Suốt thế kỷ XX, nhiều sự kiện trọng đại trong cuộc đời Bác Hồ và trong cách mạng do Đảng ta tổ chức, lãnh đạo diễn ra vào các năm Mùi:
* Năm Đinh Mùi - 1907, Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành vào học lớp trung đẳng (moyen) tại Trường Quốc học Huế và sôi nổi tham gia những hoạt động tiến bộ của thanh niên đương thời.
* Năm Kỷ Mùi - 1919, Nguyễn Tất Thành với tên mới là Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp. Người giải thích lý do vào Đảng: "Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại Cách mạng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác Ái".
Ngày 18 tháng 6, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, thay mặt nhân dân ta Người gửi đến Hội nghị Hoà bình Véc-xây bản yêu sách 8 điểm đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng và tự quyết của dân tộc Việt Nam.
Cũng trong năm này, Người viết nhiều bài chính luận sắc bén đăng trên báo chí vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với thuộc địa; giao lưu cùng một số chính khách Pháp; gặp gỡ, tranh luận với chí sĩ Phan Châu Trinh và luật gia Phan Văn Tường về con đường đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc... Cuối năm, Người tham gia tích cực vào Uỷ ban Quốc tế của Đảng xã hội Pháp, cùng thực hiện mục tiêu của Uỷ ban là vận động Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản III và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga.
Như vậy, năm Kỷ Mùi-1919 là cái mốc quan trọng đầu tiên phản ánh sự chuyển biến trong tư tưởng và hành động của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học; đánh dấu sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về phương pháp cách mạng.
* Năm Tân Mùi - 1931, nửa đầu năm, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Hồng Kông, liên lạc chặt chẽ với Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản III, đồng thời sát sao chỉ đạo, dẫn dắt, phê bình, góp ý về công tác lãnh đạo của Đảng ở trong nước, vạch ra những nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết của cách mạng. Ngày 6 tháng 6, lo sợ trước vai trò, uy tín và hoạt động cách mạng tích cực của Người, thực dân Pháp cấu kết với mật vụ Anh tổ chức bắt giam Người và định đưa về Việt Nam xét xử. Được tin đó, Liên đoàn Chống chủ nghĩa đế quốc, ủng hộ nền độc lập dân tộc kịp thời ra tuyên bố phản đối Chính phủ Anh và đòi trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Với nhiệt tình giúp đỡ của Chủ tịch Hội Luật gia Hồng Kông là Lô-dơ-bai, Người được trả tự do vào tháng 8 năm sau.
Cũng năm Tân Mùi - 1931, trong nước, cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, được coi là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, thu được những thắng lợi nhất định. Ngày 26 tháng 3, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Sài Gòn dưới sự chủ toạ của Tổng Bí thư Trần Phú, đánh giá thắng lợi, ghi nhận những thiếu sót, thất bại để rút kinh nghiệm, đồng thời Hội nghị cũng quyết định thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ngày 11 tháng 4, Đảng ta được Quốc tế Cộng sản công nhận là một chi bộ độc lập.
* Năm Quý Mùi - 1943, cuối tháng 9, Nguyễn Ái Quốc (mang tên Hồ Chí Minh) được trả tự do sau hơn 1 năm bị bọn Quốc dân đảng bắt giam tại Quảng Tây. Người tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, tích cực tham gia Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội - một tổ chức tập hợp những người yêu nước Việt Nam ở Trung Quốc, giữ cương vị Phó chủ tịch Hội này.
Cũng năm Quý Mùi - 1943, ngày 25 tháng 2, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua bản "Đề cương Văn hoá Việt Nam" do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, vạch ra đường lối xây dựng nền văn hoá mới của đất nước với phương châm cơ bản là dân tộc, khoa học, đại chúng. Tháng 4, thành lập Hội Văn hoá cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Hội đã thu hút được đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ tham gia hoạt động cách mạng.
* Năm ất Mùi - 1955, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 1 tháng 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đại lễ đón mừng năm mới và chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô; Người đọc một bài diễn văn ngắn, súc tích, đánh giá thắng lợi đã qua và khởi xướng nhiều chương trình quan trọng của đất nước. Ngày 22 tháng 6, người dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ ta đi thăm Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, mở đầu các mối giao lưu quốc tế hữu nghị của Việt Nam.
Cũng năm ất Mùi - 1955, ngày 3 tháng 3, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) đề ra 5 nhiệm vụ cơ bản nhằm xây dựng, củng cố miền Bắc và đấu tranh tiến tới thống nhất đất nước. Ngày 13 tháng 8, Hội nghị lần thứ 8 đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập hợp mọi lực lượng nhằm thực hiện hoà bình, thống nhất nước nhà.
* Năm Đinh Mùi - 1967, ngày 1 tháng 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Thái Bình, biểu dương những cố gắng của cán bộ, đồng bào, cổ vũ vai trò nữ giới và phong trào phụ nữ địa phương cũng như toàn quốc. Ngày 10 tháng 2, thăm Hà Tây, Người có bài nói rất quan trọng về xây dựng Đảng, về đạo đức cách mạng, về công tác cán bộ. Ngày 15 tháng 2, Người gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ Giôn-xơn, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, khẳng định ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân Việt Nam. Ngày 28 tháng 12, Người họp Bộ Chính trị, xác định chủ trương tổng tấn công và nổi dậy ở miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân, 1968.
Cũng năm Đinh Mùi - 1967, ngày 23 tháng 1, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III), bàn về hoạt động đấu tranh ngoại giao. Tháng 4, Ban Bí thư ra Nghị quyết "Tăng cường công tác khoa học và kỹ thuật trong tình hình mới".
* Năm Kỷ Mùi - 1979, sau chiến thắng quân xâm lược, nhân dân cả nước ta bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đất nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IV) tổng kết tình hình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong các năm 1976-1979 và đề ra những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, chủ trương khuyến khích sản xuất phát triển bằng những chính sách cụ thể, sát hợp hơn với thực tế: ổn định mức nghĩa vụ bán lương thực trong 5 năm, phần còn lại nông dân bán cho Nhà nước với giá thoả thuận và được lưu thông tự do; thực hiện kế hoạch hoá 3 cấp (cơ sở, địa phương, trung ương), kết hợp kế hoạch hoá với sử dụng quan hệ thị trường, xây dựng thị trường thống nhất cả nước, vừa mở rộng thị trường địa phương kết hợp thị trường có kế hoạch với thị trường ngoài kế hoạch. Những chính sách đề ra tại Hội nghị, trên thực tế, đã kích thích sản xuất phát triển, khắc phục một bước những trói buộc của cơ chế sản xuất cũ, tạo ra những động lực mới cho sản xuất "bung ra", hé mở những ý tưởng tìm tòi con đường thích hợp quá độ lên CNXH.
* Năm Tân Mùi - 1991, Đại hội lần thứ VII của Đảng thông qua Cương lĩnh "Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội", nội dung cơ bản của Chiến lược "ổn định và phát triển kinh tế-xã hội nước ta đến năm 2000", Đại hội khẳng định những quan điểm rất quan trọng: Phải giữ vững định hướng XHCN trong quá trình đổi mới; đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có kết quả bằng những quan niệm đúng đắn về CNXH, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp với đặc điểm tình hình của nước ta, đáp ứng đúng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân ta; trong quá trình đổi mới Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn phong phú và những thành tựu thu được trong những năm đổi mới sau đó đã chứng minh tính đúng đắn của Cương lĩnh và nghị quyết được thông qua tại Đại hội VII.
Năm Quý Mùi 2003 này, với sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc phấn khởi, tự tin bước vào mùa xuân mới với quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội trong mọi tình huống, tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao, tạo đà vươn lên thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu do Đại hội IX đề ra.
(Theo tạp chí Xây dựng Ðảng) |