Năm 1788, cách đây hơn 2 thế kỷ, tại núi Bân - Phú Xuân - Huế, “vị tướng áo vải” Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Trong Chiếu lên ngôi, hoàng đế Quang Trung tuyên bố: “Nhân nghĩa, trung nghĩa là đạo lớn của người. Trẫm nay cùng dân đổi mới”. Với quyết tâm CANH TÂN ĐỔI MỚI, Quang Trung đề ra hàng loạt chính sách cải cách quân sự, chính trị, kinh tế… Sau chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung tiếp tục công cuộc canh tân đất nước với những chủ trương: chiêu hiền, đãi sĩ, khuyến học, khuyến tài. Đặc biệt, ông đã ban hành nhiều chiếu thư quan trọng như: Chiếu cầu lời nói thẳng, Chiếu cầu hiền, Chiếu lập học…
Qua nhiều Chiếu thư của Quang Trung, có thể thấy ông rất quan tâm đến việc chấn hưng văn hoá, giáo dục và đặc biệt chú trọng đến chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, khuyến học, khuyến tài. Trong Chiếu Cầu hiền có đoạn: “…Quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc… Những người có tài nghệ gì có thể dùng được cho đời, thì cho các quan văn võ dược tiến cử, lại cho dẫn đến yết kiến, tuỳ tài mà bổ dụng…Hoặc có người từ trước đến nay dấu tài, ẩn tiếng, không ai biết đều cũng được phép dâng thư tự cử, chớ ngại cho thế là “đem ngọc bán rao”… Đáng lưu ý là Chiếu Lập học. Qua Chiếu thư này, Quang Trung bộc bạch: “Dựng nước lấy việc học làm đầu, trị nước chọn nhân tài làm gốc…Trẫm buổi đầu dựng nghiệp, tôn trọng việc học, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài ra giúp nước”. Xuất thân từ “dân áo vải” đất Tây Sơn, Quang Trung – Nguyễn Huệ thông cảm sâu sắc đến cuộc sống lầm than, cơ cực và nghèo nàn, lạc hậu của người dân lao động. Ông đã cho thành lập các trường công lập ở cấp xã để người dân có điều kiện học tập. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam, xã thôn là đơn vị hành chính cuối cùng của chính quyền được lập trường học công. Đồng thời, Quang Trung còn đề ra những “tiêu chuẩn” đối với vai trò của người thầy, như: “Chọn nho sĩ trong xã có đạo đức, hạnh kiểm, đặt làm thầy dạy, giảng tập cho học trò xã mình”. Qua Chiếu thư, Quang Trung cũng quy định: “Nho sinh và sính đồ cũ cứ đôi kỳ thi vào thi, hạng ưu thì tuyển vào, hạng kém thì bãi về trường xã học. Còn như sính đồ ba quan nhất thiết bắt về làm dân, cùng dân chịu sưu dịch”. Đồng thời, Quang Trung đề ra những yêu cầu cụ thể về chất lượng dạy, học, đào tạo: “Trước học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên rồi đến Tứ Thư, Ngũ Kinh, Chư Sử. Học cho rộng, rồi ước lượng cho gọn, theo điều học biết mà làm”.
Đặc biệt, riêng bản thân Nguyễn Huệ – Quang Trung, xuất thân không phải từ tầng lớp vương đế, quyền quý, mà là từ một gia đình nông dân, song ông luôn khao khát được học hỏi, hiểu biết. Thậm chí, khi đã trở thành hoàng đế, Quang Trung vẫn học Tứ Thư, Ngũ Kinh, Binh Thư và học tập văn hoá, lịch sử dân tộc. Theo “Tây Sơn Thuật lược”, mỗi tháng 6 lần, một viên quan Bí Thư, có nhiệm vụ vào chầu để giảng giải cho hoàng đế Quang Trung về kinh sách.
Gần 215 năm đã trôi qua, song tinh thần ĐỔI MỚI và chính sách khuyến học, khuyến tài, chiêu hiền, đãi sĩ của Quang Trung vẫn ý nghĩa vô cùng. Giờ đây, trên quê hương mà vị hoàng đế “Áo vải cờ đào” đã sinh thành, lại tiếp nối truyền thống trọng nghĩa, trọng tài và hiếu học. Đầu tháng 11 năm 2000, Hội Khuyến học Bình Định được thành lập. Chỉ trong một thời gian không lâu, đến nay, toàn bộ các huyện, thành phố và 100% xã, phường ở đồng bằng, đô thị đã thành lập được Hội Khuyến học. Hiện tại, tổng số hội viên Hội Khuyến học toàn tỉnh đã phát triển lên tới hơn 20. 687 người. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho phép Sở Giáo dục – Đào tạo và Hội Khuyến học tỉnh tiến hành các thủ tục để thành lập một giải thưởng khuyến học mang tên Quang Trung. Theo đó, giải thưởng sẽ được trao hàng năm, cùng lúc với việc UBND tỉnh và Sở GD-ĐT tổ chức khen thưởng học sinh giỏi. Cơ quan chủ trì trao giải thưởng là UBND tỉnh. Sở GD-ĐT cùng Hội Khuyến học là những đơn vị sẽ tổ chức xét chọn, tổ chức lễ trao giải…Hy vọng rằng, Giải thưởng Khuyến học Quang Trung sẽ là một giải thưởng cực kỳ ý nghĩa, góp phần quan trọng vào công tác khuyến học, khuyến tài, đưa sự nghiệp Giáo dục-Đào tạo của Bình Định ngày càng phát triển.
. Viết Hiền |