Những người “cõng chữ” lên non

Phóng sự của Xuân Nguyên

Một lớp học vùng cao ở Bình Định

Trong những năm gần đây, quy mô GDĐT ở miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định đã có bước phát triển khá và tăng nhanh ở tất cả các cấp học, ngành học. Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là ngành GDĐT, phải kể đến những cống hiến lớn lao của đội ngũ giáo viên trẻ từ miền xuôi tình nguyện "cõng chữ" lên non, đến với đồng bào các dân tộc thiểu số ở các làng bản vùng cao.

Trong những năm đất nước còn khó khăn, cả nước nói chung và ở Bình Định nói riêng đã có không ít nhà giáo “dứt áo ra đi” nhưng ngược lại cũng có không ít giáo viên trẻ từ miền xuôi lại tình nguyện lên các bản, làng ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa để “gieo chữ” rồi sinh cơ lập nghiệp và gắn bó gần như suốt đời mình với những vùng đất ấy. Theo thống kê của ngành GDĐT Bình Định, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 giáo viên đang công tác, giảng dạy tại các vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. So với nhiều đồng nghiệp của họ hiện đang giảng dạy tại các vùng thuận lợi như đồng bằng, thành phố thì đội ngũ giáo viên này hàng ngày phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách trong hành trình đưa cái chữ đến với đồng bào. Anh Đinh Văn Phim, giáo viên Trường tiểu học An Toàn, huyện An Lão, kể với chúng tôi về con đường “cõng chữ ” lên non của anh và các đồng nghiệp ở xã vùng cao này: “Từ nhà tôi lên đến trường nếu đi đường đồng bằng thì chắc mất 2 ngày còn nếu đi cắt đường rừng thì tôi đã đếm được là mình phải vượt qua 35 con suối, riêng vượt dốc là 2 tiếng đồng hồ. Tôi nghĩ nếu những người mà yếu yếu thì đi không nổi!”.

Điều kiện đi lại đã gian nan, các giáo viên từ miền xuôi lên miền núi vùng cao công tác còn phải chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn khác. Anh Huỳnh Văn Luyến, 1 giáo viên quê ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, lên giảng dạy đã 17 năm tại điểm trường tiểu học ở tổ 7 thuộc xã vùng cao Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, kể : “Ở trên này mùa mưa lũ đi lại rất khó khăn. Giáo viên trường mình chủ yếu là từ đồng bằng lên công tác nên cuộc sống còn rất tạm bợ. Giáo viên sống trong những căn nhà lá, vách nứa, giường chiếu không có, chỉ nhờ bà con làm tạm để nằm trong những tháng giảng dạy. Hè họ về quê sinh hoạt nên cuộc sống thiếu ổn định.”. 

Cùng một tâm tư như vậy, Anh Phạm Hữu Việt, 1 giáo viên ở TP Quy Nhơn lên giảng dạy đã 18 năm nay tại Trường tiểu học xã vùng cao An Hưng, huyện An Lão, cho biết thêm: “Phải nói rằng đời sống anh em trên đó còn rất nhiều khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Điện đã về tới vùng cao, vùng sâu nhưng cũng mới chỉ có ở những diểm trường chính chứ còn các trường làng vẫn còn sử dụng điện Diezen nên thời gian thắp sáng cũng chỉ có đến 10 giờ. Còn các sinh hoạt khác như ti vi, đài, báo chí… thì hết sức hạn chế. Anh em giáo viên phải tự trang bị cho mình vật chất cũng như tinh thần.”

Bên cạnh những khó khăn về đời sống, sinh hoạt, công tác giảng dạy của những giáo viên giáo viên từ miền xuôi tình nguyện lên các làng bản ở miền núi, vùng cao công tác cũng còn phải đối diện với nhiều trở ngại khác như tình trạng bất đồng ngôn ngữ, xa lạ với những phong tục tập quán, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về việc học chữ còn hạn chế…

Và dường như tất cả những khó khăn, thiếu thốn của đội ngũ giáo viên trẻ từ miền xuôi tình nguyện lên miền núi, vùng cao để gieo trồng cái chữ đã thể hiện khá đầy đủ khi chúng tôi đến thăm điểm trường làng Hà Giao-Kon Lót thuộc trường tiểu học xã vùng cao Canh Liên. Cô giáo Vân - quê ở TP Quy Nhơn lên đây giảng dạy kể : “Lúc đầu mới lên, ai cũng buồn và nhớ nhà. Dân phố mà lên núi cao, không nhớ sao được. Rồi cũng quen dần. Nay, vài ba tháng lại theo xe về dưới để thăm nhà và tiếp tế thực phẩm nhưng đi được vài hôm là lại nhớ đám học trò nhỏ”. Cô giáo Đinh Thảo Hoa, quê ở tận Hải Dương, nhưng nghề gieo chữ đã khiến cô đến và ở lại với trường Hà Giao – Kon Lót. Tương tự, cô Thúy Giàu quê ở Vĩnh Thạnh cũng tốt nghiệp ĐHSP Quy Nhơn và cũng nhận công tác cùng lúc với cô Vân. Sáu cô giáo ở chung trong một căn lều mái lá chừng 20 mét vuông. Của cải quý giá nhất là chiếc Radio nhỏ xíu. Sáu cô nhưng chỉ có hai cái giường, mỗi cái rộng trên một mét. Gọi là giường cho sang, kỳ thực, đó chỉ là mấy miếng ván cũ ghép lại. Việc ăn uống cũng kham khổ không kém. Đời sống tinh thần thì cũng chẳng khá hơn: Không truyền hình, không báo chí, không điện thoại. Mối liên hệ duy nhất với thế giới bên ngoài của các thầy cô giáo trẻ là chiếc Radio con con mà khi chúng tôi bật lên, nó kêu rọt rẹt như người nghẹt mũi. Ấy vậy mà các thầy cô giáo trẻ ở nơi đèo heo hút gió này vẫn rất hồn nhiên, yêu đời. Và hình thức giải trí hiện đại nhất mà các cô có được trong tay cũng chỉ là chương trình ca nhạc theo yêu cầu trên sóng phát thanh của Đài phát thanh Bình Định mà họ rất thích. Chúng tôi thật sự cảm động và vui lây với niềm vui cỏn con của các thầy cô giáo trẻ. Ở giữa đại ngàn hùng vĩ và hoang vu này, nếu không yêu đời như họ, không tìm thấy niềm vui trong công việc như họ, thì có lẽ không bám trụ được với nghề. Do vậy, khi điểm trường Hà Giao-Kon Lót được ông bà Dương Quang Thiện ở TPHCM thông qua Báo Tuổi trẻ TPHCM tài trợ xây dựng một ngôi nhà công vụ khang trang thì phải nói là các thầy cô giáo ở đây đã vui mừng không thể tả xiết.

          Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng trong những năm qua, hầu hết đội ngũ giáo viên miền xuôi tình nguyện lên công tác tại miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa ở Bình Định vẫn kiên quyết bám trường, bám lớp, vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc sống hàng ngày, thậm chí chấp nhận hy sinh cả chuyện hạnh phúc riêng tư để trụ vững trên bục giảng, mang từng con chữ đến với con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các làng bản vùng cao. Đặc biệt, ở họ tuy mỗi người có một hoàn cảnh, một cuộc sống khác nhau, song dường như tất cả họ đều có một nét chung rất đáng quý, đó là lòng yêu nghề, ý chí, nghị lực vượt khó và tận tình với công việc được giao. Trao đổi với chúng tôi về những động lực giúp họ còn tiếp tục đứng vững trên bục giảng, nhiều giáo viên đang giảng dạy tại các điểm trường vùng cao ở Bình Định đều cho rằng lý do khiến họ bám trụ trước hết là lòng yêu nghề, mến trẻ, thương các cháu còn đói nghèo cái chữ. Nhưng quan trọng hơn đó là tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số, những người đã cưu mang, chia bùi, xẻ ngọt với những khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày của giáo viên và coi họ như những người ruột thịt trong gia đình. Chính tình cảm của đồng bào đã níu chân họ lại. Vì vậy nhiều người trong số họ nghĩ là mình phải làm gì đó để cho đồng bào các dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt đẹp hơn, mà trước tiên là dạy cho họ cái chữ để họ có thể xua đi cái đói, cái nghèo nàn lạc hậu. Có như vậy thì họ mới có thể đền đáp được những tình cảm của đồng bào.

Có lẽ chính những tình cảm đáng trân trọng đó mà bao năm qua đội ngũ giáo viên cắm bản ở Bình Định đã âm thầm vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn và cả những thiệt thòi để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người. Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao trong những năm gần đây sự nghiệp GDĐT ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ở Bình Định lại có bước phát triển khá đến vậy. Bình quân cứ 4 người dân có 1 người đi học; 3 huyện miền núi, vùng cao của tỉnh được Bộ GDĐT công nhận là đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học... Để có được những thành quả to lớn đó, công đầu thuộc về họ - những giáo viên đang ngày đêm đem hết sức trẻ và lòng nhiệt huyết của mình để thắp sáng từng con chữ trên các làng bản miền núi, vùng cao ở Bình Định.                     

                                                                                                X.N

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Song hành với chính quyền trong mọi phong trào  (21/02/2003)
Mấy chuyện ghi được ở Đảng bộ Tam Quan Nam  (21/02/2003)
Thôn M.6 hôm nay  (21/02/2003)
Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười  (21/02/2003)
Một bản tuyên ngôn mãi mãi trường tồn cùng nhân loại  (21/02/2003)
Nhà đất ở Quy Nhơn - khủng hoảng thừa ?  (21/02/2003)
Khuyến học ở dòng họ Trần thôn Cảnh Vân - Tuy Phước  (21/02/2003)
Tưng bừng ngày hội tòng quân   (21/02/2003)
Gặp các nữ bí thư chi bộ ở xã Mỹ Quang  (21/02/2003)
Kim Đồng - Tên anh muôn thuở không mờ  (21/02/2003)
Những ngôi nhà cho người nghèo  (21/02/2003)
Mùa xuân nhớ Quang Trung, người xây nền văn hóa cho tương lai  (21/02/2003)
Cái giếng cũ, chuyện bây giờ mới kể  (21/02/2003)
Lắng nghe mùa xuân về  (21/02/2003)
Năm Mùi với những sự kiện trọng đại trong cuộc đời Bác Hồ và Đảng ta  (21/02/2003)