Tuy Phước - điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài
17:16', 18/3/ 2003 (GMT+7)

Về công tác tại huyện Tuy Phước, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được biết nơi đây là mảnh đất có bề dày truyền thống hiếu học từ xa xưa; là cái nôi sản sinh ra những con người nổi tiếng trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… Để có được những thành tích đó, đầu tiên phải kể đến sự đóng góp đáng kể của phong trào khuyến học, khuyến tài nơi đây. Hội khuyến học huyện được thành lập từ rất sớm và phát triển rộng khắp đến các xã, thị trấn, thôn, dòng họ… Đến nay, toàn huyện đã có 12/14 xã, thị trấn thành lập được Hội khuyến học, 56/100 thôn, 9 cơ quan và 2 chi hội dòng họ thành lập được chi hội.

Những năm gần đây, Tuy Phước đã có những bước đi tích cực, vận động toàn dân tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài; xây dựng chương trình hành động cụ thể, tập hợp đông đảo người dân tham gia ủng hộ nguồn, vật lực cho quỹ khuyến học của huyện. Theo báo cáo của Hội khuyến học huyện, hiện nay, số hội viên ở 12 xã, thị trấn là 3.006 hội viên, cộng với 114 hội viên cấp huyện, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 3.120 hội viên. Thời gian qua, Hội khuyến học huyện đã trích quỹ hội để ủng hộ cho những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, hỗ trợ các thầy, cô giáo có hoàn cảnh khó khăn dạy giỏi (trên 50 triệu đồng và 149 suất quà). Ngoài ra, huyện còn phát động, khuyến khích phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, vận động những học sinh bỏ học trở lại trường lớp, góp phần thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở trên toàn huyện; phấn đấu đến năm 2003 sẽ hoàn thành phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi. Những địa phương có phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh là xã Phước Sơn, Phước An, chi hội dòng họ Trần ở xã Phước Thành. Về tại xã điểm Phước Sơn, tiếp xúc với chúng tôi, ông Quảng Hồng Thái – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã - cho biết: “Xã Phước Sơn là một trong những xã đầu tiên của huyện thành lập Hội khuyến học và phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài; hiện nay, BCH lâm thời Hội khuyến học xã đã có 9 vị; ở 10 thôn, 4 trường học trong xã đều thành lập được chi hội với tổng số 567 hội viên và nhất là đã thành lập được Ban liên lạc sinh viên, cựu sinh viên xã Phước Sơn tại thành phố Hồ Chí Minh. Hàng năm, vào dịp Tết, chúng tôi tổ chức gặp mặt những sinh viên của xã đang học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, để tặng quà và động viên việc học của các em”.

Những kết quả đạt được cho thấy sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân xã Phước Sơn đối với việc học của con em trong xã là rất kịp thời và đáng khích lệ, góp phần vận động toàn dân học tập với động cơ trong sáng; thực hiện được tôn chỉ và mục đích của Hội khuyến học Việt Nam là “Khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc, phát huy nội lực của đất nước và con người Việt Nam, đưa sự nghiệp giáo dục lên ngang tầm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

. Hồng Dương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giữa những cuộc đời lúc tỉnh, khi mê  (18/03/2003)
Cụ Đề Thám – một con người ra con người  (17/03/2003)
Chung một tấm lòng  (17/03/2003)
Thế trận ở lòng dân  (17/03/2003)
Đảng bộ vững mạnh, lãnh đạo các phong trào đạt hiệu quả  (17/03/2003)
Có anh Bình khu vực bình yên  (17/03/2003)
Những chuyển biến bước đầu  (16/03/2003)
Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người xem  (14/03/2003)
35 năm - một chặng đường khó quên  (14/03/2003)
Lực lượng vũ trang Bình Định trước nhiệm vụ quân sự - quốc phòng năm 2003  (13/03/2003)
Những kinh nghiệm bước đầu  (12/03/2003)
Một gia đình nông dân hiếu học  (11/03/2003)
Đội thông tin lưu động trong nỗ lực đưa thông tin về cơ sở  (11/03/2003)
Tình quân dân dưới chân tháp Bánh Ít  (11/03/2003)
Niềm vui từ những ngôi nhà mới của người nghèo  (11/03/2003)