Ba năm rồi, nay tôi mới có dịp trở lại Tam Quan Nam (Hoài Nhơn). Con đường đến Tam Quan Nam nay đã là con đường bê tông thay cho con đường cấp phối gập ghềnh. Tại khu vực trung tâm của xã, chợ Ân đang được sửa sang lại. Trường Trung học cơ sở đã tầng hóa khang trang. Và đây nữa, trụ sở làm việc mới của xã, một cơ ngơi đàng hoàng (mà sau đó tôi mới biết là trị giá đến cả tỉ bạc). Tôi gặp một cụ già đã trên 70 tuổi, đi bộ mấy cây số từ thôn Tăng Long đến đây để ngắm nhìn trụ sở làm việc của xã, mà bà nghe đồn là “đẹp lắm”. “Mà đẹp thật! Vậy là mừng quá!”. Bà chia sẻ niềm vui ấy với tôi!
Quả thật, tôi không “mê” gì cái chuyện một số nơi xây trụ sở làm việc to đùng, chỉ vì chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy”, hoặc chỉ để cho “oai”. Nhưng ở Tam Quan Nam thì lại khác. Ngay cả việc xây trụ sở của xã cũng có chuyện để nói. Số là một năm trước đây, nơi làm việc của xã đã quá xập xệ, đã đến lúc cần sửa chữa hoặc xây dựng mới. Nhân có số tiền lớn - tiền của ngành điện lực hoàn trả tiền đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn, được hơn 500 triệu đồng, nhiều ý kiến đề nghị lấy khoản tiền đó để xây dựng nơi làm việc của xã. Nghe hợp lý quá! Vậy mà không! Đảng bộ họp, quyết định: Trụ sở thì cũng làm, nhưng bằng khoản kinh phí khác. Còn tiền điện của dân, tuy không đem trả lại cho từng hộ, nhưng để lo chuyện lớn, đó là chuyện “bê tông hóa” giao thông nông thôn. Đưa ra dân xin ý kiến, dân quyết “cái rẹt”: làm đường! Và thế là, một năm sau, trụ sở cũng có, mà đường cũng có. Trụ sở thì to đẹp, và đường thì xã có thêm 6 cây số, đưa tổng số đường đã được bê tông của xã lên 11 cây số, nối ngang dọc các tuyến chính khắp thôn xóm.
Ba năm trở lại, giờ Tam Quan Nam đã khác xưa nhiều quá! Tuy vậy, có lẽ cảm nhận của tôi sẽ không bằng chính người dân sống ở đây. Bà Nguyễn Thị Thanh Bạn, ở thôn Tăng Long 2 nói: “Hồi trước, Tam Quan Nam là xã nghèo, đời sống bà con nhiều khó khăn lắm. Nhưng bây giờ thì “điện đường trường trạm” có đủ, đời sống nhân dân được nâng lên, bà con ai cũng tin ở sự lãnh đạo của xã”. Có lẽ bây giờ bạn gặp người dân nào ở Tam Quan Nam, bạn cũng sẽ nghe những ý kiến tương tự, và trong bất cứ ý kiến nào, bạn cũng sẽ nghe một điều là dân ở đây tin Đảng lắm, tin ở sự lãnh đạo của Đảng bộ xã lắm! Không tin sao được, khi những chuyện “đại sự” của xã đều được đưa ra xin ý kiến dân, chẳng hạn ngoài những chuyện mà tôi vừa kể, còn là chuyện xây dựng HTX như thế nào, chuyện giải quyết vấn đề nợ khê đọng ra sao, chuyện chuyển hướng phát triển kinh tế ra sao v.v... và v.v... Ngay cả chuyện xây dựng Đảng cũng đưa ra dân. Đồng chí Lê Xuân Bá, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Chúng tôi dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Tìm hiểu thì tôi được biết “dựa vào dân” ở Tam Quan Nam là thế này: khi thực hiện tự phê bình, tiếp thu ý kiến của đảng viên, ý kiến của các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong xã, Đảng ủy đã đề ra các tiêu chí cụ thể về tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, và tổ chức cho đại diện của dân bỏ phiếu đánh giá chất lượng hoạt động của chi bộ, tổ chức Đảng, từng cán bộ đảng viên. Ngay trong quy chế hoạt động và Nghị quyết của Đảng bộ xã cũng quy định việc hướng dẫn tổ chức Đảng lấy ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng nghị quyết của tổ chức Đảng cấp mình. Các chi bộ, tổ Đảng yếu kém, đảng viên sai phạm, bị quần chúng chê trách thì tiến hành củng cố, chấn chỉnh kịp thời. Cán bộ đảng viên sai phạm thì bị xử lý nghiêm. Đợt sinh hoạt phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên cuối năm 2002 vừa qua cũng được đưa ra dân lấy ý kiến. Năm 2002, Đảng bộ Tam Quan Nam được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Đảng bộ được công nhận trong sạch vững mạnh.
Đảng bộ làm tốt công tác xây dựng Đảng, dân thì tin ở sự lãnh đạo của Đảng bộ, đó là “vốn liếng” vô cùng quý giá để Đảng bộ tập trung vào việc lãnh đạo phát triển kinh tế. Ngay cả chuyện phát triển kinh tế, ở Tam Quan Nam cũng có lắm cái hay, mà nổi bật là chuyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn. Bao đời nay, ở Tam Quan Nam, nông nghiệp luôn được xác định là thế mạnh của địa phương, thế nhưng đất nông nghiệp bình quân có 270 m2 đầu người, lại bị chua mặn, làm nông giỏi lắm thì cũng chỉ đủ ăn. Làm kinh tế biển thì mới giàu lên được. Và thế là từ việc xác định phát triển kinh tế theo cơ cấu: nông-ngư-tiểu thủ công nghiệp của những kỳ Đại hội đảng bộ trước, đến Đại hội Đảng bộ lần thứ 21 năm 2000 khẳng định dứt khoát phải phát triển theo cơ cấu: ngư-tiểu thủ công nghiệp và nông. Và thế là 2 năm sau, Tam Quan Nam từ vài hộ nuôi tôm giống, nay đã có hơn 60 hộ, cả xã có gần 40 ha nuôi tôm, trong đó có 30 ha nuôi tôm công nghiệp, có 6 sào nuôi tôm trên cát cho năng suất rất cao, tính ra đến hơn 9 tấn/ha. Số tàu thuyền của xã lên con số 94, với tổng công suất 4.500 CV, trong đó hơn 2/3 là tàu đánh bắt xa bờ. Hiệu quả kinh tế của phát triển kinh tế biển đem lại cho Tam Quan Nam rất lớn, kéo theo nó là vấn đề giải quyết lao động, vấn đề phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Cùng với đó, các ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, nông nghiệp có sự khởi sắc. Số hộ đói nghèo ngày càng giảm, hộ khá và giàu chiếm tỷ lệ lớn. Sau khi lo khá chu đáo đối với hộ gia đình chính sách, xã bắt đầu lo đến chuyện hỗ trợ cho người nghèo xây dựng lại nhà ở. Tất cả những điều đó càng cho thấy bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tam Quan Nam ngày càng có hiệu quả, càng cho thấy việc xác định đưa phát triển kinh tế biển lên hàng đầu của Nghị quyết 21 của Đảng bộ xã là đúng đắn. Đó cũng là cơ sở để xã tiếp tục đề ra định hướng phát triển trong những năm tới, vẫn tập trung vào 2 thế mạnh kinh tế biển chủ yếu là đánh bắt hải sản và nuôi tôm.
Khó có thể kể ra hết về sự đổi thay ở Tam Quan Nam, nhưng có lẽ đằng sau nó là cả một quá trình trăn trở của Đảng bộ xã để đưa xã nhà-một xã vốn nghèo trước đây, nay đã vươn lên “bằng anh, bằng em”. Tôi biết, Đảng bộ Tam Quan Nam là một Đảng bộ có sức vươn lên bền bỉ, và sức vươn đó chính là bắt nguồn từ truyền thống chi bộ thôn Cửu Lợi-một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh, đã ra đời ngay từ năm 1930, năm Đảng ta ra đời. Và tôi tin, Tam Quan Nam rồi còn sẽ đi lên.
. Khánh Hoàng |