Nhớ lại cuộc trao trả tù binh 30 năm trước
19:29', 7/3/ 2003 (GMT+7)

Ngày 10-3-1973, tại thôn Long Quang, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (Bình Định), đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và đại diện chính quyền Sài Gòn đã tiến hành cuộc trao trả nhân viên quân sự hai bên bị bắt. Trên bãi chiến trường còn sặc mùi bom đạn, ta đã xây dựng một khu nhà tranh và trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, làm việc: nhà Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát, nhà Ban liên hợp quân sự 4 bên, nhà trao trả, trạm cấp cứu, nhà phát quân trang và nhà giải khát...

Suốt dọc đường từ nhà trao trả đến khu đón tiếp rực rỡ cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam 2 màu xanh, đỏ và ngôi sao vàng, những băng rôn nền đỏ chữ vàng: NHIỆT LIỆT CHÀO ĐÓN NHỮNG CHIẾN SĨ DŨNG CẢM TỪ CÁC TRẬN TUYẾN ÁC LIỆT CHIẾN THẮNG TRỞ VỀ. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng còn tung bay trên cao điểm 174, sân trực thăng Bến Muồng, trước nhà trao trả và tại cổng chào cách chốt điểm 82 của quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ không đầy 200 m.

Lúc 10 giờ 15 phút, 3 chiếc trực thăng sơn màu da cam, có ký hiệu số 4 chở Đoàn cán bộ liên hợp quân sự 4 bên hạ cánh xuống sân bay trực thăng dã chiến Bến Muồng, thượng tá Lê Huẩn và đồng chí Nguyễn Chung thay mặt chính quyền địa phương ra tận sân bay đón tiếp và hướng dẫn các đoàn về địa điểm làm việc trao trả. Vừa đến nơi, các cán bộ, chiến sĩ miền Bắc và cán bộ Quân giải phóng miền Nam bắt tay ôm hôn, thăm hỏi thắm thiết; các đồng chí miền Bắc mời anh em Quân giải phóng hút thuốc Thủ đô và gắn Huy hiệu Bác Hồ, đã làm cho quang cảnh trước nhà liên hợp quân sự 4 bên trở nên sôi động và tràn đầy tình cảm anh em Nam-Bắc ruột thịt. Đoàn quân sự Việt Nam cộng hòa và đoàn quân sự Hoa Kỳ cũng bị cuốn hút vào không khí thâm tình của 2 miền Nam-Bắc Việt Nam, họ đề nghị được chụp ảnh chung với các chiến sĩ giải phóng.

Tại buổi trao trả, ngoài Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát, còn có đại diện các nước Ba Lan, Hungari, Indonesia, Canada; tổ liên hợp quân sự 4 bên có đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đại diện Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa. Đúng 12 giờ (giờ Hà Nội) cuộc trao trả bắt đầu. Ngày hôm đó ta trao trả cho chính quyền Sài Gòn 170 tù binh và phía Sài Gòn trao trả lại cho ta 400 người; ngày hôm sau 11-3-1973 ta tiếp tục trao trả cho phía Sài Gòn 270 tù binh (có 43 sĩ quan từ thiếu úy và đại úy), phía Sài Gòn trao trả lại cho ta 600 người, có cả nhân viên quân sự và thường dân bị chúng bắt.

Khi chiếc xe GMC chở anh em quân giải phóng bị bắt được trao trả qua ranh giới thuộc quyền kiểm soát của ta, không khí diễn ra hết sức cảm động. Tất cả đã cởi quần áo, giày dép tù vứt lại hết cho phía bên kia, có đồng chí còn mặc độc nhất chiếc quần xì, tiếng hô khẩu hiệu mỗi lúc càng rõ dần, trên các chiếc xe GMC chở các đồng chí của ta đã xuất hiện chiếc băng rôn vải mùng màu trắng với dòng chữ đỏ: “CHÚNG TÔI TUYỆT ĐỐI TIN TƯỞNG VÀO SỰ LÃNH ĐẠO SÁNG SUỐT CỦA ĐẢNG NHÂN DÂN CÁCH MẠNG VIỆT NAM” và lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng được giương cao về phía trước, tất cả đã dìu nhau đứng thẳng trên xe hô vang các khẩu hiệu: Hồ Chí Minh bất diệt; Hoan hô Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Đả đảo hành động tra tấn dã man của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đối với tù nhân. Một tên thiếu tá quân cảnh Sài Gòn luống cuống chạy đến áp sát bụng phệ vào xe quát lớn: “Hoan hô sao hoan hô, không được đả đảo, làm thế này thời gian đâu trao trả”. Mặc cho các sĩ quan Sài Gòn hô hét, anh chị em người phía bên ta vẫn giương cao cờ và tiếp tục hoan hô, đả đảo.

Nhìn những thân hình tiều tụy qua bao năm tháng bị tra tấn trong nhà tù của địch, các đồng chí của ta có người què chân, người gãy tay, anh em ta ra đón không cầm nổi xúc động, đã cùng khóc, cả những người bạn quốc tế bên ta cũng khóc; đồng chí người Ba Lan trong Ủy ban quốc tế cảm động nói: “Các đồng chí là những dũng sĩ tuyệt vời, cả thế giới biết ơn các đồng chí, biết ơn Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Một đồng chí được trao trả người quê Hóc Môn - Nam bộ đã lớn tuổi vừa bừng tỉnh bật lên lời hỏi: “Đây là đâu? Đồng chí Dũng của tôi đâu?”, và ông ngã đầu ôm hôn chiếc phù hiệu có biểu tượng lá cờ 2 màu xanh đỏ, ngôi sao vàng trên ngực một đồng chí trật tự viên quân giải phóng và giàn rụa nước mắt trong tiếng nấc vui mừng.

. Nguyễn Hoàng Long

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khuyến học ở xã đảo Nhơn Châu  (06/03/2003)
Khi phụ nữ làm quản lý  (06/03/2003)
Họ tự nói về mình nhân ngày 8-3  (05/03/2003)
Trương Quang Trình - gắn mình với y tế cơ sở  (03/03/2003)
Chuyển biến mới ở một Đảng bộ yếu kém  (03/03/2003)
Từ 5/3, không hoàn tiền đặt cọc khi không tham gia đấu giá đất  (21/02/2003)
Mở lại đường bay Tuy Hòa - TP.HCM  (21/02/2003)
Nồng ấm Cù Lao Xanh  (03/03/2003)
Người quân y tận tụy  (21/02/2003)
Chính sách khuyến học, khuyến tài thời Tây Sơn và việc lập giải thưởng mang tên Quang Trung  (21/02/2003)
Lao động qua đào tạo: Nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng  (21/02/2003)
Khuyến học ở một dòng họ  (21/02/2003)
Những người “cõng chữ” lên non  (21/02/2003)
Song hành với chính quyền trong mọi phong trào  (21/02/2003)
Mấy chuyện ghi được ở Đảng bộ Tam Quan Nam  (21/02/2003)