Kỷ niệm 90 năm ngày lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám hy sinh (1913-2003):
Cụ Đề Thám – một con người ra con người
19:15', 17/3/ 2003 (GMT+7)

Cụ Hoàng Hoa Thám

Khởi nghĩa Yên Thế là một trong những cuộc khởi nghĩa chống Pháp vĩ đại của nông dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Linh hồn của cuộc khởi nghĩa là lãnh tụ Hoàng Hoa Thám.

Do hoàn cảnh lịch sử nên những tư liệu về Cụ Hoàng không nhiều. Thậm chí, ngay cả việc xác định ngày - tháng - năm sinh, năm mất của Cụ Hoàng cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, theo hồi ký của bà Hoàng Thị Thế (con gái Cụ Hoàng), thì Cụ sinh năm 1846 (không rõ ngày, tháng) tại Sơn Tây. Cụ Hoàng vốn gốc họ Trương, tên thật là Trương Nghĩa, nhưng sau không hiểu vì lý do gì Cụ đổi tên thành Hoàng Hoa Thám (?). Nghĩa quân Yên Thế và nhân dân kính trọng gọi là Cụ Đề Thám, hoặc Cụ Đề. Sinh trưởng tại Sơn Tây, nhưng quê hương của Cụ Đề Thám chính là ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Lớn lên, Hoàng Hoa Thám theo gia đình lên sống và lập nghiệp ở Nhã Nam, Yên Thế.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh “đất nước điêu linh, dân tình khốn khổ” vì sự áp bức của thực dân Pháp và bè lũ phong kiến, Hoàng Hoa Thám đã nung nấu ý chí căm thù giặc sâu sắc. Ông âm thầm chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ chống Pháp ở Phồn Xương – Bắc Giang. Khoảng đầu năm 1887, phong trào khởi nghĩa Yên Thế bắt đầu bùng phát rồi dần dần lan rộng ra khắp các tỉnh khu vực phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên… Dựa vào địa hình hiểm trở của vùng rừng núi cùng với sự chỉ huy mưu mẹo, tài tình của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân Yên Thế đã nhiều phen làm cho kẻ địch phải “bạt vía, kinh hồn”, mất ăn, mất ngủ. Bấy giờ, ở trong dân gian từng lưu truyền câu ca dao “Đất này là đất Cụ Đề/Tây lên thì có, Tây về thì không”. Riêng Cụ Đề Thám thì được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”. Không ít cựu binh Pháp mấy chục năm sau đó vẫn không quên được cảm giác sợ hãi khi đối mặt trước nghĩa quân của Cụ Đề Thám. Một cựu binh Pháp nhớ lại: “Mỗi khi quân lính của chúng tôi bị thương ở cánh tay phải thì biết ngay rằng đó là do Đề Thám bắn. Ông ta có kiểu bắn như vậy, trúng vô cùng. Nàng ba (Bà Ba – Vợ Đề Thám) của ông ta cũng thế. Lính khố đỏ, khố xanh, lính dõng hễ họ nhận ra rằng đấy là Đề Thám với nàng vợ Ba, tức thì họ đều bắn chỉ thiên ráo cả. Khi chúng tôi ra lệnh thì họ lấm lét nhìn chúng tôi. Và khi chúng tôi buộc họ phải tuân lệnh thì họ bỏ trốn, vợi mất một nửa số quân. Như vậy, anh muốn ta thắng sao được Hoàng Hoa Thám?”. Một cựu binh khác thì thú nhận: “Đề Thám bao giờ cũng là một người nhiều kinh nghiệm. Ông ta có cách làm cho mọi người nhận ra ông ta. Và khi lính bản xứ biết là gặp Đề Thám, thì kẻ run sợ, kẻ lại bỏ trốn. Thế là phần thắng vào tay Đề Thám một cách tự nhiên”.

Các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế

Trước ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế, sau nhiều lần hoà hoãn, ngày 29-1-1909, thực dân Pháp quyết định mở một đợt tấn công quy mô lớn vào khu căn cứ Nhã Nam – Yên Thế. Mưu đồ trên được chúng chuẩn bị từ trước. Kế hoạch, ngày giờ tấn công do đích thân Toàn quyền Đông Dương P. Doumer và tướng Geil, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ chọn. Chiến dịch được thực dân Pháp chia làm 3 giai đoạn: từ 29-1-1909 đến 28-2-1910. Khi đó nghĩa quân Yên Thế chỉ có khoảng 200 tay súng thiện chiến (loại súng 1874 và 1886), còn lại là giáo, mác… Bộ chỉ huy, ngoài Đề Thám còn có một số tướng giỏi như Cả Rinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh và bà Ba. Biết trước âm mưu của địch, Đề Thám cho nghĩa quân rút lui an toàn về Chợ Gồ – nơi đại bản doanh cũ của mình. Với lối đánh du kích biến hoá, khi ở trên núi, khi xuống đồng bằng, thoắt ẩn, thoắt hiện, nghĩa quân Yên Thế đã chiến đấu ngoan cường và cầm cự với địch suốt 13 tháng trời, đồng thời làm cho địch phải hao binh, tổn tướng. Cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế kéo dài suốt 26 năm ròng rã và kết thúc vào năm 1913, khi Đề Thám bị địch sát hại.

Khoảng cuối mùa xuân năm 1913, Cụ Hoàng Hoa Thám bị một số tên Hán gian tay sai của thực dân Pháp sát hại dã man. Chúng đem đầu ông bêu ở chợ Nhã Nam hòng uy hiếp tinh thần của nghĩa quân Yên Thế và nhân dân. Song, hành động đê hèn của chúng đã không khuất phục được ý chí của nghĩa quân Yên Thế. Ngược lại, đối với nhân dân, Cụ Đề Thám không bao giờ chết. Người dân Việt Nam không tin chuyện Cụ Đề bị “bêu đầu” mà thực dân Pháp rêu rao. Theo lưu truyền của dân gian, khi bọn Pháp bao vây, đốt lửa hòng bắt sống Cụ Đề, thì bỗng mây đen kéo nghìn nghịt và trời đổ mưa như trút nước. Sáng hôm sau, người ta thấy giặc nằm chết la liệt, còn Cụ Đề thì biến mất. Thì ra đêm đó, lợi dụng cơn mưa, Cụ Đề cùng những người cận vệ đã lấy quần áo của giặc, cải trang và thoát khỏi vòng vây của chúng. (!?). Và còn vô vàn truyền thuyết, giai thoại về Cụ Đề Thám, về nghĩa quân Yên Thế lưu truyền trong dân gian.

Câu chuyện về Cụ Đề Thám thoát khỏi vòng vây của giặc thực hư như thế nào không rõ (?) nhưng qua đó có thể thấy rõ tình cảm của nhân dân ta dành cho Cụ Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế ra sao. Không chỉ có vậy mà ngay cả lực lượng đối nghịch cũng tỏ ra kính nể Cụ Hoàng Hoa Thám. Theo Hồi ký của bà Hoàng Thị Thế, trong thời gian sống ở Pháp, một lần, chính Tổng thống Pháp P. Doumer, cựu Toàn quyền Đông Dương đã phải thừa nhận: “Không có lòng độ lượng của cha cô (Đề Thám) thì Galliéni (một vị tướng lẫy lừng của Pháp), không thể cứu được Paris…Ông Đề Thám đã vượt hơn hẳn chúng tôi. Ông ta bị gọi là giặc nhưng chính ông ta lại là người thượng võ…Đề Thám đúng là một con người ra con người.”. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất ngưỡng mộ Cụ Hoàng Hoa Thám. Sinh thời, Bác từng viết một vở kịch về Hoàng Hoa Thám và đích thân Người đã thủ vai Đề Thám.

90 năm đã trôi qua kể từ ngày Cụ Hoàng Hoa Thám qua đời. Gần 1 thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử. Song, oai linh của Cụ Đề Thám - một con người ra con người và tinh thần của cuộc khởi nghĩa Yên Thế vẫn bất diệt. Và, những huyền thoại, truyền thuyết về Cụ Đề, về các nghĩa sĩ của Cụ sẽ sống mãi trong lòng của nhân dân.

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chung một tấm lòng  (17/03/2003)
Thế trận ở lòng dân  (17/03/2003)
Đảng bộ vững mạnh, lãnh đạo các phong trào đạt hiệu quả  (17/03/2003)
Có anh Bình khu vực bình yên  (17/03/2003)
Những chuyển biến bước đầu  (16/03/2003)
Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người xem  (14/03/2003)
35 năm - một chặng đường khó quên  (14/03/2003)
Lực lượng vũ trang Bình Định trước nhiệm vụ quân sự - quốc phòng năm 2003  (13/03/2003)
Những kinh nghiệm bước đầu  (12/03/2003)
Một gia đình nông dân hiếu học  (11/03/2003)
Đội thông tin lưu động trong nỗ lực đưa thông tin về cơ sở  (11/03/2003)
Tình quân dân dưới chân tháp Bánh Ít  (11/03/2003)
Niềm vui từ những ngôi nhà mới của người nghèo  (11/03/2003)
Khi đã trở thành quy định bắt buộc  (10/03/2003)
“Đòn bẩy” cho các phong trào  (10/03/2003)