|
Thánh Gandhi |
Ngày 30/01/1948, cách đây 55 năm, nhà cách mạng – Nhà tư tưởng Mahatma Gandhi, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Ấn Độ - chiến sĩ tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc đã qua đời vì bọn phản động cuồng tín hèn hạ ám sát. Mahatma Gandhi tên thật là Mohandas Karamchand Gandhi. Ông sinh ngày 02/10/1869 trong một gia đình quyền quý ở Bang Gugiarat, thuộc công quốc Póocbandác (miền Tây Ấn Độ). Mahatma Gandhi là tên mà nhân dân Ấn Độ tôn kính đặt cho ông. Cụm từ “Mahatma” có nghĩa là “ Tâm hồn vĩ đại” . Sinh trưởng trong một gia đình danh giá, có thế lực nên ngay từ thuở thiếu thời, Mahatma Gandhi đã được dạy dỗ, học hành chu đáo. Năm 19 tuổi (1888), sau khi tốt nghiệp PTTH , Gandhi được sang Anh du học và trở thành sinh viên khoa Luật. Tốt nghiệp Đại học Luật, Gandhi về nước (1891) và hành nghề luật sư tại Bombay. Khoảng 2 năm sau, Gandhi sang Nam Phi làm tư vấn pháp lý cho một hãng buôn của Ấn Độ. Chính thời gian dài làm việc tại đây (1893 - 1914), Gandhi được tận mắt chứng kiến chính sách phân biệt chủng tộc của thực dân Anh, đồng thời thấu hiểu nỗi bất công, cơ cực của đồng bào mình cũng như người da màu Nam Phi. Với chủ trương “Đề kháng bất bạo động”, Gandhi đã lãnh đạo cộng đồng người Ấn và người da màu bản xứ đấu tranh chống lại tệ phân biệt chủng tộc và nạn ức hiếp người lao động Ấn của bọn thực dân. Đó cũng là khởi đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của Gandhi. Đầu năm 1915, M.K . Gandhi trở về tổ quốc. Ông được nhân dân Ấn Độ nồng nhiệt đón tiếp. Bốn năm sau ( 1919), M.K. Gandhi gia nhập Đảng Quốc Đại và sau đó không lâu ông trở thành nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng này. Dưới sự lãnh đạo của M.K. Gandhi, Đảng Quốc Đại trở thành một chính đảng lớn của Ấn Độ. Sau chiến tranh thế giới lần thứ I, thực Anh áp dụng đạo Luật Rônlét hà khắc, bạo tàn tại Ấn Độ. Dưới sự lãnh đạo của M.K. Gandhi, toàn thể nhân dân Ấn Độ nhất tề đứng lên chống lại bọn thực dân. Với cương lĩnh “Đề kháng bất bạo động” của Gandhi, phong trào tẩy chay, bất hợp tác với chính quyền Anh dấy lên mạnh mẽ khắp Ấn Độ. Người dân Ấn Độ cương quyết cự tuyệt : không dùng hàng hóa của Anh, không hợp tác làm việc với chính quyền, không đi lính cho Anh … Trong suốt thời gian từ 1929 đến 1933, đại diện cho cho Đảng Quốc Đại và nhân dân Ấn Độ, qua “Hội nghị bàn tròn”, tổ chức tại London, Gandhi đã đấu tranh đòi thực dân Anh phải trả độc lập cho Ấn Độ. Cũng trong khoảng thời gian này (1930), Gandhi đã phát động “Cuộc đi bộ đòi muối”, rầm rộ, chống lại Luật độc quyền muối của thực dân Anh. Cuộc biểu tình đã thu hút hàng vạn người dân Ấn tham gia. Kể từ đó đến năm 1947, M. K. Gandhi đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh qui mô, rộng lớn ở Ấn Độ, chống lại thực dân Anh. Với khẩu hiệu : “ Chúng ta hãy hành động hay là chết !”, phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ do Gandhi lãnh đạo ngày càng mạnh mẽ, làm cho bọ thực dân phải run sợ. Cao trào của cuộc đấu tranh là cuộc binh biến của 2 vạn thuỷ binh ở bombay (Ấn Độ), xảy ra vào trung tuần tháng 2 – 1946. Hưởng ứng cuộc đấu tranh, hàng triệu công nhân, học sinh, sinh viên Ấn Độ đã thực hiện bãi công, bãi khoá, đòi độc lập, dân chủ. Điểm đỉnh của phong trào đấu tranh là 3 ngày liên tiếp 18, 19 và 20 tháng 2 - 1946. Cuộc đời cách mạng của M.K. Gandhi trải qua nhiều gian lao, nguy hiểm. Ông từng nhiều lần bị thực Anh cầm tù, giam giữ. Song, mọi thủ đoạn của kẻ thù không khuất phục được Gandhi . Với đường lối sáng suốt và ý chí đấu tranh kiên trì, bền bỉ của M.K. Gandhi và nhân dân Ấn Độ, cuối cùng, ngày 15/8/1947, thực dân Anh buộc phải trao trả nền độc lập cho quốc gia này. Song, kỷ nguyên độc lập của Ấn Độ vừa mở ra thì đầu Xuân năm 1948, lãnh tụ M.K. Gandhi đã phải đi xa. M.K. Gandhi qua đời là một tổn thất lớn lao đối với nhân dân Ấn Độ và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Đối với nhân dân Ấn Độ, Gandhi luôn là “ Một tâm hồn vĩ đại”. Thậm chí, toàn thể người dân Ấn tôn sùng Gandhi như bậc Thánh. Họ từng tôn vinh ông là “Một vị Thánh trong số các chính khách và là chính khách trong các vị Thánh”. Đặc biệt, năm 1958, tròn 10 năm sau ngày M.K. Gandhi từ trần, Hồ Chủ Tịch đã sang thăm Ấn Độ và đặt vòng hoa tưởng niệm Gandhi. Trong bút tích của Người có đoạn : “ Con người đã nêu cao đạo đức yêu nước, khắc khổ, nhẫn nại, suốt đời hi sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho Hòa bình”. 55 mùa xuân đã trôi qua kể từ ngày M.K. Gandhi qua đời, song “Tâm hồn vĩ đại” của Thánh Gandhi luôn luôn sống mãi. . Viết Hiền |