Để tăng cường trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, tháo gỡ khó khăn do tai nạn, rủi ro để lại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15-2003/NĐ-CP trong đó có bắt buộc các loại xe gắn máy phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (BHTNDS). Hiện nay Bình Định đã có hơn 220.000 xe gắn máy (XGM) các loại, nhưng chỉ có khoảng 10.000 chiếc có mua BHTNDS. Điều này đã tạo ra một hệ quả xấu là đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra sau đó chủ phương tiện không thực hiện trách nhiệm bồi hoàn, do không còn khả năng. Vì sao ở Bình Định số XGM không mua BHTNDS lại nhiều đến như vậy ?
Cách đây chừng 7 năm Bình Định chỉ có 55.000 XGM các loại, trong đó có đến hơn 17.000 xe có BHTNDS. Đến nay, số lượng XGM ở Bình Định đã tăng lên trên 220.000 chiếc, nhưng số có mua BHTNDS lại giảm xuống chỉ còn ở mức 10.000 xe. Rõ ràng không ai muốn tai nạn giao thông xảy ra, và người ta cũng tránh nhắc đến nguy cơ xảy ra của nó, nhưng rủi ro là chuyện không thể lường trước và tìm cách hạn chế hậu quả là chuyện cần được chuẩn bị. Việc có quá ít chủ XGM tham gia BHTNDS là một hiện tượng không bình thường về mặt xã hội, báo trước nhiều hệ quả xấu khi có rủi ro xảy ra.
Ở nước ta, tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cho con người. Theo điều chỉnh của Bộ Tài chính, mức giá bảo hiểm cho XGM dưới 50 cm3 là 70.000đ/xe/năm, xe trên 50cm3 là 75.000đ/xe/năm. Mức phí này so với trước tăng lên 1,35 lần, nhưng mức trách nhiệm bồi hoàn lại tăng lên 2,5 lần. Với nguyên tắc cộng đồng rủi ro, cộng đồng trách nhiệm, khi rủi ro xảy ra, cơ quan bảo hiểm sẽ có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ bồi thường theo mức phí được xác định trên hợp đồng đã ký kết. Trách nhiệm dân sự ở đây được hiểu với nghĩa khá rộng, không chỉ gói trong phạm vi tai nạn và các thiệt hại của con người. Một ví dụ cụ thể : do rủi ro, xe của bạn tông vỡ một chiếc tivi, thiệt hại sẽ được cơ quan bảo hiểm chia sẻ với các mức trách nhiệm bồi thường đã được ghi rõ trên hợp đồng. Có thể nói rằng khi mua BHTNDS, người mua được nhiều hơn là mất , thế nhưng chưa thấy những lợi ích này, số người mua bảo hiểm vẫn cứ giảm dần.
Chị Lê Thu, nhà ở đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn), cho biết: “Tôi hiểu được các lợi ích của BHTNDS chỉ do tình cờ, tôi cũng đã thử hỏi nhiều người bạn và phần nhiều đều rất mù mờ về loại hình bảo hiểm này. Theo tôi, nếu khâu đưa thông tin đến với người tiêu dùng của Bảo Việt Bình Định được thực hiện tốt, số lượng người tham gia BHTNDS sẽ tăng lên nhiều chứ không phải ít ỏi như hiện nay”. Quả thật, rất ít người biết rằng bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba không chỉ có giá trị đối với các vụ tai nạn giao thông, mà còn được áp dụng cho nhiều trường hợp rủi ro khác. Rõ ràng chủ các XGM không được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về loại dịch vụ này.
Theo Nghị định 25–2003/NĐ-CP, nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ có thêm nhiều điều kiện để đưa BHTNDS đến với người tiêu dùng. Dự tính chậm lắm là đến tháng 4-2003, cảnh sát giao thông khi tiến hành kiểm tra giấy tờ xe sẽ yêu cầu xuất trình chứng nhận BHTNDS. Quy định mới của Chính phủ một mặt là để tăng cường trách nhiệm đảm bảo an toàn của người điều khiển phương tiện, đồng thời cũng nhằm xây dựng trước một khoản đền bù, để tháo gỡ các khó khăn về tài chính cho chủ xe lẫn người bị nạn. Ông Lê Văn Định, Giám đốc Bảo Việt Bình Định, cho biết: “Chúng tôi tăng cường quảng cáo trên Báo Bình Định, Đài PTTH Bình Định, nhân viên của chúng tôi cũng đã tỏa về các khu dân cư để phổ biến quy định mới của Nhà nước. Chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của hệ thống các đại lý bảo hiểm nhân thọ của BHNT Bình Định... Song nhiều người vẫn nghĩ bảo hiểm trách nhiệm dân sự XGM chỉ có giá trị trong những vụ tai nạn giao thông, thật ra như vậy là chưa đầy đủ. Ví dụ: do lạc tay lái, xe máy của bạn tông vỡ một chiếc tivi, chiếc tivi này sẽ được Bảo Việt bồi thường. Sắp tới chúng tôi sẽ điều chỉnh công tác truyền thông và đặt vấn đề phối hợp làm việc với ngành Công an để tổ chức thực hiện tốt hơn những gì mà Nghị định 15/2003/NĐ-CP quy định”.
. Đông A |