Những ngôi nhà cho người nghèo

Ngày nay, khi đời sống con người ngày càng được nâng lên, người ta thường nghĩ đến chuyện làm việc thiện. Khi sống trong một ngôi nhà ấm êm, đàng hoàng, tiện nghi, nhiều người đã nghĩ đến những người nghèo, còn ở nhà tranh vách đất, dột trên, trống dưới. Và thế là, những ngôi nhà cho người nghèo ra đời, bằng tấm lòng từ thiện của nhiều người.

Những chuyện ghi được dưới đây từ những ngôi nhà cho người nghèo ở huyện Hoài Nhơn, nhưng có lẽ cũng đã phản ảnh phần nào một phong trào đã và đang diễn ra rôïng khắp ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định, mang lại hạnh phúc đơn sơ cho người nghèo. 

Thật khó mà diễn tả niềm xúc động của 2 ông bà già đã ở tuổi “cổ lai hy” Phạm Cảng và Trương Thị Năm, ở thôn Trung Hóa, xã Tam Quan Nam, khi những người hàng xóm, bà con anh em, mang những dụng cụ cần thiết đến để phá dỡ ngôi nhà tranh rách nát của ông bà, và bắt đầu đào móng để xây ngôi nhà mới. Một số người đại diện của xã trao vào tay ông bà 3 triệu đồng, nói là tiền của Nhà nước cho ông bà để xây ngôi nhà đàng hoàng hơn. Bà Năm đã 70 tuổi, 2 mắt bị mù từ mấy năm nay, còn ông Cảng, 75 tuổi, bị tai biến mạch máu não, cho đến bây giờ, vẫn còn tưởng mình như đang nằm mơ khi “bỗng dưng” mình lại có trong tay một “tài sản lớn” cả đời tính mãi không ra, đó là một ngôi nhà cấp 4 rộng hơn 35 m2, vách xây xi măng, mái lợp tôn, được chia thành 2 phòng khá đàng hoàng. Ngồi trò chuyện với tôi trong căn nhà đầy tình nghĩa ấy, ông bà già vẫn cứ rưng rưng chực khóc. Bà Năm thì nói: “Khi tôi còn sáng mắt thì ngôi nhà này là nhà tranh dột nát. Còn bây giờ, có căn nhà đàng hoàng thì mắt mù, đâu có được thấy!”. Còn ông Phạm Cảng bộc bạch: “May cũng nhờ có Quỹ hỗ trợ người nghèo xây nhà, tôi mới có được ngôi nhà này. Thiệt ơn hết sức, chứ nhà cũ, không biết sập lúc nào”.

Khác với hoàn cảnh già cả, neo đơn của ông bà Phạm Cảng, Trương Thị Năm, nhưng cùng giống nhau ở cái nghèo, chị Nguyễn Thị Đâu, 47 tuổi, có chồng đau bệnh kinh niên rồi chết, bỏ lại cho chị 4 đứa con gái (1 đứa bị tật). Không có một thứ gì gọi là tài sản đáng giá, thậm chí đến căn nhà cũng không thể gọi là nhà được. Theo mô tả của ông Nguyễn Quốc Điệp, Chủ tịch Mặt trận xã Tam Quan Nam thì nó chỉ là một chỗ “chui ra, chui vào” của 5 mẹ con chị, phía trên lợp giấy dầu, nằm trên chiếc giường tre mục nát, đám con của chị thấy cả ánh mặt trời, bốn bên che đơn sơ bằng giấy cạc-tông. Bây giờ thì thay vào đó là một ngôi nhà xây rộng gần 50 m2, có cửa kính, nền láng xi măng, trông khá khang trang, khiến cho chính tôi cũng bị bất ngờ. Với số tiền hỗ trợ 3 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” của xã, cộng với sự giúp đỡ thêm của gia đình, bà con, chị mượn thêm một ít, và cùng với sự góp công góp sức của bà con chòm xóm, chị mới có được ngôi nhà ấy. Rất tiếc là tôi không được gặp chị, vì theo lời ông Trương Sửu, cha chồng của chị, chị phải làm việc quần quật suốt ngày, lúc ngoài đồng, khi làm thuê làm mướn, không mấy khi có mặt ở nhà vào ban ngày. “Nó làm lụng vất vả lắm thì mới có để nuôi 4 đứa con” - ông Sửu nói như vậy. Riêng về ngôi nhà của chị thì ông nói: “Cũng nhờ các cấp, nhờ bà con, chứ mẹ con nó lấy gì mà làm”.

Người ta nói: An cư thì lạc nghiệp! Ai thì không biết, chứ qua trò chuyện thì tôi được biết, tuy nghiệp chưa lạc, nhưng sau khi an cư, chị Đâu cũng đã khá dần lên. Chị đã cho con gái lớn đi học nghề trên thị trấn, mấy đứa còn lại, sau khi đi học về, đều biết giúp mẹ, lao động kiếm tiền. Âu cũng mừng cho chị!

Tuy hãy còn đơn sơ lắm, nhưng những ngôi nhà mà tôi vừa kể đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người nghèo, thể hiện sự chia sẻ đầy tình người của xã hội đối với người nghèo. Chỉ riêng ở xã Tam Quan Nam, trong năm 2002, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho 3 hộ nghèo xây dựng lại nhà ở. Xã cũng đã vận động nhân dân đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo của xã, được 6 triệu đồng, thì cũng đã hỗ trợ cho 2 hộ nghèo xây dựng lại nhà ở. Đặc biệt, Hội đồng hương Tam Quan Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cũng gửi về quê 17 triệu rưỡi đồng để hỗ trợ cho 5 hộ nghèo xây dựng lại nhà ở. Nhưng không chỉ có việc hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 3 triệu đồng, để giúp những người nghèo xây dựng được những ngôi nhà đầy tình nghĩa ấy, còn có cả nghĩa tình của làng xóm, người thì giúp công, người thì giúp cát sạn, cây gỗ v.v...

Và không chỉ riêng ở xã Tam Quan Nam, cái tình làng nghĩa xóm ấy còn được thể hiện ở nhiều nơi của huyện Hoài Nhơn, cũng như phong trào giúp đỡ người nghèo xây dựng lại nhà ở trong toàn huyện. Trong năm qua, Quỹ Vì người nghèo của huyện đã huy động được hơn trăm triệu đồng, cùng với nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo của cấp trên hỗ trợ hơn 150 triệu đồng nữa, cả huyện đã có 72 hộ nghèo xây dựng được nhà ở. Và như vậy, tính đến hết năm 2002, cả huyện Hoài Nhơn đã có tổng số 145 hộ nghèo có niềm vui được sống trong căn nhà mới. Trong những ngày đầu năm 2003 vừa qua, bằng các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã và sự giúp đỡ của bà con, đã có thêm 31 hộ nghèo ở huyện Hoài Nhơn tiến hành xây dựng lại nhà ở để kịp có nhà mới đón Tết cổ truyền của dân tộc. 

Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ người nghèo xây dựng lại nhà ở, một phong trào đầy tình nghĩa như vậy đã và đang được thực hiện với sự quan tâm sâu sắc của xã hội, rất đáng được khuyến khích. Và với sự quan tâm ấy, rồi đây sẽ còn có nhiều hộ nghèo khác ở nhiều địa phương trong tỉnh có được ngôi nhà mới đàng hoàng hơn, tiến dần đến một ngày nào đó không còn ai phải sống trong những ngôi nhà tồi tàn rách nát, dột trên, trống dưới nữa!

. Khánh Hoàng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân nhớ Quang Trung, người xây nền văn hóa cho tương lai  (21/02/2003)
Cái giếng cũ, chuyện bây giờ mới kể  (21/02/2003)
Lắng nghe mùa xuân về  (21/02/2003)
Năm Mùi với những sự kiện trọng đại trong cuộc đời Bác Hồ và Đảng ta  (21/02/2003)
Khắp nơi tưng bừng đón Tết  (21/02/2003)
Vơi bớt những số phận bất hạnh  (21/02/2003)
Đất lành gieo nhân thiện  (21/02/2003)
Có một bài hát về Đảng đi cùng năm tháng  (21/02/2003)
Mùa xuân của một vị thánh - một tâm hồn vĩ đại  (21/02/2003)
Nàng dâu đất Tây Sơn  (21/02/2003)
Bộ đội đón Tết  (21/02/2003)
Trận đánh chiếm Đài phát thanh Bình Định năm 1968  (21/02/2003)
Khí thế Mậu Thân  (20/02/2003)
Một người Bình Định đi làm tại Afghanistan  (20/02/2003)
Ghi nhận ở Đoàn xe tăng H73 Anh hùng  (20/02/2003)