Một cách đầy tự tin, những người phụ nữ ngày nay đang vẽ nên chân dung của mình: họ không còn quanh quẩn trong gian bếp truyền thống nữa mà đã vươn ra đến vũ trụ. Gánh nặng hai vai việc nước – việc nhà được họ tự cân bằng và giải quyết một cách khéo léo, bằng sự giúp đỡ của đồng nghiệp, gia đình, bằng khả năng vươn lên của chính bản thân. Với các nữ cán bộ ở cơ sở mà chúng tôi đã gặp, những lời tự bạch trong “ngày của mình” (8-3) của họ sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về hình ảnh người phụ nữ hôm nay.
* Chị Trần Thị Hoa – Chủ tịch UBND phường Lý Thường Kiệt – TP. Quy Nhơn: Nhận thức về vai trò bản thân của phụ nữ đã được nâng lên.
Năm 1998, khi được giao trọng trách làm chủ tịch UBND phường Lý Thường Kiệt, tôi cũng hơi lo vì không biết mình có làm nổi không. Nhưng rồi được các anh lãnh đạo cấp trên, anh
|
Chị Trần Thị Hoa |
em dưới khu vực ủng hộ, tôi yên tâm làm việc. Tuy nhiên, là nữ, tôi cũng gặp phải những khó khăn như đa số những chị em khác, đó là sự rụt rè khi đứng trước đám đông, rồi vừa phải hoàn thành công việc cơ quan vừa phải chăm lo cho gia đình. Và không còn cách nào khác là tôi phải cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc ở cơ quan và làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, người vợ.
Phường Lý Thường Kiệt có tới 1/2 số cán bộ là nữ nên nhiều người hay đùa: chủ tịch là nữ nên nhận nhiều nhân viên nữ. Trong số nữ cán bộ ở phường có 1/3 là đảng viên trưởng thành từ cơ sở. Hiện phường có 1 nữ cán bộ có trình độ Đại học và có 5 nữ cán bộ khác đang theo học chương trình Đại học. Tôi nghĩ, sự nhận thức về vai trò của bản thân của nữ giới ngày nay đã được nâng lên rất nhiều.
* Chị Vương Thị Mến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Văn Cừ – TP. Quy Nhơn: Tôi thích được đi học các lớp tập huấn công tác dân vận.
|
Chị Vương Thị Mến |
Cái khó đối với tôi là làm thế nào để nói cho những người có trình độ hơn mình hiểu và thông cảm, cùng mình thực hiện công việc. Công việc của một cán bộ mặt trận giúp tôi hiểu rằng, có đi nhiều, sâu sát quần chúng thì mới có thể làm tốt công tác dân vận. Đồng thời qua đó mình cũng học tập được nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi rất thích được đi học các lớp dành cho cán bộ mặt trận hoặc công tác dân vận vì nó giúp tôi nâng cao trình độ, làm việc tốt hơn.
Tôi nhận thấy rằng, muốn làm tốt công việc được giao, bản thân người phụ nữ phải biết vươn lên, đồng thời có sự ủng hộ của gia đình cũng như sự giúp đỡ của tập thể. Vươn lên để thấy được vai trò, trách nhiệm của của mình trong xã hội, từ đó xác định nhiệm vụ.
Ở nhà, chồng tôi cũng rất hiểu và thông cảm với công việc của tôi nên nhiều khi đi họp đêm hôm hay đi sớm về trễ, anh ấy không hề có tiếng nặng tiếng nhẹ mà còn giúp tôi việc cơm nước.
|
Chị Nguyễn Thị Lành |
* Chị Nguyễn Thị Lành – Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Phước Nghĩa – huyện Tuy Phước: Tôi bị “phê bình” là thẳng tính giống… đàn ông.
Ở cơ quan, tôi là Phó bí thư Đảng ủy xã, chủ tịch HĐND, còn ông xã tôi là Phó chủ tịch xã, vì thế nhiều người hay chọc: ở cơ quan, Đảng lãnh đạo chính quyền là phải, còn ở nhà thì sao? Tôi trả lời: ở nhà phải khác chứ!
Tôi làm cán bộ cơ sở có hơn 20 năm, nên mới có bốn mấy mà tóc bạc rồi (cười). Quá trình công tác đó cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu, rằng đã nói với dân là phải làm, còn không làm được thì đừng có nói, và phải luôn bảo vệ quyền lợi của dân.
BCH Đảng ủy xã Phước Nghĩa có 8 người, duy nhất mình tôi là nữ. Cảm giác “lép vế” ư, có lẽ là không. Nhiều lần tôi còn bị các anh đồng nghiệp và cả ông xã “phê bình” là sao đàn bà mà tính thẳng giống đàn ông quá. Mà tính tôi vốn vậy, cái gì đúng thì nói đúng, sai thì nói sai chứ không thể nói khác được.
Ngoài công việc ở cơ quan, ở nhà tôi có mở đại lý phân bón, thuốc trừ sâu và cả vật liệu xây dựng nữa. Cũng hơi bận bịu, nhưng sáng dậy sớm một chút sắp xếp công việc trong ngày thì ổn cả: ngày hai buổi làm việc trên xã, buổi trưa tranh thủ chở phân lạc, thuốc sâu bỏ cho bà con, chiều về mở cửa ra bán hàng, và …sáng dậy sớm tập thể dục.
. Nguyên Sương |