Phụ nữ tham gia xóa đói giảm nghèo:
“Đòn bẩy” cho các phong trào
17:54', 10/3/ 2003 (GMT+7)

Nhờ được vay vốn, PN xã Cát Tường (Phù Cát) đã phát triển nghề làm nón

Qua 10 năm (1992-2002) thực hiện chương trình phụ nữ (PN) tham gia xóa đói giảm nghèo (XĐGN), ở Bình Định đã có trên 390 ngàn lượt PN nghèo được giúp đỡ và trên 133.000 lượt PN nghèo vay vốn. Tỷ lệ hoàn trả vốn, lãi đạt 98% trở lên. 21.600 hộ PN thoát nghèo. Đây thực sự là “những con số biết nói” về hiệu quả của chương trình này....

Khơi nguồn lực sẵn có

Với phong trào “PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, các cấp Hội đã linh hoạt trong chỉ đạo, khơi dậy tiềm năng của từng địa phương. Cách thức giúp nhau cũng đa dạng: giống, vốn, ngày công và kinh nghiệm sản xuất; từ chỗ giúp nhau phát triển sản xuất đến giúp nhau cải thiện đời sống, mua sắm vật dụng, rồi giúp nhau cho con cái được học hành. 10 năm qua, đã có hơn 390 ngàn lượt PN nghèo được giúp đỡ, tổng số tiền gần 44 tỉ đồng, 15.256 chỉ vàng, 18.452.188 kg thóc, giống các loại… Trong đó, nổi lên một số điển hình tiêu biểu như chị Lê Thị Vi (Phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) cho 40 phụ nữ nghèo mượn 20 triệu đồng nhiều năm không lấy lãi; hay chị Đinh Thị Đương (người Hrê, xã An Vinh- An Lão) không những vươn lên thoát nghèo, mà còn giúp các chị em khác với 410 kg thóc giống, 8 chỉ vàng, 14 triệu đồng cùng nhiều heo, bò giống.

Mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm, tín dụng” ban đầu chỉ làm thí điểm ở hai xã Phước Hòa (Tuy Phước) và Tây Phú (Tây Sơn) nhưng do hiệu quả của mô hình, đã được chị em nhiệt tình hưởng ứng và nhanh chóng trở thành phong trào rộng lớn. Mỗi tổ tín dụng có quy mô 15- 30 người, mỗi chị gởi tiết kiệm từ 5.000-100.000 đồng/tháng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.639 nhóm, tổ; thu hút 90.975 PN tham gia với tổng số tiền trên 9 tỉ đồng. Khác với các tổ chức tín dụng, mô hình này của Hội mang những nét riêng của PN: linh hoạt và mềm dẻo. Vốn vay được chuyển trực tiếp đến tận tay chị em nghèo có nhu cầu, thủ tục hết sức đơn giản, lãi suất thấp, thông qua một tổ chức chặt chẽ, có quy chế rõ ràng. Bà Lê Thị Long, tổ trưởng tổ vay tín dụng khu vực 1, phường Thị Nại (Quy Nhơn) cho biết: “Tổ vay vốn của tôi gần mươi thành viên luôn trả nợ đúng hạn. Tùy hoàn cảnh từng gia đình mà tôi đề nghị thu vốn lẫn lãi hàng tháng hoặc trả một lần. Có khi trong nhà tôi có đến 5,6 con heo đất tiết kiệm của các chị em trong tổ. Hàng tháng họ tự bỏ vào đấy 100 nghìn đồng. Chỉ hai năm sau là hết nợ”.

“Vốn một lời mười”!

Việc xây dựng dự án (DA) và khai thác các nguồn vốn là một lĩnh vực mới và tương đối khó với cán bộ Hội cơ sở. Nhưng, có làm thì mới đến. Bắt đầu là xây dựng DA nuôi bò ở xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ) với 87 triệu đồng cho 43 chị vay; kế tiếp là triển khai DA tài trợ của phụ nữ cánh tả Thụy Điển 40 triệu đồng cho chị em vay nuôi heo tại An Nhơn. Sau một năm thực hiện, các DA đã có hiệu quả bước đầu. Từ đó, nguồn vốn trên được triển khai tiếp đến huyện, thành phố rồi lên các huyện miền núi; quay vòng theo chu kỳ sản xuất, hiệu quả trông thấy.

Trong những năm gần đây, các cấp Hội đã tăng cường khai thác nguồn vốn trong nước và quốc tế cho PN vay phát triển kinh tế gia đình như: tổ chức VSA (Tân Tây Lan), chương trình tái hòa nhập người hồi hương của tổ chức Consortium (CVN), DA chương trình an ninh thực phẩm… Tính đến nay, đã lập 1.052 DA tín chấp từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, cho 56.721 người vay với vốn lên đến trên 75 tỉ đồng. Đã có 90% xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiếp cận với các nguồn vốn, quay vòng hàng trăm tỉ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã chủ động đứng ra ký tín chấp hàng chục tỉ đồng với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Phục vụ người nghèo cho PN vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay nhiều địa phương có số dư lớn như An Nhơn: 24 tỉ đồng, Quy Nhơn: 27 tỉ, các xã Nhơn Phong, Nhơn Hưng (An Nhơn): 3 tỉ đồng. Các chị Lâm Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Ân Thạnh (Hoài Ân), Nguyễn Thị Hồng Hoa ở thôn Diêm Tiêu (thị trấn Phù Mỹ) đứng ra tín chấp cho hàng trăm hộ nghèo vay đầu tư sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đạt hiệu quả, tăng thu nhập và từng bước cải thiện cuộc sống gia đình.

Các cấp Hội có những quy định linh hoạt và phù hợp với các chị em nghèo. Mỗi món vay từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng trong một chu kỳ vay có thể hoàn trả dần theo khả năng mà chị em đã cam kết, không kể ít hay nhiều. Vì vậy, đồng vốn vay không trở thành gánh nặng hoặc món nợ chồng chất; trái lại, hàng ngàn người vay vốn có cơ may hoàn trả vốn bằng chính đồng tiền mình làm ra. Một số địa phương có tỷ lệ hoàn trả 100% là Hoài Nhơn, Hoài Ân, Quy Nhơn, Tuy Phước…

Giúp PN nghèo có địa chỉ: cách làm mới mẻ

Năm 2003, các cấp Hội sẽ triển khai thực hiện giúp PN nghèo có địa chỉ nhằm đưa phong trào đi vào chiều sâu. “Chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, trước hết là ở hai xã: Canh Vinh (Vân Canh) và Cát Hiệp (Phù Cát), những gia đình PN làm chủ hộ, xác định nhu cầu của chị em, để giúp đỡ có hiệu quả và đi vào chiều sâu”- chị Lê Thị Tuyết Sương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết.

XĐGN như vậy, đã thật sự trở thành cuộc vận động rộng lớn trong các tầng lớp PN, góp phần giảm đáng kể hộ nghèo đói. Không những vậy, chương trình này được xác định là chương trình mũi nhọn, đòn bẩy cho các chương trình khác. Thông qua nội dung lồng ghép với các chương trình khác, còn giúp chị em có thêm kiến thức, tổ chức tốt cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc; các cấp Hội cũng từng bước được đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, uy tín được nâng lên.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng  (10/03/2003)
Công tác Tư pháp đã đồng hành với dân  (09/03/2003)
Nhớ lại cuộc trao trả tù binh 30 năm trước  (07/03/2003)
Khuyến học ở xã đảo Nhơn Châu  (06/03/2003)
Khi phụ nữ làm quản lý  (06/03/2003)
Họ tự nói về mình nhân ngày 8-3  (05/03/2003)
Trương Quang Trình - gắn mình với y tế cơ sở  (03/03/2003)
Chuyển biến mới ở một Đảng bộ yếu kém  (03/03/2003)
Từ 5/3, không hoàn tiền đặt cọc khi không tham gia đấu giá đất  (21/02/2003)
Mở lại đường bay Tuy Hòa - TP.HCM  (21/02/2003)
Nồng ấm Cù Lao Xanh  (03/03/2003)
Người quân y tận tụy  (21/02/2003)
Chính sách khuyến học, khuyến tài thời Tây Sơn và việc lập giải thưởng mang tên Quang Trung  (21/02/2003)
Lao động qua đào tạo: Nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng  (21/02/2003)
Khuyến học ở một dòng họ  (21/02/2003)