|
Trụ sở Đài phát thanh Bình Định ngụy, nay là Sở VHTT Bình Định |
Trong chiến dịch của quân và dân ta tấn công vào thị xã Quy Nhơn đầu năm 1968, trận đánh chiếm và làm chủ Đài Phát thanh (nay là trụ sở Sở VHTT Bình Định) được coi là trận đánh tiêu biểu của chiến dịch. Cuối năm 1967, tình hình chiến cuộc ở miền Nam có nhiều chuyển biến tích cực, có lợi cho ta, “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ sắp sửa đến hồi phá sản. Thực hiện chủ trương chung của toàn miền, “Nam Bắc thi đua thắng giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.”, quân và dân Bình Định đã tổ chức một trận đánh lớn vào thị xã Quy Nhơn.
Trong chiến dịch này, mục tiêu chính của ta là tiến công thẳng vào Dinh tỉnh trưởng, ty cảnh sát, Đài phát thanh, sân bay Quy Nhơn… Nhiệm vụ tác chiến chủ yếu cho các trận đánh đó được giao cho Tiểu đoàn 50 bộ đội chủ lực tỉnh cùng với Tiểu đoàn đặc công “Liên ấp 3” phối hợp với các đơn vị biệt động và tự vệ nội thị thực hiện.
Đài phát thanh là mục tiêu quan trọng, nếu đánh chiếm được sớm ta có thể sử dụng đài để tuyên truyền, kêu gọi quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương. Theo kế hoạch ban đầu, cuộc tấn công dự định sẽ phát hỏa đúng vào lúc giao thừa Xuân Mậu Thân (tức 0 giờ ngày 29-1-1968), và Đài phát thanh là mục tiêu tấn công đầu tiên của ta.
Trước đó, một đơn vị đặc nhiệm đã bí mật đột nhập vào nội thị trinh sát, điều tra tình hình và chuẩn bị địa bàn. Đơn vị này do đồng chí Nguyễn Khuông (tức Biên Cương), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Quy Nhơn trực tiếp lãnh đạo. Khi việc chuẩn bị gần như đã hoàn tất thì đồng chí Biên Cương và một số cán bộ hoạt động bí mật của ta bị địch bắt. Lúc đó đã là ngày 28 Tết. Tuy nhiên, không thể trễ giờ nổ súng, Tỉnh ủy quyết định điều chỉnh kế hoạch tác chiến có thay đổi đôi chút so với ban đầu. Nghĩa là mũi tấn công đầu tiên không đột kích vào Đài phát thanh như đã định mà sẽ đột kích vào khu Quân Trấn (cách Đài phát thanh khoảng 400 mét về phía Tây-Nam) để giải thoát đồng chí Biên Cương và một số cán bộ của ta đang bị an ninh quân đội địch giam giữ, sau đó mới đánh chiếm Đài Phát thanh.
Với kế hoạch được điều chỉnh chút ít này, tối 30 Tết (29-1-1968), Tiểu đoàn 50, Tiểu đoàn đặc công “Liên ấp 3” và các đơn vị biệt động, tự vệ mật từ vị trí giấu quân ở ngoại vi Hưng Thạnh bắt đầu xuất kích. Do có sự chuẩn bị công phu, chu đáo và sự giúp đỡ, bao bọc của cơ sở, toàn bộ lực lượng chiến đấu của ta đã đột nhập an toàn vào nội thị và áp sát các mục tiêu trước giờ giao thừa mà địch không hề hay biết.
Sắp đến giờ giao thừa! Bọn ngụy quân – ngụy quyền và các toán lính Mỹ đang hí hửng vui say chuẩn bị đón cái tết sau một năm phải đương đầu vất vả với “cộng quân”. Tuy vậy trên đường phố Quy Nhơn thi thoảng xuất hiện những chiếc xe Jeep mui trần với sắc lính rằn ri tay giương súng M16 làm nhiệm vụ tuần tra. Đúng 0 giờ ngày 29-1-1968, khi thị xã vang lên tiếng pháo đón chào năm mới là lúc bộ đội ta nhận lệnh nổ súng tiến công địch. Địch hoàn toàn bất ngờ! Trận tập kích vào khu Quân Trấn diễn ra hết sức mau lẹ, 22 cán bộ, chiến sĩ của ta, trong đó có đồng chí Bí thư Thị ủy Quy Nhơn Biên Cương được giải cứu.
Trên đà thuận lợi, đúng như kế hoạch, 2 đại đội đặc công nhanh chóng đánh chiếm Đài phát thanh, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trấn giữ ở đây, trong đó có 2 tên Mỹ, làm chủ hoàn toàn khu vực này. Cùng lúc đó các mũi tấn công khác đánh vào dinh tỉnh trưởng, đồn cảnh sát Bạch Đằng, kho quân sự Đèo Son, bến xe… Quân địch hoang mang cực độ, gần như hoàn toàn bị tê liệt, mất khả năng chi viện, ứng cứu cho nhau.
Sau khi hoàn hồn, sáng hôm sau (30-1) địch bắt đầu điều quân từ các nơi khác đến ứng cứu. Từ lúc này trở đi, diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt, địch và ta giành giật nhau từng bức tường, góc phố. Tại Đài phát thanh, với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ đặc công đã kiên cường bám trụ, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch có xe tăng và xe bọc thép yểm trợ. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, vũ khí, đạn dược bên ngoài chuyển vào không được, cuộc chiến đấu ngày một ác liệt. Khi quân địch lên đến tầng hai của Đài phát thanh, ta chỉ còn lại 2 chiến sĩ đặc công đã bị thương, súng hết đạn.
Cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân đã đưa cuộc chiến tranh cách mạng ở Bình Định lên một cục diện mới. Cùng với chiến thắng trên toàn chiến trường miền Nam, một lần nữa quân và dân Bình Định đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đẩy chiến lược “chiến tranh cục bộ” của chúng đi đến phá sản hoàn toàn.
Chí Cường
|