Khắp nơi tưng bừng đón Tết

TP Quy Nhơn về đêm. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Tại TP Quy Nhơn, cùng việc chuyển quà Tết của Chủ tịch nước đến tận tay 255 gia đình chính sách trên địa bàn, UBND thành phố Quy Nhơn đã trích ngân sách 28 triệu đồng sắm quà Tết tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình có công với nước. Được biết, trong dịp Tết Quý Mùi, toàn thành phố có 460 hộ gia đình diện chính sách được tặng quà, 1.480 hộ gia đình gia đình nghèo được cứu trợ đỏ lửa với mức 10 kg gạo/1 hộ.

Riêng tại xã đảo Nhơn Châu nơi xa trung tâm thành phố nhất, từ những ngày đầu tháng Chạp, lãnh đạo xã đã chuẩn bị các mặt để nhân dân ở đây có một cái Tết đầm ấm, vui tươi, UBND xã đã chuẩn bị các loại lương thực, thực phẩm để đảm bảo không hộ nào bị đói trong dịp Tết. Tết Quý Mùi năm nay, tại Nhơn Châu sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống như: đua thuyền, lắc thúng, đập ấm, bóng đá… nhằm tạo được không khí vui vẻ đón xuân mới trong nhân dân.

Tại Đồn biên phòng 332 (Bộ đội biên phòng Bình Định), theo thông lệ hàng năm, cứ vào ngày 25 tháng Chạp, đồn đã bắt đầu tổ chức cho cán bộ chiến sĩ ăn Tết, nhằm tập trung cho công tác giữ gìn vững chắc địa bàn để nhân dân vui xuân. Thiếu tá Thái Anh Xuân, đồn trưởng Đồn biên phòng 332 cho biết: “Đêm giao thừa, cán bộ chiến sĩ trong đồn quây quần bên nhau trước truyền hình, sau khi nghe Chủ tịch nước chúc Tết, mới bắt đầu ăn bánh mức và tổ chức sinh hoạt văn nghệ, đơn sơ nhưng thật tình cảm và thật vui”.

Tại Bệnh viện phong và da liễu, Quy Hòa Ban giám đốc bệnh viện cũng đã lo tươm tất cho các bệnh nhân và gia đình bệnh nhân có một cái Tết vui vẻ và ấm áp nghĩa tình. Số tiền mà một số nhà hảo tâm đã ủng hộ trong năm được Hội đồng bệnh nhân sử dụng vào các mục đích như: giúp đỡ con em bệnh nhân học tập, hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo tàn phế, cho bà con mượn để quay vòng vốn làm ăn… Nguồn quỹ này cũng được dành dụm, để cuối năm Hội đồng bệnh nhân sẽ chia ra cho mỗi người một ít gọi là quà Tết của những nhà hảo tâm. Năm nay những bệnh nhân ở Bệnh viện phong và da liễu Quy Hòa được Hội đồng bệnh nhân trợ cấp mỗi người 100.000 đồng, bệnh viện cho 20.000 đồng/1 người, các sơ cho 10.000 đồng/1 người để ăn Tết. Riêng các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện vẫn được đảm bảo 3 bữa ăn hàng ngày với khẩu phần đặc biệt hơn một chút. Chị Nguyễn Thị Hoa – một bệnh nhân ở làng phong Quy Hòa cho biết: “Năm nay, bà con làng phong có vẻ dễ thở hơn so với năm ngoái. Những hộ khai thác tôm hùm được mùa được giá, nhiều con em trong làng cũng được Nhà nước cho đi học nghề miễn phí (được trợ cấp chi phí sinh hoạt), điệu kiện chữa bệnh cũng được cải thiện cao hơn trước nhiều. Nếu sang bên làng mới (nơi cư ngụ của con bệnh nhân phong đã có gia đình riêng) không khí sẽ còn vui hơn… Sáng mồng 1 Tết, bà con bệnh nhân chúng tôi sẽ tập trung chào cờ, sau đó ra quân trồng cây gây màu xanh cho Quy Hòa”.

Đặc biệt tại TP Quy Nhơn có tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa (có tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình Bình Định) và là một đầu mối của cầu truyền hình Trung ương, nên chương trình đón giao thừa chắc chăn sẽ rất hoành tráng, đáp ứng được sự mong đợi của nhiều người.

Trong khi đó, ở các huyện, không khí chờ đón Tết Qúy Mùi cũng rất háo hức, hạnh phúc. Năm nay, được sự quan tâm của tỉnh và chính quyền địa phương, nhiều chương trình vui xuân đa dạng và phong phú được huyện Hoài Nhơn tổ chức để nhân dân đón Tết. Hoài Nhơn là địa điểm thứ 2 sau Quy Nhơn được bắn pháo hoa. Đêm giao thừa năm nay thị trấn Bồng Sơn có lẽ sẽ quá tải trước lượng người từ các nơi trong huyện và các huyện lân cận đổ về xem bắn pháo hoa. Chị Hiền, quê ở xã Hoài Sơn, cho biết: “ Giao thừa năm nay, tôi sẽ cùng bạn bè đến Bồng Sơn xem bắn pháo hoa, hồi nào đến giờ chỉ thấy pháo hoa trong tivi, nếu lần này không xem thì biết bao giờ”. Ngoài bắn pháo hoa, huyện Hoài Nhơn còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như “Xổ Cổ Nhơn” và hội chợ xuân. Lễ kỷ niệm 38 năm chiến thắng Đồi Mười sẽ được tổ chức trọng thể tại xã Hoài Châu Bắc vào ngày mồng 4. Theo ông Dương Minh Châu, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, năm nay Hoài Nhơn tổ chức rất nhiều chương trình để nhân dân vui xuân. Huyện cố gắng tổ chức sao cho bà con vừa chơi xuân vui vẻ, nhưng an tòan, hạn chế các tệ nạn thường xảy ra vào dịp Tết như: cờ bạc, rượu chè làm mất an ninh trật tự xã hội…

Còn tại Tuy Phước, để giúp các hộ gia đình diện chính sách, người có công cách mạng đón một cái Tết vui vẻ, UBND huyện đã trích nguồn ngân sách hơn 68 triệu đồng làm quà biếu, mỗi suất quà trị giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Các hộ gia đình có người già yếu neo đơn, không nơi nương tựa, huyện cũng trích ngân sách hỗ trợ mỗi nhân khẩu 10 kg gạo đỏ lửa trong 3 ngày tết. Ông Nguyễn Đình Huệ, phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Công việc chuyển quà, gạo đỏ lửa được huyện khẩn trương chuyển đến các hộ gia đình để kịp giúp người dân đón Tết vui vẻ”. Bên cạnh đó, để người dân trong huyện có địa điểm vui xuân, đón tết, huyện Tuy Phước tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao mừng đón xuân mới. Lễ hội chợ Gò sẽ được tổ chức vào sáng mồng một Tết. Ông Bùi Văn Năm, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao – thông tin huyện Tuy Phước, cho biết: Lễ hội chợ Gò năm nay sẽ được tổ chức gồm nhiều tiết mục như: Múa lân, biểu diễn võ thuật, các tiết mục trò chơi dân gian khá đặc sắc như: đập bong bóng, thi cắm cờ nhanh… Vào chiều mồng 2 Tết, Hội đua thuyền rồng truyền thống được tổ chức trên sông Gò Bồi (xã Phước Hoà). Trong buổi tối các ngày mồng 4,5,6 tại HTX NN Phước Lộc 1, Hội võ thuật huyện tổ chức thi đấu giao hữu võ thuật với sự tham gia của nhiều võ sĩ trong huyện và tỉnh...

Tại chợ thị trấn Bình Định (An Nhơn), không khí đi chợ đón Tết của bà con rất sôi động. Nhìn vào những món hàng bà con sắm Tết, chúng tôi đã cảm nhận được năm nay đời sống bà con có khá hơn nhiều. Những mặt hàng như: bánh kẹo, trái cây, rim mứt được bán chạy nhất vào dịp cuối năm. Chị Trần Hồng Thắm, chủ hàng bán mứt tại chợ Bình Định tâm sự: “Mọi năm, phần lớn người dân đi chợ mua sắm toàn những món hàng mà họ không làm được. Nhưng năm nay, hầu như họ mua tất cả, từ cái mứt dừa đơn giản cho đến những món mứt cầu kỳ”. Có chị thì bộc bạch “làm lâu quá, với lại không rảnh để mà làm nên đi mua cho tiện. Hơn nữa, người ta làm quen và có nghề nên trông đẹp hơn”.

Năm nay, việc chăm lo Tết cho người nghèo huyện An Nhơn làm rất tốt. Trong dịp Tết này, từ nguồn kinh phí Trung ương, của tỉnh hỗ trợ với số tiền hơn 50 triệu đồng cộng với tiền của huyện, đã mua gạo, quà Tếtcứu trợ đỏ lửa trong dịp Tết cho hơn 2.000 hộ nghèo và chính sách trên địa bàn huyện. Ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các xã cũng đã vận động và kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong xã ủng hộ người nghèo trong dịp Tết. Chính sự quan tâm này đã góp phần đem hơi ấm mùa xuân đến cho mọi nhà.

Ở huyện Phù Cát, cách xa hai điểm bắn pháo hoa, nên UBND huyện cũng đã tổ chức các điểm giải trí, vui chơi để phục vụ nhân dân đến tận các xã, thôn xa trung tâm huyện. Trong đêm giao thừa và mồng 1 Tết, Trung tâm văn hóa – thể dục thể thao huyện sẽ tổ chức hai đêm ca nhạc, với chương trình được giàn dựng công phu. Ngoài ra còn tổ chức hai đêm thi đấu giao hữu võ thuật với các võ sĩ huyện bạn.

Huyện Tây Sơn vẫn duy trì tổ chức lễ hội Đống Đa vào mồng 5 Tết. Ngoài ra có chương trình văn nghệ chào mừng năm mới và mục múa lân trong đêm giao thừa. Tối mồng 5 – 6 có tổ chức võ đài giao hữu với các huyện lân cận như: An Khê (Gia Lai), Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước…

Ở các huyện xa trung tâm như: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, UBND các huyện cũng đã chủ trương đón Tếtvui tươi, lành mạnh, tiết kiệm với nhiều hình thức khác nhau đảm bảo được mùa xuân không đến muộn ở bất kỳ thôn bản nào.
 

. Nhóm PV thời sự

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vơi bớt những số phận bất hạnh  (21/02/2003)
Đất lành gieo nhân thiện  (21/02/2003)
Có một bài hát về Đảng đi cùng năm tháng  (21/02/2003)
Mùa xuân của một vị thánh - một tâm hồn vĩ đại  (21/02/2003)
Nàng dâu đất Tây Sơn  (21/02/2003)
Bộ đội đón Tết  (21/02/2003)
Trận đánh chiếm Đài phát thanh Bình Định năm 1968  (21/02/2003)
Khí thế Mậu Thân  (20/02/2003)
Một người Bình Định đi làm tại Afghanistan  (20/02/2003)
Ghi nhận ở Đoàn xe tăng H73 Anh hùng  (20/02/2003)
Đào Thị Xuân Hà - cô bí thư học giỏi  (20/02/2003)
Một điển hình về công tác phổ cập trung học cơ sở  (20/02/2003)
Ấm áp và tin tưởng   (28/02/2003)
Xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"  (21/02/2003)
Những người mưu sinh trong đêm  (28/02/2003)