|
Niềm vui trẻ thơ |
Hưởng ứng lời kêu gọi của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, về chương trình phẫu thuật trả lại nụ cười cho trẻ thơ, trong những năm qua, được Đại sứ quán Đan Mạch và các tổ chức kinh tế, xã hội trong nước và nước ngoài tài trợ, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam và UBBV&CSTE (nay là UBDS-GĐ&TE) các tỉnh, thành trong cả nước đã phối hợp với ngành y tế tổ chức phẫu thuật trả lại nụ cười cho hơn 20 ngàn trẻ em có khe hở môi và vòm miệng. Đây là một trong những chương trình đem lại hiệu quả thiết thực nhất đối với trẻ em khuyết tật ở nước ta.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với những trẻ em sau phẫu thuật khe hở vòm miệng là: Do việc phẫu thuật muộn (ở lứa tuổi 6-15) nên những trẻ em này có thói quen phát âm sai, mặc cảm về giọng nói của mình, các em trở nên tự ty, sống xa lánh bạn bè, người thân, khó hòa nhập trong đời sống cộng đồng. Nhiều em đã bỏ học hoặc học kém và chấp nhận làm những công việc tránh sự giao tiếp xã hội.
Để giúp các em khắc phục các mặt hạn chế nói trên, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai thực hiện Dự án ngôn ngữ trị liệu cho các em. Dự án do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ với số tiền 3,9 tỉ đồng. Bình Định là một trong 26 tỉnh được chọn để triển khai dự án nói trên, thời gian tổ chức thực hiện từ tháng 12-2002 đến tháng 12-2004. Mục tiêu của dự án nhằm huấn luyện kỹ năng giao tiếp cho mạng lưới cộng tác viên ngôn ngữ trị liệu tại cộng đồng, cha mẹ và người thân trong gia đình trẻ để giúp phục hồi chức năng phát âm cho 150 trẻ em sau phẫu thuật khe hở vòm miệng, giúp các em tự tin và có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, được đến trường học tập, được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em, sớm trở thành những công dân có ích cho xã hội mai sau. Ngoài ra, việc triển khai dự án còn nhằm bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em khuyết tật, làm thay đổi nhận thức của gia đình và cộng đồng về nhu cầu hội nhập xã hội của trẻ em khuyết tật, kêu gọi toàn xã hội tham gia chăm sóc trẻ em khuyết tật.
Để triển khai thực hiện dự án có kết quả, ngoài việc triển khai cho các cộng tác viên của 5 huyện An Nhơn, Phù Cát, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các lớp học đặc biệt, các Trung tâm phục hồi chức năng, chăm sóc và cứu trợ trẻ em khuyết tật, để vận động các nguồn lực xã hội có lòng hảo tâm đến với các em, giúp các em tham gia dự án.
Chăm sóc trẻ em khuyết tật là một trong những mục tiêu ưu tiên của chương trình hành động vì trẻ em 2001-2010. Hy vọng, việc triển khai thực hiện dự án ngôn ngữ trị liệu cho trẻ em khe hở vòm miệng của Bình Định, sẽ giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt qua những bất hạnh của bản thân để hòa nhập với cộng đồng.
Hoài Vũ |