Lúc chúng tôi đến, ông Đinh Bá Lộc, Chính trị viên phó Tỉnh đội năm xưa, đang chuẩn bị đi thăm người mẹ nuôi đã bảo bọc ông trong chiến dịch Mậu Thân tại Phước Sơn (Tuy Phước) đang ốm nặng. Vừa nghe chúng tôi đặt vấn đề, ông bồi hồi …
|
Đài Phát thanh Bình Định (ngụy) bị đánh sập trong Tết Mậu Thân 1968 |
“Tôi không thể nào quên không khí chuẩn bị của cái tết năm ấy” - ông mở đầu câu chuyện như vậy. Quá trình chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy lúc này rất khó khăn, bàn đạp bị co hẹp. Lúc ấy, lực lượng Mỹ Ngụy và Nam Triều Tiên trên chiến trường Bình Định có 21 tiểu đoàn, 35 đại đội bảo an, 159 trung đội dân vệ, 51 đoàn “bình định”. Những vùng bàn đạp xung quanh thành phố, đều đã bị càn quét. Chúng thường xuyên lùng sục, thăm dòm củng cố tề ngụy ở cơ sở…
Để tạo bàn đạp, đêm 22-12-1967, đặc công Đ10 bí mật tập kích quận lỵ Tuy Phước; tiếp đó, ta tấn công địch ở Chợ Đình, Vinh Quang, Tư Cung, Dương Thiện (Phước Sơn, Phước Thuận - Tuy Phước). Trước đó, một phân đội đặc công tập kích địch ở ấp Tình Giang (Phước Hiệp). Như vậy, một bàn đạp phía bắc thị xã đã mở. Bên cạnh đó, không khí chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy diễn ra hết sức khẩn trương. Đang chuẩn bị thì một tin dữ ập đến: đồng chí Nguyễn Khuông (tức Biên Cương), Bí thư Thị ủy Quy Nhơn bị địch bắt. Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Tô Đình Cơ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ Trách hướng tiến công Quy Nhơn.
Theo kế hoạch, tiểu đoàn 50 và Tiểu đoàn đặc công liên ấp 3, cùng biệt động, tự vệ mật từ các vị trí giấu quân ở Hưng Thạnh (xã Nhơn Bình) được cơ sở cách mạng dẫn đường, luồn lách vào trung tâm thị xã, áp sát các mục tiêu. Ông Phan Trọng Thể, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 50, kể: “Tối 30-1, chúng tôi tập trung tại Vinh Quang (Phước Sơn) làm lễ xuất quân. Tất cả quàng khăn đỏ, thề Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, có anh đang sốt rét, vẫn nằng nặc xin đi chiến đấu. Anh em hừng hực khí thế quyết tâm”. Đại đội 2 Tiểu đoàn 50 xuôi theo bờ đê khu Đông, tiếp cận thôn Hưng Thạnh, phía Bắc sông Hà Thanh, men bờ đước, mắm, hành quân. Trận chiến đấu tại đồn Bạch Đằng vẫn còn như in trong ký ức ông Thể. Ông kể, giọng nghẹn ngào: “Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, tiểu đội trưởng, dẫn đầu tiểu đội xông lên, địch bắn như vãi đạn, bị thương ngay trên hàng rào dây kẽm gai, anh vẫn cố nhoài người, trùm lên hàng rào rồi hô to với đồng đội: “Toàn tiểu đội băng qua người tôi đánh chiếm mục tiêu bên trong”. Anh Sỹ đã hy sinh như thế đó.”. Cùng với đánh chiếm đồn Bạch Đằng, các chiến sĩ của tiểu đoàn đánh chiếm các mục tiêu: bến xe, lầu bà Đệ, nhà ga.
Từ 31-1 đến 7-2, các chiến sĩ đặc công Đ10 tấn công, chiếm giữ đài phát thanh, quân vụ trấn, bắt hơn 200 tên địch, giải thoát cho 22 đồng chí, đồng thời tiến công dinh tỉnh trưởng. Tại Đài phát thanh, chiến sự diễn ra ác liệt. Các chiến sĩ ta đã đẩy lùi 4 đợt phản kích, tiêu diệt 130 tên địch, làm chủ Đài phát thanh 7 ngày liền. Các đồng chí Biên Cương và Võ Mười, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 50, cùng chiến sĩ đặc công chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. Anh Phan Bảy, một trong 5 đồng chí đánh Đài phát thanh về hướng đông nam, bị thương đến hai lần, vẫn tiếp tục chiến đấu và bị địch bắt. Địch tra tấn anh trong 7 ngày, bằng dùi cui, roi điện... nhưng vẫn không khuất phục được anh. Anh bị địch đưa vào nhà lao Phú Tài rồi đày ra Phú Quốc, mãi đến năm 1973 mới được trao trả.
Cùng với tấn công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng trong tỉnh đã nổi dậy áp đảo quân địch. Gậy, tre, dao, liềm… là những vũ khí để những đội quân tóc dài xông vào áp đảo bọn bảo an, dân vệ, phá ấp chiến lược. Hình ảnh mẹ Ngung cầm cờ đi đầu xông thẳng vào bọn địch, nắm nòng súng địch hất lên; anh Ngô Bàn nằm đè lên lựu đạn để dân không bị thương … là biểu tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Bình Định.
35 năm sau những ngày mùa xuân ấy, những người lính năm xưa, có người đã ngã xuống, có người trở lại đời sống thường nhật. Nhưng mùa xuân Mậu Thân hào hùng ấy sẽ được ghi nhớ vĩnh hằng trong ký ức của dân tộc, không bao giờ và không có gì có thể làm phai mờ.
Khải Nhân |