Khuyến học ở một dòng họ

Hội khuyến học TP Quy Nhơn trao học bổng cho những học sinh vượt khó học giỏi.

Bình Định vốn là một vùng đất có truyền thống hiếu học. Trước khi tổ chức Hội khuyến học các cấp ra đời, hoạt động khuyến học-khuyến tài ở Bình Định đã xuất hiện từ rất sớm, đặc biệt là hình thức khuyến học ở các dòng họ, trong đó đặc biệt là dòng họ Huỳnh ở khu vực Tường Vân, phường Nhơn Phú (TP. Quy Nhơn).

Đến khu vực Tường Vân (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) hỏi tộc họ Huỳnh thì dường như ai cũng biết bởi đây là một tộc họ có truyền thống hiếu học và có nhiều người thành danh trên con đường học vấn. Ông trưởng tộc họ Huỳnh hiện nay là cụ Huỳnh Phước 83 tuổi. Tuy tuổi đã cao nhưng trông cụ Huỳnh Phước còn rất khoẻ và minh mẫn. Tiếp chúng tôi, cụ Huỳnh Phước lật từng trang gia phả của dòng tộc và kể rất ngọn ngành:

Theo gia phả để lại, tính từ thời Lê đến nay thì Huỳnh tộc đã trải qua 22 đời với gần 600 năm. Đến đời cụ Huỳnh Phước hiện nay là đời thứ 17 và sau ông còn 5 đời nữa. Thời vua Lê, Huỳnh Tộc có ông Huỳnh Tấn Hạng làm quan Tứ trụ triều đình và được sắc phong là Chánh nhất thượng đẳng phúc thần. Ông Huỳnh Tấn Hạng có con là Huỳnh Tấn Vô làm Chánh đẳng thần, được phong làm Phúc thần thời Hậu Lê. Ông Huỳnh Tấn Vô sinh ra 6 người con trong đó có quan đại thần Huỳnh Tấn Độ được phong là Sinh đồ đông các đại học sĩ; ông Huỳnh Tấn Bồi được phong là Trung đẳng thần và ông này là ông tổ của phái Huỳnh tộc ở Tường Vân ngày nay. Ông Huỳnh Quốc Tuấn được phong làm quan tứ trụ thời Hậu Lê; ông Huỳnh Tấn Biếm là Trạng nguyên phò mã kết duyên cùng công chúa Lê Thị Quận con vua Lê Thánh Tông. Đến đời nhà Tây Sơn, Huỳnh tộc có ông Huỳnh Tấn Văn là Tả đô đốc, thường gọi là đô đốc Mưu, được vua Quang Trung giao cờ soái, ấn nguyên nhung và tặng 2 câu đối trên cờ là:

Nam bình đô đốc uy danh tiết

Bắc phạt Trịnh-Thanh khiếp đảm hồn.

Đến khi nhà Tây Sơn mất ông Huỳnh Tấn Văn lên vùng Trà Bồng (Quảng Ngãi) sống ẩn dật với đồng bào dân tộc thiểu số và dặn con cháu là khi nhà Nguyễn không còn thì đem cờ soái và ấn nguyên nhung về nhà Từ đường của tộc họ Huỳnh ở Quảng Nam. Do vậy, hiện nay ở huyện Trà Bồng có một số làng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lại mang họ Huỳnh. Sau ông Huỳnh Tấn Văn, tộc họ Huỳnh còn có ông Huỳnh Phước Cang là người vào khai phá phủ Tuy Viễn tỉnh Bình Định và được phong là Dinh điền sứ. Mộ ông hiện nay còn ở xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn. Nếu tính từ đời ông Huỳnh Phước Cang đến đời cụ Huỳnh Phước ngày nay là 9 đời. Một người khác là ông Huỳnh Vạn Niên cũng làm quan Khâm sai tiết chế đại thần, kiêm trị thuỷ chư dinh bản năng đại nghĩa. Ở thị trấn Ngô Mây, (Phù Cát) hiện nay vẫn còn nhà thờ ông Huỳnh Vạn Niên.

Đặc biệt, từ năm 1950 đến nay, tộc họ Huỳnh ở Tường Vân đã có nhiều người nỗ lực học hành và đã thành đạt trên con đường học vấn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Huỳnh tộc, đến nay dòng họ này đã có hơn 50 người có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, kỹ sư và cử nhân khoa học các ngành. Trong đó có 6 Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ và 43 kỹ sư, cử nhân. Đặc biệt có gia đình như gia đình ông Huỳnh Ngọc Dy có 7 người con thì đã có đến 3 người đỗ Tiến sĩ, 4 người là kỹ sư, cử nhân...

Và để tiếp nối truyền thống hiếu học của dòng tộc, những năm gần đây, trong khi tổ chức Hội khuyến học các cấp chưa hình thành thì tộc họ Huỳnh ở Tường Vân đã có nhiều hoạt động khuyến học-khuyến tài cho con cháu trong họ. Cụ Huỳnh Phước cho chúng tôi biết: “Sau khi xây dựng từ đường chúng tôi thấy cần phải quy tụ con cháu lại để đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn, rồi động viên con cháu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân. Thấy cũng chưa đủ vì họ Huỳnh có bề dày lịch sử về khuyến học, có nhiều người thành đạt, học rộng, hiểu sâu, làm quan giúp nước ở các triều đại nên chúng tôi thấy cần phát huy để con cháu học tập truyền thống của ông cha. Hơn nữa, nước ta hiện nay đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nếu con cháu không chăm lo học hành thì làm sao có thể tự lập nghiệp và phát huy truyền thống của dòng tộc trong việc góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ đó chúng tôi mới quyết định thành lập Ban khuyến học của dòng họ”.

Sau khi tổ chức Hội khuyến học các cấp được hình thành thì Hội khuyến học phường Nhơn Phú và Hội khuyến học TP. Quy Nhơn đã chọn Huỳnh tộc làm chi Hội khuyến học cơ sở điểm để nhân rộng điển hình. Hiện nay, Ban khuyến học của Huỳnh tộc có 9 thành viên và đã phát triển được hơn 70 hội viên. Chi hội cũng đã xây dựng quỹ khuyến học được 2 năm, hàng năm các hội viên là con cháu trong dòng họ đều có đóng góp mỗi người nhiều ít tùy theo hoàn cảnh gia đình để phát triển quỹ khuyến học của dòng họ. Ngoài ra, Chi hội khuyến học Huỳnh tộc còn gởi thư kêu gọi những người trong dòng tộc đang sinh sống, làm ăn ở xa ủng hộ thêm cho quỹ. Hiện nay, tộc họ Huỳnh ở Tường Vân đã liên lạc được với các chi, phái trong dòng tộc ở hơn 10 nơi thuộc các tỉnh, thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương.

Từ nguồn quỹ khuyến học quyên góp được, tộc họ Huỳnh đã 2 lần tổ chức khen thưởng cho 153 con cháu trong dòng tộc học giỏi. Em Trần Huỳnh Khánh Huy, học sinh lớp  10A1, Trường THPT Hùng Vương (Quy Nhơn), 1 học sinh khuyết tật vượt khó học giỏi đã vinh dự được nhận phần thưởng của Huỳnh tộc tâm sự với chúng tôi: “ Được nhận phần thưởng do tộc họ trao tặng đó là một niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao đối với bản thân em và gia đình. Đây là niềm cổ vũ động viên cho em cũng như các anh chị em trong dòng tộc nỗ lực vượt khó học giỏi. Em cũng mong là các cấp Hội khuyến học tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho Ban khuyến học Huỳnh tộc hoạt động ngày càng có hiệu quả để động viên con cháu trong dòng họ học hành ngày càng tốt hơn”.

Không dừng lại ở các hoạt động khen thưởng con cháu học giỏi, động viên con cháu trong dòng tộc làm tròn nghĩa vụ công dân, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, Huỳnh tộc còn có nhiều hoạt động tương thân, tương ái, vận động, giúp đỡ các gia đình khó khăn có điều kiện cho con em tiếp tục đi học. 15 cháu gia đình khó khăn bỏ học giữa chừng đã được Ban khuyến học Huỳnh tộc vận động các cháu trở lại trường. Nhờ vậy, trong Huỳnh tộc hiện nay tuy vẫn còn một số gia đình khó khăn nhưng không có cháu nào phải bỏ học giữa chừng. Đây quả là một việc làm hết sức có ý nghĩa của Huỳnh tộc.

Ông Vũ Văn Bông, Chủ tịch Hội khuyến học TP Quy Nhơn, một người hết sức tâm đắc với mô hình hoạt động khuyến học của tộc họ Huỳnh ở Tường Vân cho biết : “Cái hay của chi hội khuyến học của dòng họ Huỳnh phước tộc đó là bắt nguồn từ chỗ họ biết phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ. Kế tiếp đó, hội đồng gia tộc đã thành lập Ban khuyến học của dòng họ ra đời trước khi tỉnh cũng như thành phố thành lập Hội khuyến học. Nắm bắt được tình hình, Thành Hội đã cùng với Hội khuyến học của phường Nhơn Phú đến tìm hiểu, vận động và thành lập Chi hội khuyến học cơ sở và đi vào hoạt động nề nếp. Từ đó, họ đã phát triển được nhiều hội viên, xây dựng được quỹ khuyến học của dòng họ, khen thưởng, động viên, giúp đỡ và tạo điều iện cho nhiều con cháu trong dòng họ tiếp tục đi học, thành đạt và không để có những cháu vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải bỏ học giữa chừng. Đó là cái điểm rất hay mà tôi rất tâm đắc. Mong muốn rằng trong tỉnh, trong thành phố của chúng ta sẽ ngày càng có nhiều gia đình hiếu học, nhiều dòng họ khuyến học như vậy. Đó chính là cái gốc xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở”.

. Xuân Nguyên 
Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những người “cõng chữ” lên non  (21/02/2003)
Song hành với chính quyền trong mọi phong trào  (21/02/2003)
Mấy chuyện ghi được ở Đảng bộ Tam Quan Nam  (21/02/2003)
Thôn M.6 hôm nay  (21/02/2003)
Niềm hạnh phúc của trẻ em sau phẫu thuật nụ cười  (21/02/2003)
Một bản tuyên ngôn mãi mãi trường tồn cùng nhân loại  (21/02/2003)
Nhà đất ở Quy Nhơn - khủng hoảng thừa ?  (21/02/2003)
Khuyến học ở dòng họ Trần thôn Cảnh Vân - Tuy Phước  (21/02/2003)
Tưng bừng ngày hội tòng quân   (21/02/2003)
Gặp các nữ bí thư chi bộ ở xã Mỹ Quang  (21/02/2003)
Kim Đồng - Tên anh muôn thuở không mờ  (21/02/2003)
Những ngôi nhà cho người nghèo  (21/02/2003)
Mùa xuân nhớ Quang Trung, người xây nền văn hóa cho tương lai  (21/02/2003)
Cái giếng cũ, chuyện bây giờ mới kể  (21/02/2003)
Lắng nghe mùa xuân về  (21/02/2003)