|
Rạp chiếu phim 31-3 Quy Nhơn |
Ngành điện ảnh (ĐA) Bình Định đã có 35 năm xây dựng và phát triển. Kỷ niệm chặng đường 35 năm ấy, đâu chỉ là dịp để tưởng thưởng những thành tựu đã qua, quan trọng hơn là nhìn về tương lai với cái nhìn trách nhiệm. Cuộc trao đổi dưới đây của chúng tôi với ông Nguyễn Hải Lan, Giám đốc Công ty Điện ảnh - Băng hình Bình Định, cũng với tâm niệm như vậy.
- Có một mảng hoạt động rất quan trọng, đó là đưa ĐA đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tới đây, hoạt động này có còn tiếp tục quan tâm nữa không, thưa ông?
+ Đưa hoạt động chiếu bóng, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân vùng sâu, vùng xa là một trong những mục tiêu hàng đầu của hoạt động chiếu bóng hiện nay. Công ty đã chỉ đạo các đội tăng cường phục vụ với phương châm sâu, rộng, đều khắp, xóa điểm trắng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân. Các đội phục vụ trung bình khoảng 2.000 - 3.000 buổi chiếu/năm. Có những buổi chiếu với 2- 3 phim liên tục, kéo dài từ 8h tối đến 1 - 2h sáng hôm sau, nhân dân địa phương đến xem rất đông, háo hức. Có thể khẳng định: chiếu bóng hiện vẫn là một nhu cầu không thể thiếu với người dân vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, hiện nay, trang thiết bị của các đội vẫn còn hạn chế, nhất là các xã đảo hiện vẫn chưa có đầu phóng 100 inch… Thời gian tới, trong mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người xem, Công ty sẽ liên hệ với Trung tâm Văn hóa - Thông tin các huyện, để tăng cường hoạt động các đội và xây dựng kế hoạch phục vụ cho từng xã, từng điểm một cách thật cụ thể.
- Trở lại với hoạt động của các rạp chiếu bóng, nhiều người xem phim vẫn nhận xét rằng: phim Việt Nam chiếu ở các rạp vừa ít, lại vừa chậm. Ông giải thích về thực trạng này như thế nào?
+ Đó là một thực tế và cũng đang là trăn trở của chúng tôi lâu nay. Theo Nghị định 48/CP thì 50% phim chiếu ở các rạp là phim Việt Nam. Đây cũng là một mục tiêu nhằm chấn hưng ngành ĐA. Nhưng hiện nay, Công ty chúng tôi lại không có phim Việt Nam để chiếu. Nguồn phim của Công ty hiện phụ thuộc vào Fafilm Việt Nam, do Fafilm Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, kinh phí sản xuất phim lớn, đầu tư tốn kém, nhà sản xuất khi phát hành đều phải tính toán sao cho thu hồi được vốn và có lãi. Do vậy, chỉ sau khi chiếu xong ở các thành phố lớn, có nhiều khán giả, các nhà sản xuất mới phát hành ở các tỉnh, thành phố khác. Phim Việt Nam về Bình Định chậm so với một số thành phố lớn là do vậy.
|
Các diễn viên điện ảnh đang giao lưu cùng khán giả Bình Định |
Gần đây, chúng tôi đã mạnh dạn khai thác thêm nguồn phim, ký hợp đồng với Công ty ĐA thành phố Hồ Chí Minh, Hãng Cinenet- Hà Nội để tìm thêm được một số phim và đây đều là những phim có doanh thu khá. Thời gian tới, hoạt động này sẽ tiếp tục được tăng cường.
- Để kéo khán giả đến rạp, bên cạnh nguồn phim, phải là những trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người xem. Về vấn đề này, ngành ĐA có những dự định gì, thưa ông?
+ Đầu tư nâng cấp về trang thiết bị kỹ thuật, các rạp chiếu bóng là mong muốn của những người làm ĐA chúng tôi. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của ngân sách tỉnh, chúng tôi đã đầu tư nâng cấp 3 rạp chiếu bóng, đồng thời đưa vào sử dụng một bộ máy chiếu phim nhựa, âm thanh nổi tại rạp 31-3 (thành phố Quy Nhơn). Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng nâng cấp dần tùy theo điều kiện tài chính cho phép.
- Để tiếp tục đưa ĐA Bình Định phát triển thêm những bước mới, thời gian tới Công ty sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
+ Trước hết là phải củng cố và tăng cường công tác tổ chức, quản lý ngành để phù hợp với điều kiện và cơ chế hiện nay của hoạt động ĐA. Tăng cường cải tạo và nâng cấp một số cơ sở vật chất, tích lũy để tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị. Khai thác các nguồn phim, nhất là phim nhựa, để tiếp tục đáp ứng nhu cầu người xem, kéo người xem đến rạp. Ngoài việc tuyên truyền, quảng cáo cho phim mới ở các rạp như hiện nay, còn phải tích cực tuyên truyền ở liên đội chiếu bóng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân.
- Xin cảm ơn ông.
. Lê Viết Thọ |