Thanh Phong tên thật là Nguyễn Phong, sinh năm 1931 tại An Vinh – Tây Sơn. Anh đến với thơ khá muộn màng, và cũng không nghĩ sẽ đi xa trên con đường này. Dù vậy, Thanh Phong “đã chơi” hai tập bản thảo dày cộp: “Thơ về bến gió” và “To nhỏ tâm tình”. Anh có người vợ rất đảm đang và chung thủy. Chị là Đồng Thị Bạch Hằng, quê ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Anh chị vẫn thường về thăm quê, và anh thường tâm sự với chị rằng “mình chưa đóng góp gì cho quê hương, còn day dứt trong lòng”.
Chị cảm thông nỗi lòng anh, ngoài việc xây dựng lại từ đường cho họ hàng, chưa có gì cho làng quê. Chị yêu quê chồng nơi nổi tiếng “trai An Thái, gái An Vinh”. Chị cũng thấm nỗi đau đớn của quê chồng. An Vinh còn đó một đài tưởng niệm 1004 người dân lành đã bị giặc tàn sát đầu năm 1966! An Vinh nằm trong vùng trắng, xóm làng bị san bằng, ruộng đồng hoang hóa. Sau ngày giải phóng, An Vinh như cả miền Nam dần dà lành lặn vết thương chiến tranh. Nhưng từ thành phố Hồ Chí Minh, chị hiểu điều trăn trở trong lòng anh vì:… “Quê nhà cách trở chưa tròn mộng”…
Đã vậy, anh lại ngã bệnh hiểm nghèo. Khi biết mình không chiến thắng được bệnh hoạn, anh đã di chúc lại cho chị là gắng xây một ngôi trường cho các cháu ngay tại quê nhà An Vinh.
Và một ngày buồn bã đã đến với chị: Ngày 6-4-2001, anh Thanh Phong từ trần tại nhà riêng 22 – Phước Hưng – Quận 5 – thành phố Hồ Chí Minh!
Thường thì có tang chế người ta dừng những công việc lớn, để sau khi mãn tang sẽ tiến hành. Nhưng ở chị Bạch Hằng thì khác, tang anh Thanh Phong mới hơn nửa năm, chị đã liên hệ tổ chức xây dựng trường tiểu học xã Tây Vinh theo di chúc của anh. Có lẽ chị nghĩ làm như vậy hương hồn anh mãn nguyện, và chị cũng vơi bớt nỗi buồn đau!
Được các cấp lãnh đạo hoan nghênh và nhất trí kế hoạch xây dựng, chị Bạch Hằng lo mời thiết kế và mời nhà thầu tiến hành xây dựng công trình: gồm 10 phòng học - 2 tầng, đúng quy cách trường mẫu của Bộ GD-ĐT ban hành.
Công việc xây dựng ở vùng sâu trong thời tiết không thuận lợi là nỗi khổ của đơn vị thi công. Tuy ở tận trong thành phố HCM, nhưng chị Bạch Hằng vẫn ra vào theo dõi từng công đoạn cho đến ngày hoàn tất. Và nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2002, công trình được nghiệm thu và bàn giao.
Tại buổi lễ thật giản dị và thân tình, chị Bạch Hằng đã phát biểu chân thành: “… Tôi xin bàn giao lại ngôi trường này cho ủy ban nhân dân xã cùng Ban giám hiệu trường quản lý và sử dụng. Kính mong quý vị phát huy hơn nữa “sự nghiệp trồng người”, góp phần đào tạo nhiều nhân tài để xây dựng quê hương của chúng ta giàu đẹp hơn! Tôi xin cảm ơn lãnh đạo các cấp các ngành, đơn vị thiết kế, đơn vị thi công đã quan tâm giúp đỡ nhiều để hoàn thành ước nguyện của chồng tôi là anh Nguyễn Phong!”.
Ông Huỳnh Anh Kiệt chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tây Vinh, xúc động nói: - “… Chúng tôi vô cùng cảm kích trước di chúc quý báu của chú Nguyễn Phong, tức nhà thơ Thanh Phong trước lúc đi xa vẫn nhớ về quê hương! Và chúng tôi cũng hết sức cảm kích tấm lòng vàng của cô Bạch Hằng đã thực hiện tốt đẹp di chúc của chú Phong xây dựng cho quê nhà một ngôi trường tiểu học 2 tầng, đúng tiêu chuẩn và rất khang trang!”.
Dự buổi lễ có đông đủ đại biểu ở huyện, các ban ngành của xã, các thầy cô, các phụ huynh và bè bạn anh Thanh Phong cùng gia đình, ai cũng bồi hồi xúc động.
Chưa kể 250 triệu đồng chị Bạch Hằng tài trợ cho xây lại ngôi chánh điện chùa Hội Nguyên tọa lạc tại An Vinh do chiến tranh đã hư hỏng, chị đã tài trợ tổng chi phí cho công trình trường Tiểu học Tây Vinh 750 triệu đồng. Đặc biệt, để ghi nhận tấm lòng của chị Bạch Hằng, nhân dịp lễ kỷ niệm 58 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã tặng chị Bằng khen.
Hà Giao |