Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2003)
35 năm - một chặng đường khó quên
11:3', 14/3/ 2003 (GMT+7)

Cách đây 35 năm (15-03-1968) giữa lúc tiếng súng cuộc tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân miền Nam đang vang lên trên khắp chiến trường, tại một vùng chiến khu cách mạng - trên Ngọn Đồi Chè, thuộc xã Cát Sơn, huyện Phù Cát - Đội Chiếu bóng đầu tiên của tỉnh Bình Định được thành lập. 35 năm, qua nhiều lần đổi tên, qua bao thăng trầm, ngành Điện ảnh Chiếu bóng tỉnh vẫn liên tục phát triển, thực hiện nhiệm vụ là người lính xung kích trên mặt trận  tư tưởng văn hóa.

Lúc mới thành lập, Đội có 5 người do đồng chí Phạm Tuân làm Đội trưởng, trang bị đơn sơ, gồm 1 máy chiếu phim 16 ly, 1 máy nổ, 1 loa đã cũ kỹ đưa từ miền Bắc vào. Ngay sau khi thành lập, Đội đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, ngày đêm băng rừng, vượt suối, gùi cõng máy móc, phim ảnh, bám sát trận địa, đến cả những vùng giáp ranh, vùng tranh chấp phục vụ, động viên kịp thời đồng bào và chiến sĩ, chiến đấu, phục vụ chiến đấu giải phóng quê hương. Các bộ phim "Kim Đồng", "Nổi Gió" sau khi trình chiếu đã góp phần động viên, hun đúc tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Có những buổi chiếu được tổ chức vội vàng giữa hai trận đánh, giữa những loạt pháo kích xé trời. Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ này, Đội Chiếu bóng vừa chiếu phim phục vụ chiến sĩ và đồng bào, vừa lao động sản xuất để tự nuôi sống mình. Kết thúc chiến tranh, có người đã vĩnh viễn nằm xuống, có người đã trở thành thương – bệnh binh, nhưng đó là những năm tháng không thể nào quên, và họ được xem là những người đặt nền móng đầu tiên cho ngành Điện ảnh Chiếu bóng cách mạng của tỉnh nhà.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngày 9-3-1976, cơ quan Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghĩa Bình được thành lập trên cơ sở sát nhập các cơ sở chiếu bóng của hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Nhiệm vụ mới được đặt ra là vừa phải phục vụ các nhiệm vụ chính trị, vừa phải kinh doanh có lãi để phát triển sự nghiệp của ngành. Không còn nữa cảnh “mưa bom, bão đạn”, nhưng người làm công tác chiếu bóng lại phải đương đầu với khó khăn mới không kém phần gay go, ác liệt. Có những lúc do nhận thức chưa thấu đáo nên ngành Phát hành phim Chiếu bóng bị chia cắt manh mún, tỉnh đi đàng tỉnh, huyện đi đàng huyện (1979 – 1989) để đến sau này phải tốn nhiều thời gian, công sức mới quy được về một mối. Có những năm nguồn phim thiếu hụt như “lá mùa thu” khiến cán bộ khai thác vất vả mọi bề mà vẫn không thoát khỏi cảnh “ăn đong”. Nhưng vượt qua tất cả, toàn ngành vẫn vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ, doanh thu năm sau cao hơn năm trước (có một số năm thu 2-3 tỉ đồng). Qua đó, ngành đã đầu tư trang thiết bị và nâng cấp nhiều cơ sở chiếu bóng khang trang.

Năm 1989, cùng với việc chia tách tỉnh, ngành Chiếu bóng cũng chia đôi, một nửa về Quảng Ngãi, nửa còn lại được củng cố với tên gọi mới là Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định sau đó gọi là Công ty Điện ảnh - Băng hình Bình Định cho đến ngày nay.

Những năm đầu 90 chuyển qua cơ chế thị trường, do chưa chuẩn bị kỹ, Công ty rơi vào những khó khăn mới, tưởng không gượng lại được. Các phương tiện nghe nhìn tăng nhanh; tệ ăn cắp bản quyền, sử dụng băng ngoài luồng phổ biến khiến lượng người xem đến rạp giảm đến chóng mặt. Trước những khó khăn đó, ngày 17-7-1995 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 48/CP tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của điện ảnh trong đời sống xã hội và định hướng tổ chức, hoạt động của điện ảnh trong cơ chế mới. Qua đó, ngân sách tỉnh đã tài trợ giúp cho Công ty có điều kiện đi chiếu bóng lưu động phục vụ nhân dân miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa - những nơi đời sống văn hóa còn thiếu thốn. Năm 2002, Công ty đã tổ chức 2.897 buổi chiếu, phục vụ cho hơn 309 ngàn lượt người xem, trong đó có 2.133 buổi chiếu ở miền núi, hải đảo, phục vụ cho 247 ngàn lượt người xem. Những năm trước đó cũng xấp xỉ như vậy, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh của công chúng. Công ty đặc biệt quan tâm đến đối tượng thiếu nhi; hàng năm tổ chức các đợt phim hè, chiếu phim thiếu nhi phục vụ miễn phí cho các em trong suốt 3 tháng (từ  tháng 6 đến tháng 8). Kết thúc đợt phim là hội thi kể chuyện và vẽ theo phim hoặc hội thi tìm hiểu điện ảnh trong thiếu nhi, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức thẩm mỹ về nghệ thuật điện ảnh cho các em.

Ngoài công tác chiếu bóng, Công ty còn mở ra các hoạt động mới như in, phát hành băng video (mỗi năm cung cấp hàng chục ngàn băng hình); các dịch vụ karaoke, khách sạn, nhà hàng… góp phần tăng nguồn thu, nuôi bộ máy và tiếp tục đầu tư phát triển. Nhờ vậy đến nay, Công ty vẫn giữ được đội ngũ 110 người, hoạt động ở 16 đơn vị chiếu bóng, 4 phòng nghiệp vụ, 1 trung tâm dịch vụ điện ảnh. Đời sống cán bộ, CNVC ổn định và ngày càng được cải thiện.

Ngoài ra, Công ty cũng có nhiều cố gắng thực hiện công tác xã hội; đã vận động đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng 7 nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng suốt đời 3 mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ cho Quỹ tuổi thơ, giúp đỡ học sinh giỏi, lớp học tình thương. Công ty còn đặc biệt chú trọng  xây dựng hệ thống chính trị trong cơ quan; nhiều năm liền đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh, công đoàn  cơ sở vững mạnh.

35 năm qua được xem là một chặng đường gian khổ nhưng vinh quang của những  người làm công tác điện ảnh tỉnh nhà. Chặng đường tiếp theo sẽ ra sao, tiến bộ hay thụt lùi? Hẳn đó là những suy tư trăn trở của những người quan tâm, nhất là những người trong cuộc. Và điều đó đang đặt ra yêu cầu phấn đấu rất lớn của những người làm công tác điện ảnh tỉnh nhà nếu muốn giữ vững truyền thống tốt đẹp.

. Ngọc Minh

 

Những phần thưởng cao quý

Qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty Điện ảnh - Băng hình Bình Định đã nhận được những phần thưởng cao quý:

- Huân chương giải phóng hạng ba (1973)

- Huân chương lao động hạng ba (1979)

- Huân chương lao động hạng nhì (1991)

- Cờ thi đua của Chính phủ (2002)

- Cờ thi đua của Bộ Văn hóa Thông tin 3 năm liền: 1991-1992-1993 (đơn vị dẫn đầu của ngành Điện ảnh cả nước).

- Cờ thi đua của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (1991).

Và nhiều bằng khen của các cấp.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lực lượng vũ trang Bình Định trước nhiệm vụ quân sự - quốc phòng năm 2003  (13/03/2003)
Những kinh nghiệm bước đầu  (12/03/2003)
Một gia đình nông dân hiếu học  (11/03/2003)
Đội thông tin lưu động trong nỗ lực đưa thông tin về cơ sở  (11/03/2003)
Tình quân dân dưới chân tháp Bánh Ít  (11/03/2003)
Niềm vui từ những ngôi nhà mới của người nghèo  (11/03/2003)
Khi đã trở thành quy định bắt buộc  (10/03/2003)
“Đòn bẩy” cho các phong trào  (10/03/2003)
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng  (10/03/2003)
Công tác Tư pháp đã đồng hành với dân  (09/03/2003)
Nhớ lại cuộc trao trả tù binh 30 năm trước  (07/03/2003)
Khuyến học ở xã đảo Nhơn Châu  (06/03/2003)
Khi phụ nữ làm quản lý  (06/03/2003)
Họ tự nói về mình nhân ngày 8-3  (05/03/2003)
Trương Quang Trình - gắn mình với y tế cơ sở  (03/03/2003)