Có một thế hệ thanh niên, thiếu niên Việt Nam (nay đã trên dưới 50 tuổi) đã say sưa cất cao lời ca:
“Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng Trước như tuổi thơ tôi nào biết được...”
Đó là những lời ca trang nghiêm, trong sáng thiết tha ca ngợi công ơn của Đảng, công ơn đã làm biến đổi và phát triển trí tuệ và tâm hồn của mỗi người. Chúng ta hát cho đúng, cho hay, thế là đã đủ, nhưng những gì đã tạo nên lời ca ấy, nếu ta biết thêm, thì hiệu quả rung cảm sẽ nhiều hơn.
Lời ca vốn là những vần thơ của một nhà thơ lớn nước Pháp: Lu-i A-ra-gông, được Tố Hữu dịch sang tiếng Việt. Bài thơ có đầu đề là: “Nhà thơ tặng Đảng của mình”, gồm ba khổ thơ như sau:
Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng Trước như tuổi thơ, tôi nào biết được Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng Đảng đã cho tôi huyết khí anh hùng xưa Hiển hiện nàng Gian, Rô-lăng còi thét Rừng Vecco sống lại thời oanh liệt Đã từng nghe trong từng chữ tiếng gươm khua Đảng cho tôi huyết khí anh hùng xưa Đảng đã cho tôi màu sắc nước non nhà Đảng ta ơi ! Cám ơn Người dạy dỗ Tự đáy lòng tôi sướng vui, đau khổ Và tình yêu, căm giận hóa lời ca Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà
Nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉ phổ đoạn thơ đầu và khổ cuối, còn khổ giữa có lẽ do một phần vì ngôn ngữ thơ dịch ở đây khó phổ, nhất là vì những sự kiện lịch sử nước Pháp có nét riêng, không giống Việt Nam nên không phổ.
Tố Hữu dịch rất sáng tạo mà vẫn giữ được ý cơ bản của nguyên văn, thậm chí còn làm đẹp thêm nguyên văn. Đọc hay hát vang lời ca đó, ta thấy hình như đều là những lời ca mộc mạc, giản dị, có thể nhiều người làm được. Thực ra, đây chưa phải là những lời ca hay nhất của A-ra-gông nhưng con đường mà ông đã trải qua để có thể tạo dựng được những lời thơ ấy, thật không đơn giản chút nào.
A-ra-gông thọ 85 tuổi (1897-1982) đã sống trong thời đại mà nước Pháp đã trải qua những năm tháng chứa chất bao xung đột gay gắt: Nhân dân, trước hết là quần chúng lao động ngày càng lớn mạnh, anh dũng hai lần chống ngoại xâm, giai cấp tư sản có một bộ phận khác, tiêu biểu cho chủ nghĩa đế quốc, lúc đầu thì hàng giặc, lúc thì tiến hành những cuộc chiến tranh đẫm máu của các nước thuộc địa, nhưng nhìn chung, giai cấp này không từ một thủ đoạn nào hòng chia rẽ phong trào quần chúng, A-ra-gông đâu phải dễ dàng nhận rõ được chân lý thời đại. A-ra-gông còn phải đấu tranh, lựa chọn để xác định một con đường, góp phần làm cho xã hội Pháp thanh xuân. Lúc cầm súng, lúc cầm bút, A-ra-gông người chiến sĩ kiên cường đã hai lần là lính chống giặc Đức, tham gia chống xâm lược ở Ma-Rốc, đấu tranh cho nước Tây Ban Nha dân chủ, chủ bút một tờ báo Đảng, hoạt động bí mật trong vùng quân Đức chiếm đóng, tham gia ban chấp hành trung ương Đảng nhiều năm... Nhưng A-ra-gông nhà thơ, nhà văn được tư tưởng người chiến sĩ bồi đắp, bằng sức lao động phi thường, đã để lại cho đời sau trên sáu chục tác phẩm văn học, đã trải qua các cuộc đấu tranh lựa chọn đầy gian khổ trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp của văn học Pháp ở thế kỷ XX.
. Hồng Dương |