Một ngày nọ, bệnh nhân Nguyễn Văn Thịnh lợi dụng lúc không có ai quản lý đã lẻn xuống nhà
|
Các bệnh nhân của Trung tâm đang lao động |
bếp, đánh cô cấp dưỡng Lê Thị Vinh một trận thừa sống thiếu chết, sau đó Thịnh còn dùng dao để… cắt cổ cô Vinh, may là lúc đó có người phát hiện đã kịp thời ngăn Thịnh lại và đưa cô Vinh đi cấp cứu.
Đó là một trong “những chuyện thường ngày” xảy ra tại Trung tâm Tâm thần Bình Định (TTTTBĐ).
Có một nơi như thế…
TTTTBĐ thuộc địa phận xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, ra đời vào năm 1979 và chính thức đi vào hoạt động năm 1980. Đó là nơi quản lý, điều dưỡng những con người bị bệnh tâm thần phân liệt. Họ là những người bị gia đình ruồng bỏ, cộng đồng xã hội xa lánh. Trước khi vào đây, cuộc đời của mỗi bệnh nhân là một bi kịch, họ có thể là một anh kỹ sư, một giáo viên, một nhân viên nhà nước, vì áp lực công việc, vì một cú sốc, một biến cố trong gia đình, trong cuộc sống… đã biến họ từ những con người bình thường trở thành bất bình thường, lúc tỉnh khi mê. Không ít người trong số họ đã có “tiền án” mà họ gây ra trong sự vô thức. Họ đã được đưa vào TTTTBĐ quản lý, điều dưỡng để rồi đợi ngày được trở về với cộng đồng bằng sự nguyên vẹn tinh khôi mà vốn dĩ họ đã có.
Năm 1995, TTTTBĐ được sự đầu tư của Bộ LĐTB&XH nâng cấp lên thành một trung tâm lớn, cơ sở hạ tầng được xây dựng lại, khang trang hơn, qui mô hơn để thay cho cơ sở cũ đã xuống cấp. Trang thiết bị, nhân sự được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu bệnh nhân ngày càng tăng. Từ con số chưa tới 20 bệnh nhân ở những năm đầu thành lập, hiện nay trung tâm đang quản lý và điều dưỡng cho 184 bệnh nhân (BN). Có thể nói nơi đây là “ngôi nhà đặc biệt” dành riêng cho những con người đặc biệt. Nếu có dịp vào thăm nơi đây, bạn sẽ thấy được phần nào cái “đặc biệt” đó.
Những con người lúc tỉnh thì hiền như cây cỏ, lúc mê thì trở thành mối hiểm họa cho bất cứ ai. Cách đây không lâu, BN Nguyễn Hữu Tuân đã thoát ra khỏi sự quản lý của nhân viên, rồi leo lên mái nhà dùng cây, gạch đá ném vào đầu những người bên dưới, sau đó Tuân còn ném bể kính khu nhà làm việc. Theo ông Nguyễn Quỳnh, Giám đốc trung tâm: “Hiện nay trung tâm có tất cả 19 cán bộ nhân viên, với con số ấy, bình quân mỗi người phải quản lý hơn 18 BN tâm thần phân liệt. Họ đều là những đối tượng đã gây án và có khả năng gây án, như thế đủ để thấy khó khăn thế nào?”
Nơi thắp sáng những tâm hồn
Thật không có gì là quá “khoa ngôn” khi nói: mỗi nhân viên ở trung tâm là một người cha, người mẹ hiền, thậm chí còn hơn thế nữa. Hầu hết những BN nơi đây là các đối tượng thu gom trong toàn tỉnh và cả những tỉnh khác, nhiều người không có thân nhân, hoặc có nhưng gia đình đã từ bỏ, né tránh. Những nhân viên ở trung tâm vừa là thầy thuốc chăm sóc cho con bệnh, vừa là cha mẹ với tấm lòng độ lượng bao dung sẵn sàng chia sẻ với những diễn biến tâm tư tình cảm và cả những hành động rồ dại của BN.
Anh Phương Nhật Thảo, y tá của trung tâm kể: “Nhiều lần BN, vốn ghét uống thuốc, nhằm lúc tôi sơ ý đã tấn công vào phòng, đánh tôi túi bụi rồi đập phá tủ thuốc, hoặc khi anh em chúng tôi đang đi bị các BN tấn công từ phía sau…” Còn vợ của anh Thảo là chị Huỳnh Thị V, cũng là nhân viên trung tâm, cho biết: “Ngày em mới về trung tâm là một cô gái chưa chồng phải chứng kiến cảnh các BN nam trần như nhộng đi qua, đi lại, em như muốn độn thổ luôn, nhưng rồi với suy nghĩ họ là những con bệnh nên em mới hết mắc cỡ và yên tâm công tác…” Như thế cũng chưa hết. Nơi đây có những BN bị bệnh rối loạn tình dục, luôn tìm cách tấn công các nhân viên nữ hoặc leo qua bờ tường để sang khu dành cho các BN nữ. Nhân viên phải luôn “để mắt” tới các đối tượng này chứ không thì hậu quả xảy ra thật khó lường.
Chuyện các nhân viên ở trung tâm này bị “sứt đầu mẻ trán” gần như là chuyện thường ngày. Có khi nào anh cảm thấy quá ngán với công việc nơi đây? Nghe tôi hỏi, anh Thảo cười: “Anh cứ nhìn những con người kia rồi tôi sẽ trả lời câu hỏi của anh”. Theo hướng tay anh chỉ, tôi thấy 2 BN đang ngồi đánh cờ tướng với nhau, bên cạnh đó là một người đang quét nhà. Cùng lúc đó một bệnh nhân chạy đến bên Thảo xoa xoa 2 tay vào nhau cười: “Anh Thảo! Anh Thảo! Em tưới rau xong rồi!”. Thảo bảo người BN đó về phòng nghỉ và quay sang tôi: “Tôi chẳng phải là người có tấm lòng Bồ Tát, nhưng tôi yêu công việc của mình, tôi cảm thông với những gì mà những số phận con người kia gánh chịu, anh thử nghĩ nếu ai cũng quay lưng với những con người này thì xã hội sẽ ra sao? Số phận của họ sẽ đến đâu ?”
Thực chất, dù những nhân viên ở đây không nói ra, nhưng tôi hiểu rằng: Công việc của họ đã góp một phần không nhỏ vào việc giữ gìn trật tự, an ninh xã hội. Để sống, làm việc giữa những mảnh đời lúc tỉnh, khi mê ấy, họ phải thực sự có một tấm lòng độ lượng, bao dung và tràn đầy nhiệt huyết với công việc, với xã hội. Trong công việc cao cả và thầm lặng ấy, họ rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng, của những con người cũng tràn đầy tình yêu thương con người.
. Công Tâm |