Trước đây, người dân quê tôi quanh năm chăm bẳm với cuốc cày ruộng vườn chỉ mong sao mưa thuận gió hòa để làm ra nhiều ngô khoai, thóc gạo. Nhưng ngày nay, họ còn có mong ước lớn hơn – đó là lo cho con cái ăn học thành danh, lập nghiệp, đổi đời bằng tri thức. Bởi thế mà ngày càng có nhiều hộ nông dân dù cực nhọc nhưng cũng cố gắng lo cho con vào đại học. Gia đình chú Hồ Quí ở thôn Thế Thạnh II, xã Ân Thạnh (Hoài Ân) là một trường hợp.
Chú Hồ Quí làm nghề nông, nuôi bốn người con và một cháu mồ côi. Trong những năm 90, kinh tế gia đình chú rất chật vật, mọi chi tiêu trong nhà và lo cho con cháu ăn học đều nhờ vào chiếc xe ben và mấy sào ruộng khoán. Năm 1996, người con trai lớn của chú Quí là Hồ Công Thoại - đậu vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Kế tiếp năm sau, người con thứ hai – Hồ Công Đạt cũng thi đậu vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội như anh trai. Tiền nộp học phí, trang trải cho các con quá lớn, chú Quí phải bán chiếc xe là phương tiện sinh sống, cũng là vật có giá nhất trong gia đình. Đồng thời chú cũng tập trung sức vào làm kinh tế vườn. Trên 9 sào đất, chú đầu tư trồng tiêu, cây ăn quả và mía để ép bán nước. Còn vợ chú – cô Đặng Thị Thu – là thương binh hạng 3/4, tuy đôi chân khập khiễng nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, cô đều đạp xe lên chợ Mộc Bài, tần tảo buôn bán để kiếm tiền dành dụm gửi cho các con. Năm 1999, người con trai thứ ba của chú – Hồ Quang Tuấn đậu vào ngành Hóa Dầu ở ĐHSP Quy Nhơn. Đây cũng chính là thời điểm người con trai lớn ra Hà Nội học năm cuối để làm luận án tốt nghiệp. Chú Quí phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà con nội ngoại và vay thêm tiền ngân hàng để “đầu tư” cho chất xám, rồi làm lụng trả dần.
Năm 2000, Hồ Công Thoại đã tốt nghiệp ra trường, hiện là Phó quản đốc ở một công ty. Còn Hồ Công Đạt cũng đã ra trường năm 2001 – làm kỹ thuật viên cho một công ty khác. Cả 2 anh đều đang ở thành phố. Mới mùa tuyển sinh năm 2002-2003, con trai út của chú Quí là Hồ Quang Vinh cũng đã đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định. Chú Quí không chỉ lo cho bốn người con của mình ăn học thành đạt mà còn cưu mang, lo lắng cho anh Hồ Văn Phi – người cháu mồ côi từ năm mới 2 tuổi - ăn học thành danh. Hiện nay, anh Phi là giảng viên của trường ĐHSP Quy Nhơn và đang chuẩn bị làm luận án thạc sĩ ở Hà Nội.
Chuyện trò cùng vợ chồng chú Quí, tôi không nghe lời than vãn nào, mà chỉ thấy nét cười rạng rỡ đầy mãn nguyện. Chú chỉ gian nhà gạch xây còn lở dở, cửa ngõ trống trơn, tươi cười nói: “Tập trung lo cho mấy đứa nhỏ ăn học nên nhà cửa chưa đâu vào đâu. Ráng vài năm nữa anh em nó ổn định, mỗi đứa xúm vào một tay xây cho xong”. Chú Quí còn chỉ vào chiếc ti vi đa hệ khá đẹp, vui vẻ “khoe”: “Của hai đứa nhỏ ở Quy Nhơn mới mua cho”. Tôi hỏi từ trước đến giờ, chú chưa có ti vi sao? Chú cười: “Có, nhưng hồi kẹt tiền gửi cho lũ nhỏ nên bán mất”. Thật cao quý thay tấm lòng của những người cha người mẹ dành cho các con. Họ chấp nhận khổ sở, thiệt thòi về mình để cho thế hệ con cái bằng bạn bằng bè, lập thân và giúp ích xã hội.