Việt Nam đầu tiên trở thành nhân viên quốc tế của Tổ chức Quốc tế về di dân (International Organization for Migration - I OM) 

Nhân chuyến về Việt Nam nghỉ phép, Tô Thanh Sơn đã có cuộc tiếp xúc, trò chuyện với Báo Thanh Niên, anh kể :

Tôi sinh ra và lớn lên tại Thành phố Quy Nhơn (Bình Định), gia đình tôi khá đông anh em, 8 người, nên ngay từ nhỏ anh em chúng tôi đã sớm có tinh thần tự lập. Năm 1984, với kết quả đạt được ở kỳ thi học sinh giỏi, tôi được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, nhưng vì mê ngành Điện tử nên tôi ghi tên thi vào Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh và tôi đã đạt kết quả tốt với số điểm 28/30. Năm 1989, tôi tốt nghiệp với kết quả cao nhất trong ngành Điện tử của trường và được nhận về làm ngay ở Bưu điện TP Hồ Chí Minh. 

Trong thời gian làm việc tại đây, ngoài công việc ở cơ quan, tôi dành thời gian còn lại cho việc tự học Vi tính và Ngoại ngữ. Tháng 3.1993, sau hơn 3 năm làm việc cho Bưu điện, tôi nộp xin nghỉ và chuyển sang làm cho IOM. Trong số 16 người nộp đơn vào đây thì tôi là người được phỏng vấn sau cùng nhưng lại là người được chọn, tôi đã làm việc cho IOM từ đó cho đến nay. Thời gian làm việc ở đây, do yêu cầu của công việc, tôi học thêm về mạng máy tính, lập trình ứng dụng và đã vượt qua nhiều kỳ thi để lấy chứng chỉ quốc tế. 

Hiện nay tôi đang sống và làm việc ở Kabul, thủ đô của Afghanistan, nơi có văn phòng chính của IOM, ngoài ra tôi còn chịu trách nhiệm quản lý các văn phòng khác của IOM tại các thành phố Afghanistan như : Heart, Kandahar, Kunduz…Công việc giúp tôi đi được nhiều nơi, tiếp xúc được nhiều nước trên thế giới, tôi nhận thấy rằng khả năng làm việc của người Việt Nam không hề thua kém dân các nước trên thế giới, song họ thường trội hơn mình về ngoại ngữ, tôi thấy người Việt Nam có ưu thế phát âm chuẩn hơn một số nước khác, nhưng cái chính là vấn đề giáo dục của ta không bằng họ, chúng ta cần phải có hướng cải tiến việc dạy và học tiếng Anh sao cho có hiệu quả. Bên cạnh đó, người Việt Nam chúng ta thường ngại phải đi làm xa quê. 

Trước khi chuyển sang làm ở Afghanistan, tôi đã từng có thời gian làm việc ở Đông Timor. Tại đây văn phòng chỉ có 20 nhân viên nhưng là 20 người có quốc tịch khác nhau, thường thì mỗi nước chỉ có một người. Làm việc trong điều kiện như vậy đòi hỏi mỗi người phải sống cởi mở, chân thành và sẵn lòng giúp đỡ người khác, có như vậy thì mới dễ hòa nhập được với nhau. Theo tôi, để làm tốt công việc của mình ngoài kiến thức, chuyên môn, chúng ta cần phải có những yếu tố khác như khả năng làm việc độc lập, tinh thần hợp tác và biết cách giải quyết những bất đồng.

(Thanh Niên xuân Quý Mùi) 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận ở Đoàn xe tăng H73 Anh hùng  (20/02/2003)
Đào Thị Xuân Hà - cô bí thư học giỏi  (20/02/2003)
Một điển hình về công tác phổ cập trung học cơ sở  (20/02/2003)
Ấm áp và tin tưởng   (28/02/2003)
Xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"  (21/02/2003)
Những người mưu sinh trong đêm  (28/02/2003)
Chất thải rắn và nỗi bức xúc của môi trường đô thị   (28/02/2003)
Giỗ chạp ở quê  (28/02/2003)
Nghề trồng hoa cúc xuân  (28/02/2003)
Một cụ bà cứu 4 cháu nhỏ khỏi bị chết đuối  (28/02/2003)
Đào tạo lao động khu công nghiệp - Nhu cầu bức xúc  (28/02/2003)
Làm giàu ở tuổi cổ lai hy  (28/02/2003)
Khuyến học ở Bình Định: Nếp mới đã thành  (28/02/2003)
Cùng “chat” với tài năng trẻ Trương Quang Huy   (28/02/2003)
Đất lành, nhưng chim… chưa đậu?   (28/02/2003)