Nhà đất ở Quy Nhơn - khủng hoảng thừa ?

Những khu đất bỏ trống còn nhiều.

Trong khi nhiều cơ quan, đơn vị đang chịu cảnh chật chội kéo dài, nhiều người dân không một tấc đất “cắm dùi”, thì cũng ở đây nhiều nơi thừa nhà, thừa đất cho thuê làm dịch vụ kiếm lợi hoặc sử dụng sai mục đích; nhiều người đang làm chủ hàng ngàn mét vuông đất nhưng không sử dụng nhiều năm nay, để hoang hóa, gây ô nhiễm môi trường.

Thừa nhà, thừa đất ?

Theo thống kê của Sở Địa chính Bình Định, tính từ đầu năm 2002 đến nay, Sở đã ký hợp đồng với 340 doanh nghiệp thuê đất với tổng diện tích là 10.853.764m2, giúp cho các doanh nghiệp này phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế của Bình Định tăng trưởng. Điều đáng nói là không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng đất được giao đúng mục đích, mà ngược lại đã có những hành vi sai phạm, nhất là cho thuê trái quy định. Ví như Công ty Lương thực Bình Định đã cho thuê kho số 5 Trần Cao Vân, kho 556 Trần Hưng Đạo, kho 394 Nguyễn Thái Học, nhà 559 Trần Hưng Đạo và Nhà máy 15 tấn/ca tại 35 Hàm Nghi (Quy Nhơn); Xí nghiệp Thực phẩm Quy Nhơn cho thuê đất xây dựng các kiốt trên phần đất được cấp của mình dọc đường Tây Sơn để thu lợi. Công ty Dâu tằm tơ II cũng đã cho thuê các nhà 715 Trần Hưng Đạo và 43 Lê Thánh Tôn… Nhiều doanh nghiệp khác kể cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp cũng có những sai phạm tương tự.

Một số nguyên nhân có thể nhìn thấy là trước đây trong thời bao cấp, một số đơn vị kinh tế được cấp khối lượng tài sản nhà đất khá lớn để kinh doanh. Từ khi chuyển qua cơ chế thị trường, làm ăn thua lỗ, buộc phải co cụm bộ máy, thừa nhà, thừa đất nên chuyển nhượng để kiếm sống. Một số được ưu tiên cấp đất, cấp nhà rộng, “trích” ra một ít cho thuê để cải thiện đời sống cho cán bộ, CNVC của đơn vị. Vài năm gần đây Bình Định đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp tham gia hợp tác đầu tư tại tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính nên việc xin thành lập doanh nghiệp mới được dễ dàng hơn nhiều. Lợi dụng điều đó, không ít trường hợp chủ doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật chuyên môn nhưng vẫn xin thành lập doanh nghiệp và đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh để thuê được nhiều đất. Thuê đất xong, kinh doanh không có hiệu quả nên “nhượng” lại cho các đơn vị khác để kiếm chênh lệch giá.

Bên cạnh đó, đất thừa trong các khu vực dân cư cũng rất nhiều. Chỉ tính riêng các khu quy hoạch dân cư trong thành phố có thể thấy còn rất rất nhiều lô đất bỏ trống từ nhiều năm nay. Khu dân cư Trại gà giao đất từ năm 1993 đến nay nghĩa là đã 10 năm trôi qua nhưng vẫn còn trên 100 lô đất chưa xây dựng nhà ở. Các khu D3, 224 thuộc phường Nguyễn Văn Cừ, khu dân cư đầm Đống Đa, mỗi nơi vẫn còn hàng trăm lô chưa xây dựng. Khu đông sân bay vẫn còn hơn 50 lô chưa xây dựng. Ước tính nội thành Quy Nhơn có gần 500 lô đất đã giao từ các năm 1993 – 1999 nhưng chưa xây dựng. Chủ nhân của những lô đất bỏ trống này, một số là do chưa có điều kiện, chờ có thời gian tích lũy tiền bạc để xây dựng, nhưng cũng có không ít người đã có nhà cao cửa rộng, không có nhu cầu xây dựng nhà ở, mua đất cốt để đầu cơ, chờ đất lên giá bán kiếm lời. Nhiều người có đến 5-7 lô, đến nay tính ra lời đến bạc tỉ nhưng vẫn chưa muốn “bán”.

Những hệ quả đáng quan ngại

Thiếu nhà, thiếu đất dĩ nhiên là không tốt rồi, nhưng thừa nhà, đất kiểu này cũng chẳng mấy hay ho. Tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp thừa nhà, thừa đất cho thuê kiếm lợi vừa không đúng pháp luật vừa gây bất công trong xã hội. Vì sao trong khi nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang phải chịu cảnh chật chội không bảo đảm điều kiện hoạt động, sản xuất kinh doanh, thì lại có những đơn vị thừa nhà, thừa đất cho thuê để kiếm lợi cho riêng mình? Tình trạng cho thuê đất, nhà ở các đơn vị này còn góp phần tạo ra cảnh quan không mấy đẹp cho thành phố. Nhiều cơ quan bề thế, nhiều đường phố đẹp đẽ tự nhiên mọc lên những kiốt buôn bán, dịch vụ ì xèo trông như những vết bẩn trên một bức tranh đẹp. Không ai dại gì bỏ tiền đầu tư cho những cơ sở thuê mướn tạm bợ như vậy nên cảnh nhếch nhác là tất nhiên. Đó là chưa kể những trường hợp rắc rối, phức tạp không ai lường hết khi cho thuê đất làm dịch vụ. Thực tế đã có trường hợp khi Nhà nước muốn thu hồi đất đã gặp không ít khó khăn vì thái độ phản ứng, ù lỳ của những người thuê; đôi khi buộc phải chi ngân sách nhà nước để “bồi thường” mới giải tỏa được.

Tình trạng hàng trăm lô đất để trống trong nhiều năm nay cũng đã đặt ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Phần lớn số đất bỏ trống nay đã trở thành nơi đổ vật liệu, rác thải, xác súc vật chết, gây ô nhiễm môi trường, khiến bà con ở bên cạnh rất bức xúc. Chủ đất ở đâu đâu làm sao ngăn cấm được, chỉ khổ cho bà con ở chung quanh phải gánh chịu hết năm này qua năm khác. Các Đội Qui tắc của thành phố và một số phường, khu vực cũng đã quan tâm tổ chức lực lượng kiểm tra xử phạt nhưng không xuể; ai có thể canh giữ được mãi quanh năm suốt tháng.

Xử lý thế nào ?

Theo quy định của pháp luật thì mọi trường hợp đất sử dụng không đúng mục đích được giao, được thuê; các tổ chức không trực tiếp sử dụng mà cho thuê lại trái qui định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai và tùy từng trường hợp cụ thể mà cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích đã giao, đã cho thuê. Ngày 2-12-2002, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản yêu cầu các đơn vị Xí nghiệp Thực phẩm Quy Nhơn, Công ty Lương thực Bình Định và Công ty Dâu tằm tơ II phải chấm dứt ngay việc cho thuê nhà, đất trái qui định, giải tỏa các kiốt xây dựng trái phép nhưng cho đến nay vẫn còn có đơn vị đánh bài lờ chưa thực hiện. Và đó cũng mới dừng lại một vài đơn vị “điển hình”, còn nhiều đơn vị sai phạm khác vẫn chưa ai đụng đến .

Về đất dân cư bỏ không, ngày 10-12-2002, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 29/2002/ CT-UB giao cho các ngành, các địa phương tiến hành kiểm tra đất ở các hộ gia đình, cá nhân ở TP Quy Nhơn, các thị trấn trong tỉnh đã được Nhà nước giao hoặc nhận chuyển nhượng đất có nguồn gốc do Nhà nước giao; lập thủ tục thu hồi đất ở đối với các đối tượng đã được giao đất quá 12 tháng nhưng đến nay chưa tiến hành xây dựng nhà ở do không có nhu cầu. Làm việc với chúng tôi, ông Hồ Quang Mươi, giám đốc Sở Địa chính cho biết: “Thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh, Sở đang tiến hành thống kê và phân loại cụ thể các trường hợp để trình UBND tỉnh xử lý theo quan điểm: đối với những người có đất từ quyết định giao đất của Nhà nước, họ ghìm đất nhằm đầu cơ thu lợi bất chính thì cương quyết thu hồi, nhưng đồng thời cũng phải chiếu cố những người chưa có nhà ở và thật sự có nhu cầu nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn chưa đủ tiền để xây dựng nhà ở”.

Vấn đề xem ra hợp lý, hợp tình và đầy quyết tâm nhưng liệu thực tế có diễn ra đúng với tinh thần đó không là điều mà dư luận đang nóng lòng chờ đợi.

. Ngọc Minh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khuyến học ở dòng họ Trần thôn Cảnh Vân - Tuy Phước  (21/02/2003)
Tưng bừng ngày hội tòng quân   (21/02/2003)
Gặp các nữ bí thư chi bộ ở xã Mỹ Quang  (21/02/2003)
Kim Đồng - Tên anh muôn thuở không mờ  (21/02/2003)
Những ngôi nhà cho người nghèo  (21/02/2003)
Mùa xuân nhớ Quang Trung, người xây nền văn hóa cho tương lai  (21/02/2003)
Cái giếng cũ, chuyện bây giờ mới kể  (21/02/2003)
Lắng nghe mùa xuân về  (21/02/2003)
Năm Mùi với những sự kiện trọng đại trong cuộc đời Bác Hồ và Đảng ta  (21/02/2003)
Khắp nơi tưng bừng đón Tết  (21/02/2003)
Vơi bớt những số phận bất hạnh  (21/02/2003)
Đất lành gieo nhân thiện  (21/02/2003)
Có một bài hát về Đảng đi cùng năm tháng  (21/02/2003)
Mùa xuân của một vị thánh - một tâm hồn vĩ đại  (21/02/2003)
Nàng dâu đất Tây Sơn  (21/02/2003)