Thôn M.6 hôm nay

Ghi chép của Ngọc Thái - Bảo Toàn

Một góc thôn M.6 hôm nay

Vượt hơn 10 km từ trung tâm xã Bình Tân về hướng hồ thủy lợi Thuận Ninh, chúng tôi đến thôn M6 thuộc xã Bình Tân (Tây Sơn). Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một khung cảnh hữu tình với một bên là hồ nước mênh mông, một bên là rừng keo lá tràm, rẫy mì, rẫy bắp và những vườn đào xanh ngắt, những ngôi nhà mái ngói tường xây khang trang, những cần ăng ten ti vi và những vườn cây ăn trái trĩu quả…

M6 là một thôn mới được hình thành khi sáp nhập làng M6 và dân khu vực lòng hồ Thuận Ninh, 2 nơi đều nghèo khó nhất của xã Bình Tân vào năm 2000. Toàn thôn có 133 hộ, 600 nhân khẩu, trong đó có 27 hộ với 150 nhân khẩu là ngươi dân tộc Ba na. Những năm trước, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề phát rừng làm rẫy và một ít diện tích lúa nước 1 vụ với năng suất khoảng 20 tạ/ha. Thế nhưng hôm nay, người Ba na M6 đã biết canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau, phát triển nhiều mô hình sản xuất mới, đời sống đã khá hơn nhiều. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho chúng tôi biết: “Ngày mới thành lập thôn, hầu như tất cả những hộ dân đều phải ki cóp lắm mới có đủ cái ăn, cái mặc. Bởi khi sáp nhập để thành lập thôn mới, cả 2 nơi này đều là vùng đất hoang hóa, kinh tế chậm phát triển”. Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập thôn, ông Trần Bá Vinh, trưởng thôn M6, tâm sự: “Ngày ấy, đi khắp thôn khó khăn lắm mới tìm ra được một vài ngôi nhà tường xây mái ngói. Đất đai thiếu nước sản xuất nên bị bỏ hoang hoặc chỉ gieo được một vụ lúa hưởng nước trời”.

Sự đổi thay đầu tiên của thôn M6 là giao thông. Hồi trước, đi từ xã đến thôn chỉ bằng một con đường mòn nhỏ, chủ yếu là đi bộ chứ xe máy và xe đạp phải vất vả lắm mới đi được. Đó là chưa kể lúc mưa, đường sá đi lại càng vất vả hơn. Những năm gần đây, được Nhà nước đầu tư phát triển giao thông, xây dựng cầu cống nên tuyến đường này được thông suốt. Con đường từ bờ đập hồ Thuận Ninh dẫn vào trung tâm thôn đã được rải đá cấp phối, trong đó có 1 km được bê tông xi măng, việc đi lại, giao thương mua bán của người dân trong thôn với các địa phương trong xã, trong huyện được thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho kinh tế thôn M6 phát triển.

Đi trên con đường dẫn vào thôn đã được mở rộng và nâng cấp, ông Trần Bá Vinh cho chúng tôi biết thêm: Vài năm gần đây, đồng bào trong thôn bắt đầu chuyển hướng làm ăn mới, biết chăm sóc lúa, bón phân, trồng cây lâm nghiệp và giữ rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên giàu có. Hiện nay thôn đã có 13 ha lúa nước, trong đó có 3,3 ha sạ được 3 vụ/năm; hơn 1.000 con bò, 1.200 con heo và hơn 8.000 con gia cầm các loại; hơn 200 ha đào với trên 50% diện tích đã cho trái và hàng chục ha vườn tạp được cải tạo trồng các loại cây xoài, đào… đang dần dần cho hiệu quả. Nhờ kinh tế phát triển, M6 không còn nạn phá rừng làm rẫy như trước mà người dân đã biết nhận khoán bảo vệ hàng trăm ha rừng tự nhiên. Hộ anh Nguyễn Ngọc Tráng ở xóm 3 trước kia cuộc sống chủ yếu dựa vào phát rừng rẫy và một vài sào ruộng, quanh năm “đầu tắt mặt tối” nhưng luôn thiếu ăn lúc giáp hạt. Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, huyện, anh từ bỏ phát rừng làm rẫy, chuyển sang nhận khoán bảo vệ rừng, trồng đào, làm ruộng và chăn nuôi. Ngoài bảo vệ rừng, anh còn trồng 4 ha đào, trong đó có 2 ha đã cho thu hoạch, hơn 100 cây xoài, 2 ha mì và nuôi hơn 200 con gà. Với nguồn kinh tế ấy, mỗi năm anh thu nhập hơn 15 triệu đồng và đã thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, tích lũy mua được xe máy, ti vi và các vật dụng đắt tiền khác.

Ở M6 có nhiều hộ đã thay đổi tập quán làm ăn cũ lạc hậu, biết chọn đúng hướng làm ăn như các hộ ông Đinh Long, Đinh Văn Tập, Đinh Văn Thơ… từ làm lúa nước, nuôi trâu bò, trồng đào và nhận khoán bảo vệ rừng đã thoát nghèo và trở nên giàu có. Chính những sự đổi thay này đã tạo ra một M6 với sức sống mới như hôm nay. Hiện cả thôn có hơn 30 ngôi nhà mái ngói - tường xây, 11 chiếc xe máy, hơn 10 chiếc ti vi và hầu như nhà nào cũng có radio… Tỷ lệ hộ đói nghèo trong thôn đã giảm mạnh, hiện không còn hộ đói, chỉ còn 34 hộ nghèo, giảm hơn một nửa so với năm 2000.

Tiễn chúng tôi ra về, Chủ tịch Trần Mạnh Hùng cho biết: “Trong thời gian đến, xã sẽ tập trung làm thủ tục đưa bà con Ba na xuống gần bà con người Kinh trong thôn để có điều kiện phát triển kinh tế và yên tâm sản xuất. Ngoài ra, xã sẽ tiến hành nhanh việc lập thủ tục trình các cấp lãnh đạo duyệt kế hoạch làm mới các tuyến kênh mương  nội đồng để mở rộng thêm diện tích cây lúa nước và cây màu”. Với sự quan tâm đó, chúng tôi tin tưởng vào cuộc sống ngày mai của bà con thôn M6 sẽ ấm no và hạnh phúc hơn.

. NT-BT

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười  (21/02/2003)
Một bản tuyên ngôn mãi mãi trường tồn cùng nhân loại  (21/02/2003)
Nhà đất ở Quy Nhơn - khủng hoảng thừa ?  (21/02/2003)
Khuyến học ở dòng họ Trần thôn Cảnh Vân - Tuy Phước  (21/02/2003)
Tưng bừng ngày hội tòng quân   (21/02/2003)
Gặp các nữ bí thư chi bộ ở xã Mỹ Quang  (21/02/2003)
Kim Đồng - Tên anh muôn thuở không mờ  (21/02/2003)
Những ngôi nhà cho người nghèo  (21/02/2003)
Mùa xuân nhớ Quang Trung, người xây nền văn hóa cho tương lai  (21/02/2003)
Cái giếng cũ, chuyện bây giờ mới kể  (21/02/2003)
Lắng nghe mùa xuân về  (21/02/2003)
Năm Mùi với những sự kiện trọng đại trong cuộc đời Bác Hồ và Đảng ta  (21/02/2003)
Khắp nơi tưng bừng đón Tết  (21/02/2003)
Vơi bớt những số phận bất hạnh  (21/02/2003)
Đất lành gieo nhân thiện  (21/02/2003)