Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng
17:18', 10/3/ 2003 (GMT+7)

 . Hoàng Như Ý

(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định)

Công tác tư tưởng có vị trí quan trọng hàng đầu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng nhằm cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, động viên khí thế và tinh thần chủ động sáng tạo trong lao động, học tập và công tác, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Do đó, tiến hành tốt công tác tư tưởng sẽ góp phần quan trọng nâng cao kiến thức, bồi dưỡng ý chí, tình cảm, lối sống tốt đẹp cho mỗi người, tạo động lực mạnh mẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra, trước hết là thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2003, năm bản lề của kế hoạch 5 năm.

Thực tiễn đã khẳng định mọi thành tựu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương đều gắn kết chặt chẽ với công tác tư tưởng, bởi vì tư tưởng không thông thì không thể có tinh thần hăng say, phấn khởi, nhiệt tình, sáng tạo và hiệu quả tốt. Điều đó được biểu hiện rõ trong những năm thực hiện đường lối đổi mới. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng đã tạo nên sự thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Do vậy, bước vào năm 2003, để phục vụ tốt việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và từng địa phương, đơn vị nói riêng, trước hết phải làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng, nâng cao nhận thức, trong đó có 5 việc cốt lõi sau đây:

Một là, tổ chức học tập quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm tạo sự thống nhất cao, chuyển biến mạnh mẽ trong từng tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Đây là vấn đề đặt ra hàng đầu trong công tác tư tưởng của Đảng, bởi vì tiến hành tổ chức tốt việc triển khai học tập các nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật… sẽ mở ra cách xem xét mới, nâng cao tầm hiểu biết, đồng thời thúc đẩy lương tâm, trách nhiệm, ý chí của cán bộ, đảng viên trong việc tổ chức thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống. Tập trung tháo gỡ những khâu nào, điểm gì mà cán bộ, đảng viên chưa thông, còn mắc mứu, tạo sự thống nhất giữa lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Điều đó có tác dụng vô cùng to lớn để thuyết phục mọi người hành động theo mục tiêu chung, ra sức phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Để có nhận thức tốt, chúng ta cần đổi mới cách học tập nghị quyết, từ khâu truyền đạt, thảo luận quán triệt đến xây dựng chương trình hành động phải hướng tới tính thiết thực, hiệu quả. Tùy theo nội dung, tính chất của từng nghị quyết đề cập trực tiếp đến đối tượng và lĩnh vực nào, thì thời gian học tập nghiên cứu của ngành đó phải nhiều hơn, chương trình hành động xây dựng chi tiết hơn, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra chặt chẽ hơn. Từ đó mới có thể lãnh đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trước mắt, cần triển khai quán triệt tốt các nội dung của NQHNTƯ 7 (khóa IX) của Đảng.

Hai là, tổ chức bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục trong quần chúng nhân dân, nhằm tạo sự nhất trí cao với chủ trương, đường lối của Đảng, tiến hành tốt các phong trào hành động cách mạng ở từng cơ sở.

Tạo sự đồng thuận trong nhân dân là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vì chính đây là nguồn sức mạnh tổng hợp to lớn, sức mạnh của Đảng được nhân lên từ nhân dân. Do đó, phải nói cho dân hiểu, dân thông, dân làm, như Nghị quyết Trung ương 5 chỉ rõ: “Hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình cơ sở, tăng cường củng cố trận địa tư tưởng ở cơ sở, tạo thế đứng chính trị vững chắc trên từng địa bàn”. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu, địa phương nào, ở thời điểm nào được cấp ủy Đảng cơ sở quan tâm tổ chức cho nhân dân học tập nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước một cách chu đáo, thì ở đó nhận thức của người dân được nâng lên và khi tiến hành các cuộc vận động thì họ tham gia rất tích cực, nhiệt tình, và ít xảy ra mâu thuẫn, khiếu kiện, vì thông qua sinh hoạt học tập, phát huy dân chủ, họ được kiến nghị, đề xuất tâm tư nguyện vọng chính đáng, và được cấp ủy Đảng trả lời, giải thích. Vì vậy, có thể nói tiến hành tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng sẽ góp phần tạo ra phong trào hành động cách mạng sôi nổi ở cơ sở. Đây cũng là giải pháp cực kỳ quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Ba là, tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể cần bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2003 của tỉnh để thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 xác định rõ: “Cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ nội lực, tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế – xã hội…”. Để biến các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2003 của tỉnh trở thành hiện thực, trước hết cần tập trung triển khai mạnh mẽ, sâu rộng công tác tuyên truyền cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động “Toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, từng nhà làm giàu cho mình, cho cộng đồng cơ sở và cho đất nước”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện quy chế dân chủ, cải cách thủ tục hành chính, tích cực tham gia phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; đấu tranh chống tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Tạo ra khí thế quần chúng thi đua rộng khắp, mạnh mẽ, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2003, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên mỗi lĩnh vực, nhằm phổ biến, giới thiệu và nhân rộng các mô hình mới trong việc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từ đó, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua phát triển theo hướng tích cực, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Định.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của công tác tư tưởng.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức công tác tư tưởng từ tỉnh đến cơ sở, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh hướng vào phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và mỗi địa phương, đơn vị. Muốn vậy, toàn Đảng phải làm công tác tư tưởng, mỗi đảng viên phải đi đầu trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, tập trung tuyên truyền những tiềm năng, thành tựu đã đạt được, đồng thời chỉ rõ một số mặt còn khó khăn, hạn chế về kinh tế – xã hội của tỉnh; khẳng định rõ những kết quả đạt được là rất cơ bản, thể hiện sự cố gắng lớn, quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở cơ sở, phối hợp đồng bộ giữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng của các đoàn thể chính trị – xã hội, với sự tác động tích cực của cả hệ thống chính trị và của các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy các phong trào thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2003.

Điều quan trọng trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2003, trước hết các cấp ủy Đảng phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tư tưởng, góp phần quan trọng đưa nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

H.N.Y

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công tác Tư pháp đã đồng hành với dân  (09/03/2003)
Nhớ lại cuộc trao trả tù binh 30 năm trước  (07/03/2003)
Khuyến học ở xã đảo Nhơn Châu  (06/03/2003)
Khi phụ nữ làm quản lý  (06/03/2003)
Họ tự nói về mình nhân ngày 8-3  (05/03/2003)
Trương Quang Trình - gắn mình với y tế cơ sở  (03/03/2003)
Chuyển biến mới ở một Đảng bộ yếu kém  (03/03/2003)
Từ 5/3, không hoàn tiền đặt cọc khi không tham gia đấu giá đất  (21/02/2003)
Mở lại đường bay Tuy Hòa - TP.HCM  (21/02/2003)
Nồng ấm Cù Lao Xanh  (03/03/2003)
Người quân y tận tụy  (21/02/2003)
Chính sách khuyến học, khuyến tài thời Tây Sơn và việc lập giải thưởng mang tên Quang Trung  (21/02/2003)
Lao động qua đào tạo: Nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng  (21/02/2003)
Khuyến học ở một dòng họ  (21/02/2003)
Những người “cõng chữ” lên non  (21/02/2003)