|
Má Hai Hương và các vị khách dự Hội thảo DSTT tỉnh Bình Định. Ảnh: Từ Ngọc Lang |
Chúng tôi cùng vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho, giám đốc Trung tâm dưỡng sinh tâm thể Hà Nội (DSTT) lên tàu tốc hành vào Quy Nhơn - Bình Định dự hội thảo 5 năm DSTT của câu lạc bộ DSTT Bình Định. Nơi đây, sông núi, biển, trời, đất, nước liền kề, là quê hương của ba anh em Tây Sơn tụ nghĩa. Giờ đây, Bình Định còn là quê hương của DSTT do bà Tôn Nữ Nguyễn Thị Hương (thường gọi là má Hai Hương) sáng tạo theo tri thức dân gian cổ truyền. Quy Nhơn - Bình Định xưa và nay là nơi quy tụ nhân tài người hiền ở mảnh đất lành này không thiếu.
Những tấm lòng từ thiện Chúng tôi gặp gần hai trăm hướng dẫn viên (HDV) từ khắp nơi của Bình Định và cả các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa…về dự hội thảo. Họ tự túc phương tiện, tiền ăn ở, về Quy Nhơn để được gặp má Hai Hương. Hàng trăm tiếng nói vang lên khẳng định ích lợi của DSTT với cộng đồng. Những gương mặt rạng ngời ánh thiện, họ đều vượt lên khổ đau, bệnh tật nhờ DSTT. Ông Nguyễn Văn Cửu, phó chủ nhiệm CLB DSTT Bình Định báo cáo:
- Bình Định có hàng chục điểm tập với hàng vạn người tham gia, đều vượt qua bệnh tật, khỏe vui, sống đúng đạo lý làm người. Tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (quê ngoại má Hai Hương) có nhiều người được má dạy tập luyện hơn ba mươi năm trước, khỏi bệnh lại truyền cho con cháu, nay có 20 người sau khi hết bệnh đã tự nguyện làm HDV giúp người. Gắn liền với hình ảnh giàu sức cảm hóa của má, hàng trăm HDV của Bình Định đã đi làm ở các tỉnh: Lâm Đồng, Hà Tây, Đồng Nai, Hà Nội… Ở Hà Nội, gia đình đại tá Trần Mý luôn nhắc đến một cô gái cố nông ở Cát Minh là Lê Thị Nhung đã góp phần cứu chữa đại tá khỏi bệnh hiểm nghèo. Để trả ơn, ông Mý đã tình nguyện làm HDV hiện là phó giám đốc TT DSTT Hà Nội. Mới đây, vợ chồng ông Mý phụ trách lớp DSTT tại Lạng Sơn, đạt kết quả cao…
Tại hội thảo, chúng tôi đã gặp các anh, các chị tuổi chưa đến năm mươi, tình nguyện ăn cơm nhà đi làm HDV giúp người nghèo tại các vùng sâu, vùng xa như: Nguyễn Thị Bạch Huệ, Nguyễn Ngọc Tiền, Trần Cần, Bùi Trọng Luật, Phạm Văn Minh, Phạm Thanh Trà, Phạm Văn Hương, Trương Hồng Thanh, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Thị Dư, Lê Thị Nhung, Nguyễn An, Vũ Hòa, Văn Minh, Trần Trọng An, Lê Thị Tuyết Vy … Hằng ngày, buổi sáng họ làm việc kiếm sống, buổi chiều, họ đi xe đạp, xe máy 30-40km giúp bà con tập DSTT.
Chúng tôi hỏi tại sao các anh, các chị lại say sưa làm việc thiện như vậy? Họ đều trả lời: “Chúng tôi gặp bệnh nặng, đau ốm, cực khổ, được má Hai Hương và DSTT cứu lành bệnh, khỏe mạnh, nay phải đi cứu lại người khác để trả ơn”. Chúng tôi đã đến thăm các gia đình cả nhà đều làm HDV, má Hai Hương gọi những nhà đó là “thế đắc địa” (cả vợ chồng đồng Tâm cùng má hướng thiện, không khí thanh tịnh). Vợ chồng lương y đa khoa Trần Đức Tiên - Nguyễn Thị Kim Phụng có cửa hàng thuốc Nhơn Lợi khá to ở Chợ Lớn, Quy Nhơn, trong khi có những người bán thuốc lừa đảo bệnh nhân để bán thuốc làm giàu và có những người chống lại DSTT vì không bán được thuốc, thì vợ chồng anh Tiên lại theo DSTT. Anh làm phó chủ nhiệm CLB DSTT Bình Định, chị nửa ngày bán thuốc, nửa ngày đi làm HDV không có tiền công. Anh bắt mạch cho bệnh nhân, thấy ai không cần uống thuốc, hoặc uống ba thang không khỏi là mách họ đi tập DSTT. Anh nói: “Gieo thiện gặp thiện, gieo ác gặp ác. Gia đình tôi có nhiều người được má Hai Hương cứu, nay chúng tôi gieo thiện, lấy niềm vui sức khỏe”. Nhà anh bán hàng ồn ào, chật hẹp, nhưng hàng chục năm nay là nơi má Hai Hương đi, về, trú ngụ, tụ hội HDV, gieo mầm thiện, trong những năm tháng khó khăn chưa ai hiểu việc làm thiện của má. Họ thường chia nhau bát mỳ tôm trong hương thơm thuốc Bắc mà tình thương yêu nhau tràn ngập, niềm vui dâng đầy.
Nhà ông Nguyễn Văn Kỷ ở phố huyện Phù Mỹ, nghèo khổ, chật chội, là nơi ân tình, má Hai Hương suốt đời không quên. Hơn ba mươi năm trước, má chữa cho ông khỏi bệnh hiểm nghèo và hướng dẫn dân nghèo tập DSTT. Lính nguỵ tưởng má tuyên truyền cộng sản đã lùng sục tìm bắt má. Ông Kỷ che chở má trên gác mái tôn, nuôi rau cháo, khi lính đi khỏi, má lại tụ tập bà con dạy DSTT tại nhà ông. Nay cả bốn bố con ông đều là HDV. Ông dạy tập tại căn nhà cấp bốn lụp sụp của mình. Hai chị em Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Ngọc Tiền, ngày ngày đạp xe 40 km đến xã Ân Tường, huyện Hoài Ân quê nội má Hai Hương hướng dẫn tập luyện. Họ thường ở lại xóm thôn nghèo, ăn bữa cơm đạm bạc, ngủ trên chõng tre suốt đông – hè. Nguyễn Ngọc Tiền con ông Kỷ theo má Hai ra Hà Nội ngày nào cũng có mặt tại làng Hữu Nghị cứu chữa các em bị chất độc màu da cam.
Chúng tôi vượt dãy núi Cù Mông sang xóm chài Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên thăm vợ chồng anh Huỳnh Mỹ Cang – Lê Thị Dành (gọi là Sáu Cang). Chị Dành trước đây ốm đau không thuốc gì chữa khỏi, cảnh nhà túng quẫn vì đi bệnh viện. Anh Cang là con liệt sĩ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đang làm cán bộ kiểm tra Đảng huyện Sông Cầu, phải chuyển về làm Chủ tịch xã mình để chăm vợ ốm. Một vợ, sáu con, mẹ già, vợ ốm triền miên, cơm không có ăn, anh Cang ôm mặt khóc thầm. Anh chia gạo cứu đói cho dân xã, nhưng không dám chia cho nhà mình, vì sợ người ta không tin nhà ông Chủ tịch xã mà bị đói. Rồi một ngày, má Hai Hương mặc quần áo bao tải, chân trần lê trên cát bỏng, nóng quá má bẻ lá dừa đứng lại, bớt nóng, lại đi cùng trời cuối đất, tìm bệnh mà chữa, tìm người mà hướng thiện như mệnh giời bắt thế. Quang gánh trên vai, má rao “cao đơn hoàn tán, thuốc dán thuốc ho, ai xin thì cho, ai mua thì bán”. Anh Cang mời má vào mái lều xiêu vẹo, còn những cây dừa lưng oằn vì chất độc da cam. Má dạy cả nhà tập DSTT và chữa cho chị Dành khỏi bệnh. Từ đó, anh cùng con trai đi khuyến dụ dạy người nghèo tập DSTT, giúp nhiều người khỏi bệnh. Người ta không hiểu đã giam hai bố con và khai trừ anh ra khỏi Đảng. Nhớ lời má dạy không tham, sân si, anh bình tĩnh chấp nhận. Có cô hàng xóm bảo: “Làm phước đến khi gặp nạn mới hiểu phước”. Thấy anh làm HDV giỏi, năm 1995 má bảo anh ra Hà Nội truyền phương pháp DSTT. Anh gặp ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc UIA và giúp nhiều người tập luyện có kết quả. Ông Khanh đã công nhận phương pháp và mời má Hai Hương ra Hà Nội thành lập TT DSTT Hà Nội. Hai năm sau, má bảo Sáu Cang: “Con phải rời Hà Nội về Vịnh Hòa làm kinh tế nuôi mẹ già, nuôi vợ, nuôi con cho trọn đạo làm cha, làm chồng, làm con. Muốn cứu đời phải cứu mình trước đã”. Đang say làm việc thiện, sáu Cang vẫn phải ngậm ngùi nghe má về quê. Má chỉ cho anh triền cát bỏ hoang sát biển Vịnh Hòa bảo: “Con dời nhà xuống đó ở trồng dừa, trồng dương, trồng khoai, vơ đâu cũng có cái ăn”. Anh rời nhà trên núi xuống bãi cát bỏng dựng lều, trồng dừa, trồng dương la liệt. Mầy mò học hỏi, anh đóng lồng nuôi tôm hùm trên biển. Cả xóm chài theo anh nuôi tôm, nay Vịnh Hòa là nơi nuôi tôm hùm lớn nhất Phú Yên. Hàng loạt lồng tôm cắm trên biển, nhà nhà nuôi tôm giàu có, những mái lều lợp lá dừa được thay bằng nhà ngói. Người ta đua nhau xuống bãi cát dựng nhà. Bây giờ xóm cát vui như phố. Nhà Sáu Cang có cửa hàng giải khát, có xưởng làm nước đá. Đất Sáu Cang khai hoang, rừng dừa, rừng dương xanh tốt kéo dài 4.000m2 dọc chân sóng biển dạt dào. Con trai, con gái anh có nhà xây trên rừng dừa xanh mát. Chị Dành khỏe trẻ, xinh. Mẹ anh ốm nặng, các con xúm vào truyền năng lượng, bà sống lại, khỏe vui. Bố mẹ chị Dành vẫn xuống nhà anh chị tập DSTT. Chị Dành vừa bán hàng vừa làm HDV.
Đêm rằm tháng 11, ngày giỗ Tây Sơn Tam Kiệt, chúng tôi về nhà Sáu Cang, gió lộng, trời xanh, biển hát, rừng dừa trĩu quả, hàng dương vi vút, mọi người xúm xít ngủ với má Hai Hương trong lều lá dừa sát chân sóng, dưới rừng dừa, trong lời ru của muôn ngàn ngọn sóng. Đây là nơi hàng năm má Hai Hương về thu năng lượng đất trời. Đêm má mắc võng ngủ dưới gốc dừa. Sớm mai, má ngồi thế bán kết già trên cát trắng, nhìn về mặt trời trên biển Đông, đón nắng, gió trời, khí núi non, vào hồn trăng sao, cây cỏ… Má tụ hội HDV về đây thu năng lượng vũ trụ và lại đi giúp đời. Sáu Cang hiện là phó Giám đốc TT DSTT Hà Nội trông coi vùng miền Nam. Anh bảo: “Những người nhờ má Hai trở nên khỏe vui, giàu có trên khắp miền Nam còn nhiều lắm”.
Người gieo hạt Theo má Hai Hương một chặng chưa dài, nhưng chúng tôi đều hiểu hàng vạn người tập DSTT thành công là ức triệu cái nhân thiện. Nó nhân lên cấp số nhân. Má Hai Hương là người gieo hạt thiện. Tại hội thảo muôn người đều khẳng định giá trị lớn của DSTT. Ông Nguyễn Du, Chủ tịch hội LHKHKT tỉnh Bình Định nói: “Tôi tin tưởng và chịu trách nhiệm khi cho ra đời CLB DSTT vì nó hướng thiện, dạy đạo làm người. Phương pháp này nhân đạo, từ thiện, không vụ lợi, không màng danh tiếng”. Ông Lê Hồng Quang, nguyên phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên nói: “Chúng tôi tự nguyện hăng hái đến dự hội thảo trước hết là được gặp má Hai Hương. Người mẹ hiền nhân hậu đã truyền phương pháp này cho cộng đồng. Chúng tôi xin gửi má tình cảm sâu sắc, tình yêu thương kính trọng. Suốt cả cuộc đời má hy sinh, nay tuổi già vẫn lặn lội khắp đất nước truyền dạy con người hướng thiện. Nhà nước phong tám lần anh hùng cho má vẫn chưa đủ”. Ông Kim, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp Khánh Hòa nói: “Bình Định có nhân kiệt là má Hai Hương, DSTT đã đem lại những tâm hồn kỳ diệu”.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” chúng tôi đã từ biển lên rừng, theo dòng Lại Giang xóm dừa xanh ngát, về xã Ân Tường Tây huyện Hoài Ân – Bình Định thăm quê nội của má Hai Hương. Anh Văn Hóa, Phó chủ tịch huyện tiếp má và chúng tôi trong niềm vui bất ngờ. Hoài Ân là một huyện trung du khó khăn của Bình Định. Nơi đây chiến trường đến sớm và yên bình đến muộn. Xã Ân Tường Tây quê má chẳng còn ai thân thích, nên nhà cũ không còn, chúng tôi kính cẩn thắp nén tâm nhang trước mộ hai cụ cố và mộ ông nội Tôn Thất T. của má. Các cụ từ cung đình Huế vào đây, trồng dâu, nuôi tằm, trồng lúa, buôn bán và giàu có nhất vùng. Dân bảo ruộng của bà Hai chỉ tay chỗ nào cũng có. Chị Chế Thị Năm, hồi nhỏ ở sát nhà với má kể:
- Mẹ xưa buôn bán dầu, vải, gạo nhưng thương người vô biên. Ai nghèo mẹ cho. Năm lụt 1964, mẹ đi phân phát dầu, gạo cho mọi người, cho vải liệm người chết.
Chiến tranh tàn phá, mẹ chuyển nhà vô Tây Ninh. Mẹ sinh mười lần, giữ được bốn người, nay đã trưởng thành. Hai anh bác sĩ, dược sĩ có nhà lầu, xe hơi, mời mẹ về phụng dưỡng, mẹ không chịu. Chồng em mất tích, bố mẹ qua đời em ôm con trai xuống Đồng Nai ở. Nghe tin đồn về mẹ, em tìm gặp và linh tính “đây là mẹ của mình” và đi theo mẹ. Ai cho em mấy cây vàng em không mừng bằng được đi về quê chuyến này với mẹ. Mẹ đi ôtô khách từ Hà Nội vào Phù Mỹ – Hoài Ân – Quy Nhơn – Tây Ninh – Sài Gòn – Phước Thái – Đồng Nai – Kim Long – Bà Rịa – Vũng Tàu – Bình Thuận – Phan Rang – Khánh Hòa – Phú Yên rồi vòng lại Quy Nhơn. Đi đến đâu mẹ cũng dừng lại các điểm tập luyện truyền năng lượng, ai thiếu gạo mắm thì mua cho, ai sai mẹ nhắc. Mẹ chu đáo từng việc nhỏ. Đêm mẹ mắc võng ngủ ngoài hiên chừng 4 tiếng, ngày làm việc miết mà không mệt. Không ai theo kịp mẹ. Ai cho tiền, mẹ để túi này, lại trao sang túi của người khác. Ai gặp mẹ cũng quấn quýt tranh giành ôm lấy mẹ. Họ yêu quý mẹ hơn mẹ đẻ, vì mẹ dạy những điều mẹ đẻ không biết để dạy mình.
Lặng lẽ nghiêm trang cùng má Hai Hương thắp nhang trên đài liệt sĩ của xã Ân Tường to đẹp, đàng hoàng trên ngọn đồi còn thấm máu bao chiến sĩ anh hùng trong trận thắng Gò Loi, chúng tôi mới hiểu má Hai Hương thương người sống và thương cả người chết. Đi đến đâu má cũng đến nghĩa trang thắp hương cầu nguyện, an ủi các linh hồn liệt sĩ. Nghĩa trang quê hương má có hơn một trăm liệt sĩ vô danh, gần hai trăm người ở các tỉnh Hà Nam, Hải Phòng, Hà Bắc, Thái Bình, Bắc Cạn, Quảng Ninh… làm tôi rơi lệ. Má bảo: “Các liệt sĩ nhớ quê hương đấy!”. Thì ra những linh hồn liệt sĩ nhớ quê đã ẩn hiện trong tôi thành nước mắt. Và nước mắt đã an ủi những linh hồn. Những linh hồn khóc hay tôi đã khóc? Chỉ biết rằng Âm – Dương gặp nhau chan chứa, tan hòa trong nhau thành “năng lượng tình thương” nâng ta đi suốt cuộc đời ngắn ngủi, bão giông. Bài học tình thương má dạy tôi là thế. Nếu không đi tìm về nguồn cội với má, làm sao tôi hiểu được chữ Tâm.
. Mai Thục (Báo Phụ nữ Thủ đô)
|