Ghi nhanh của nhóm PV thời sự
|
Pháo hoa trong đêm giao thừa tại TP Quy Nhơn |
Không thời khắc nào trong năm khiến người ta bồi hồi, đợi chờ và cảm nhận được sự luân chuyển của thời gian, đất trời, nhịp sinh sôi của vạn vật như giây phút giao thừa. Hòa trong dòng người nao nức đi đón xuân, nhóm phóng viên Báo Bình Định đã có mặt tại nhiều địa phương trong tỉnh, kịp thời ghi nhận những khoảng khắc tuyệt diệu khi con người - trời và đất hòa trong một niềm giao cảm thiêng liêng.
Từ nhiều ngày qua, người Hoài Nhơn đã nao nức đợi để xem pháo hoa giao thừa. Cả thị trấn Bồng Sơn như được khoác áo mới. Những dòng người hối hả tuôn về thị trấn, đèn sáng trưng trên cầu Bồng Sơn, nam thanh nữ tú rủ nhau lên cầu ngắm pháo hoa. Dòng sông Lại như rộng hơn, mênh mông hơn lung linh ánh đèn màu. Năm nay dù ngư nghiệp – một mũi nhọn kinh tế của huyện không tăng trưởng như mong đợi nhưng nhiều người vẫn cho biết – Năm nay chuẩn bị Tết nhất khá hơn mọi năm! Ngay từ đầu buổi chiều cuối năm, trò chơi “cổ nhơn” - một trò chơi dân gian (giống như xổ số kiến thiết hiện đại) bị lãng quên từ lâu đã làm xôn xao cả thị trấn. Ông Huỳnh Tấn, một người dân trú tại thị trấn Bồng Sơn, cho biết: “Khổ thơ ẩn dụ một con vật nào đó, người chơi suy luận ra để giải. Trò chơi dân gian nên luật chơi rất đơn giản”. Rất đơn giản nhưng cổ nhơn đã thu hút được nhiều người tham gia một cách hào hứng. Từ đầu đêm giao thừa, Trung tâm VHTT huyện đã cho trình chiếu bộ phim tài liệu “Miền đất bên dòng sông Lại”, bộ phim đã thu hút hàng ngàn người đến xem phim “quê mình”. Ngay sau đó là chương trình văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân… Ông Dương Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Năm nay lần đầu tiên huyện tổ chức bắn pháo hoa nên người dân đi đón giao thừa rất đông. Dù vậy, công tác an ninh trật tự vẫn được đảm bảo để nhân dân vui vẻ đón Tết”. Trong dòng người đông đúc đang xem bắn pháo hoa, chúng tôi gặp chị Trần Thị Hường, 24 tuổi, quê ở xã Hoài Xuân. Hỏi, chị Hường hồ hởi trả lời: “Từ nhỏ đến giờ em chưa được xem bắn pháo hoa như thế nào nên dù nhà xa, cũng cố năn nỉ ba má cho đi coi. Pháo hoa đẹp quá anh ạ!”.
Trong khi đó, ở huyện trung du Hoài Ân, đêm giao thừa trời bỗng trở lạnh, nhưng không vì thế mà người dân không ùa ra đường để tập trung về trung tâm huyện lỵ để xem các chương trình văn hóa văn nghệ do Trung tâm VHTT huyện tổ chức và cùng đón giao thừa. Cũng với không khí náo nức như vậy, tại khu vực trung tâm thị trấn Tuy Phước tràn ngập âm thanh, sắc màu rộn rã. Tại Nhà văn hóa Xuân Diệu, bắt từ 19 giờ một chương trình ca múa nhạc đã khởi động. Đời sống đã khá lên rất nhiều nên mọi người bắt đầu nghĩ đến việc “vui Tết” hơn là “ăn Tết”. Anh Hồng Sơn, trú tại thị trấn Tuy Phước, cho biết: “Tuy Phước thường tổ chức giao thừa khá đơn giản vì sáng mùng một Tết huyện sẽ mở hội chợ Gò. Sau đó là cuộc đua thuyền trên sông Gò Bồi, thi đấu thể thao ở Phước Sơn … Dân Tuy Phước bây giờ có nhịp sinh họat gần trùng với Quy Nhơn. Đêm giao thừa bà con thường xuất hành về thành phố, năm nay có lẽ sẽ tập trung hết dưới đó để xem pháo hoa.” Hào hứng nhất trong đêm giao thừa có lẽ là những em thiếu nhi vì ngay tại Nhà văn hóa Xuân Diệu có tới 16 gian hàng trò chơi được mở ra để phục vụ thiếu nhi.
Không gian giao thừa trên đất kinh xưa - An Nhơn, vừa mang hơi hướm truyền thống dân dã vừa lại có nét duyên dáng hiện đại. Hơi gió ở đây dường như cũng se sắt hơn mọi nơi. Năm qua thị trấn đã vươn mình lớn dậy với quy hoạch đô thị mới. Ngày cuối năm thị trấn Bình Định bỗng bừng lên cái sắc màu hư ảo đầy quyến rũ. Mặc dù năm nay An Nhơn thất mùa hoa mai, hoa cúc nhưng chợ hoa dọc quốc lộ 1A như mọi năm vẫn tấp nập người mua kẻ bán có điều đó chỉ là hoa cành để cắm bình. Hơn 21 giờ chợ vẫn còn khá đông người. Tại Nhà văn hóa huyện, chương trình ca nhạc mừng Đảng mừng xuân do Trung tâm VHTT huyện tổ chức kéo dài đến 23 giờ với sự tham gia của hàng ngàn người. Trước giao thừa, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn chuyển tới bà con nhân dân trong huyện những lời chúc mừng đầu năm. Nhờ tốc độ tăng trưởng của công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đời sống của người dân ở An Nhơn khởi sắc lên thấy rõ. Có thể nói thị trấn Bình Định không còn mặc “chiếc áo” cấp huyện nữa mà ni tấc của “chiếc áo” cấp thị xã đã bắt đầu thành hình. Cùng với những hoạt động mừng Đảng mừng xuân tại trung tâm huyện, tại các xã còn lại cũng sôi nổi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao như ca nhạc, võ thuật, múa lân, các trò chơi dân gian...
Còn tại TP. Quy Nhơn, trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của tỉnh Bình Định, có thể nói, chưa bao giờ Quy Nhơn lại được chỉnh trang kỹ lưỡng như năm 2002 vừa qua. Thành phố đã gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Con ngựa Nhâm Ngọ của Quy Nhơn quả thật đã có nhiều nước phi đẹp: hàng loạt dự án đầu tư du lịch đã được khởi động, cảng Quy Nhơn được đầu tư nâng cấp để đủ khả năng đón tàu 30.000 tấn, dự án cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội cũng đã được khởi công xây dựng... Đường phố trong đêm giao thừa như hẹp hẳn lại, những dòng người tuôn xuống phố tưởng chừng bất tận, nhất là tại đại lộ Nguyễn Tất Thành, nơi đặt điểm bắn pháo hoa. Theo ước tính của chúng tôi, gần trăm ngàn người đã ùa ra đại lộ Nguyễn Tất Thành và các con đường xung quanh để xem những chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Quy Nhơn đêm giao thừa.
Nói đến giao thừa là nói đến chồi non lộc biếc, màu xanh cỏ hoa cây trái. Ở Quy Nhơn mấy năm qua hàng vạn mầm xanh đã được ươm trồng và mùa xuân này hàng vạn chồi xanh đã được thắp lên. Từ trên đỉnh đồi Ghềnh Ráng nhìn về phía thành phố, Quy Nhơn như một con rồng vàng trong tư thế uốn mình bay lên. Bản tổng phổ giao thừa của Quy Nhơn lộng lẫy trong sắc màu phố thị.
Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay có khá nhiều khách nước ngoài đón giao thừa tại Quy Nhơn. Khách sạn Hải Âu là điểm có số lượng khách nước ngoài đăng ký đông nhất. Tại đại sảnh khách sạn có chưng bày một mâm ngũ quả lớn và các loại bánh mứt truyền thống Việt Nam trong ngày Tết. Trong bữa ăn, nhà hàng mời khách du lịch nước ngoài dùng bánh chưng, củ kiệu, dưa hành. Bà Colette (du khách người Pháp) vui vẻ nhận xét : “Tôi rất thích các món ăn truyền thống của Việt Nam trong ngày Tết. Chúng có nhiều hương vị lạ, hình thức rất hấp dẫn. Món bánh chưng rất đẹp, tôi đã được người phục vụ kể về sự tích loại bánh này. Đây quả là một loại bánh rất thú vị. À, người Việt Nam rất hay cười, chuẩn bị đón Tết các bạn càng niềm nở và thân thiện hơn. Không khí Tết ấm cúng lắm.”.
Không khí tại cảng Quy Nhơn trong đêm giao thừa cũng rất đặc biệt. Trong phòng khách của tàu NOVA MIRACLE, khi được chúc Tết theo phong tục Việt Nam, những thủy thủ Nga lần đầu tiên đến Quy Nhơn đã tỏ ra rất xúc động và rất vui (tàu NOVA MIRACLE cũng là chiếc tàu lớn nhất - 21.000 tấn - từ trước đến nay cập cảng Quy Nhơn). Rượu Vodka, trứng cá hồi được bày ra và mọi người cùng nhau nâng ly chúc mừng năm mới. Ở tàu DORADO bên cạnh, ông thuyền trưởng người Indonesia tỏ ra bất ngờ khi được lãnh đạo cảng Quy Nhơn tới chúc Tết. Ông cho rằng, tàu của ông là tàu nhỏ (1.000 tấn) vậy mà các bạn Việt Nam vẫn rất chu đáo, đến Việt Nam ông cảm thấy như về nhà và đây là lần đầu tiên ông và các đồng nghiệp được ăn Tết tại Việt Nam, nên ông và các đồng nghiệp rất vui và rất háo hức.
Không giờ. Mùa xuân như hiện diện trong từng làn gió mát. Mùa xuân đã về thật sự rồi đây. Từng hồi từng hồi còi tàu từ phía cảng Quy Nhơn giục giã. Tiếng còi trầm trầm đầy khí thế rền vang khắp mặt vịnh. Những chùm pháo hoa rực rỡ bừng nở trên bầu trời. Mùa xuân đang về trên từng chồi non lộc biếc, như hữu hình trong từng giọt sương, từng gương mặt hân hoan. Thành phố như đoàn tàu chuyển bánh lao về phía trước.
Vâng, Xuân đã về rồi. Nhâm Ngọ đã qua và Quý Mùi đã tới.