Mùa xuân nhớ Quang Trung, người xây nền văn hóa cho tương lai

Tượng Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung, Tây Sơn

Ngày mồng 5 Tết Quý Mùi, là ngày kỷ niệm 214 năm chiến thắng Đống Đa. Mùa xuân này người Hà Nội và khách bốn phương về dự hội Gò Đống Đa hân hoan chờ đón cảnh tái hiện hình ảnh Quang Trung áo bào sạm khói thuốc súng ngồi trên bành voi nhận cờ hoa đón mừng của người dân Thăng Long. Ai cũng nhớ đến võ công của “đệ nhất danh tướng” nước Nam - gò Đống Đa cao như thế muốn quên cũng đâu có dễ! Nhưng còn một Quang Trung - nhà cách mạng về văn hóa thì không phải ai cũng biết để nhớ. Rất gần gò Đống Đa là Văn miếu- Quốc tử giám- biểu tượng lòng hiếu học của dân tộc và chính sách trọng người hiền tài. Và Văn miếu cũng là nơi in đậm dấu ấn của Quang Trung - vị tướng áo vải xuất thân từ đất võ Tây Sơn, vốn bị sĩ phu Bắc hà coi là thất phu, quê kệch. Ngày đầu tiên vào Thăng Long, việc đầu tiên mà Quang Trung làm là xuống chiếu tạ lỗi với các vi bô lão và nhân dân kinh thành vì vó ngựa quân Tây Sơn trong lúc mải truy đuổi kẻ thù đã làm đổ mất một số tấm bia trong Văn miếu. Ông hứa: “Mai sau dựng lại nước nhà- Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian”. Không chỉ đến lần thứ ba ra Bắc đó Quang Trung mới ý thức sâu sắc về việc phải giữ gìn văn hóa, thu phục nhân tâm - đặc biệt là người hiền tài. Ngay từ lần đầu tiên mang quân ra Bắc phù Lê diệt Trịnh, ông đã đặt mục tiêu hàng đầu không phải là chinh phạt, đánh thành, chiếm đất, xưng vương mà là thu phục nhân tâm. Kẻ sĩ Bắc Hà cao ngạo và cố chấp là thế mà tất cả những nhân sĩ nỗi tiếng nhất đều đã lần lượt vượt qua được cái mặc cảm “bầy tôi nhà Lê” để về với chính nghĩa của đội quân áo vải: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Đặng Tiến Đông… Để có được Nguyễn Thiếp – đệ nhất danh sĩ Bắc Hà, ông đã năm lần bảy lượt cất công đến tận núi Thiên Nhẫn – Nghệ An, nơi Nguyễn Thiếp lui về ở ẩn. Cảm tấm lòng của Nguyễn Huệ mà con người kiêu kỳ và bất mãn ấy đã về theo Tây Sơn, làm viện trưởng Viện Sùng Chính. Là người mang tư tưởng cấp tiến, Quang Trung là vị vua đầu tiên trong lịch sử VN ban hành chính sách mở trường học xuống tận từng làng xã. Nền “học xã” thời Quang Trung đã bắt buộc mỗi làng xã phải mở một trường học và phải chọn người có thực học trong làng ra làm thầy dạy chữ cho người dân. Quang Trung cũng chủ trương từ bỏ lối học từ chương, bắt các ông thầy phải dạy học sinh theo phương thức mới: “học rộng – ước thúc cho gọn – theo điều được học mà làm”, nghĩa là không được học vẹt, tầm chương trích cú cốt để đi thi mà học phải gắn với thực hành. Cũng trên quan điểm đó Quang Trung đã ra lệnh đuổi tất cả “sinh đồ 3 quan” về làm dân thường (thời Lê – Trịnh, để tăng ngân sách nhà nước, các vua chúa cho phép các nho sinh nộp tiền để được miễn phu phen tạp dịch, được dự việc làng, được gọi là sinh đồ – dân gian gọi bọn này là “sinh đồ 3 quan”). Nếu như Hồ Quý Ly là vị vua đầu tiên dùng chữ Nôm trong các thư tịch cá nhân thì vua Quang Trung là vị vua quyết liệt đưa chữ Nôm vào tất cả văn bản chính thống của nhà nước. Một dân tộc tự cường trước hết phải tự cường về văn hóa. Quang Trung muốn mỗi người dân Việt phải được đọc, viết bằng thứ chữ của người Việt. Ông lập Viện Sùng Chính để dịch tất cả văn bản, thư tịch từ chữ Hán ra chữ Nôm để ai ai cũng đều đọc được.

Lê Ngọc Hân, nàng công chúa lá ngọc cành vàng tài sắc vẹn toàn, người con gái Thăng Long về làm vợ Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trong sự sắp đặt của một cuộc hôn nhân chính trị, cuối cùng đã tìm thấy tình yêu và lòng ngưỡng mộ với vị tướng – nhà văn hóa của tương lai ấy. Bà khóc chồng: “Mà nay áo vải cờ đào – Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”. Dựng nước chứ không chỉ là giữ nước. Lê Ngọc Hân, từ thế kỷ 18, đã nhìn thấy Quang Trung ở chiều kích lớn hơn. Và có rất nhiều những tư tưởng của Quang Trung, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

. (Tuổi trẻ TPHCM)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cái giếng cũ, chuyện bây giờ mới kể  (21/02/2003)
Lắng nghe mùa xuân về  (21/02/2003)
Năm Mùi với những sự kiện trọng đại trong cuộc đời Bác Hồ và Đảng ta  (21/02/2003)
Khắp nơi tưng bừng đón Tết  (21/02/2003)
Vơi bớt những số phận bất hạnh  (21/02/2003)
Đất lành gieo nhân thiện  (21/02/2003)
Có một bài hát về Đảng đi cùng năm tháng  (21/02/2003)
Mùa xuân của một vị thánh - một tâm hồn vĩ đại  (21/02/2003)
Nàng dâu đất Tây Sơn  (21/02/2003)
Bộ đội đón Tết  (21/02/2003)
Trận đánh chiếm Đài phát thanh Bình Định năm 1968  (21/02/2003)
Khí thế Mậu Thân  (20/02/2003)
Một người Bình Định đi làm tại Afghanistan  (20/02/2003)
Ghi nhận ở Đoàn xe tăng H73 Anh hùng  (20/02/2003)
Đào Thị Xuân Hà - cô bí thư học giỏi  (20/02/2003)