Được thành lập từ năm 1986, Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần Bình Định là nơi tiếp nhận những người mắc bệnh tâm thần (rối loạn tư duy), không có khả năng nhận thức như người bình thường. Khác với các bệnh nhân khác, nhiều bệnh nhân điều trị ở đây chỉ có một mình mà không người lui tới thăm nom. Hỏi ra mới biết, ngoài những người được gia đình đưa đến, bệnh viện còn là nơi cưu mang hàng trăm người “tứ cố vô thân”. Họ đã đến đây từ nhiều miền khác nhau, xuất phát từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có người tại Bình Định song cũng có những người lưu lạc từ các tỉnh khác, nhiều nhất là ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc.
Đến nay, bệnh viện đã và đang điều trị cho hơn 2500 bệnh nhân, một con số khá cao so với các bệnh khác. Nhẹ là các chứng đau đầu, mệt mỏi, trầm cảm; nặng là chứng tâm thần phân liệt, mất khả năng nhận thức, không kiểm soát được hành vi, phá phách, tấn công vào bất cứ người nào, thậm chí có bệnh nhân trong cơn kích động, nửa đêm leo lên mái nhà rồi dùng ngói tấn công vào các bạn cùng phòng. Số lượng bệnh nhân lớn và luôn gây “sự cố” như vậy đã kéo theo lượng công việc dày đặc cần giải quyết. Trong khi đó, số điều dưỡng trực tiếp chăm sóc người bệnh lại chỉ có 30 người trên tổng số 85 cán bộ của bệnh viện. Điều đáng nói, vì nhiều lý do, các bác sĩ ra trường lại không muốn về đây và nếu có về, cũng xem đó chỉ là nơi “nghỉ chân” ban đầu trên bước đường sự nghiệp.
Đối với người bệnh, một số trường hợp bị gia đình xa lánh, vứt bỏ ra ngoài lề cuộc sống. Khi chợt bắt gặp bóng một người bị bệnh tâm thần lang thang trên đường, nhiều người nhìn họ với ánh mắt cảnh giác và không chút cảm thông, chia sẻ. Từ tâm lý này, những người mới bước chân vào tiếp xúc với việc chăm sóc sức khoẻ người bệnh ở Bệnh viện tâm thần cũng không thể tránh khỏi những mặc cảm, tự ti. Nhiều cán bộ làm việc không dám kêu tên nghề nghiệp của mình vì sợ những ánh mắt khắc nghiệt của cộng đồng. Thái độ dửng dưng, xa lạ đã vô tình giãn dần khoảng cách, làm lơi lỏng mối dây ràng buộc giữa những người thân với nhau, đã thế, vô hình chung lại xóa đi tình thương và trách nhiệm của con người. Một cán bộ đang công tác tại Bệnh viện tâm sự: “Vấn đề này tế nhị lắm nhưng mình cứ làm đúng theo lương tâm, rồi mọi người sẽ hiểu và thông cảm hơn”.
Số bệnh nhân vào viện nhiều, lực lượng điều dưỡng ít đã tạo nên sự khập khiễng trong công tác chăm sóc và điều trị. Theo hướng dẫn của Bộ y tế, một điều dưỡng chịu trách nhiệm một bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị, nhưng làm như thế thì lấy đâu ra cho đủ nhân lực? Khó khăn chất chồng khó khăn đã cuốn hút tập thể cán bộ bệnh viện cùng lao vào gỡ rối. Tự đặt mình vào hoàn cảnh ấy, họ thấy mình gần gũi hơn, yêu thương hơn những con người “què quặt” về tâm hồn và yêu luôn cái nghề “tưởng” chỉ là tạm bợ.
Bác sĩ Quang, khoa điều trị I, cho biết: “Làm việc ở đây phải thật vững tâm, phải dự đoán những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và chấp nhận sống cùng nó.” Những lúc bệnh nhân nổi cơn điên phá phách hoặc tấn công người khác là lúc đòi hỏi người thầy thuốc phải vượt ra ngoài phạm vi chuyên môn, bằng tình thương của con người với con người mới có thể giúp họ “ngoan ngoãn” trở lại.
Với các điều dưỡng nữ, sự khó khăn còn tăng lên gấp bội. Nhiều bệnh nhân nam được các chị chăm sóc vô tình tạo nên sự ám thị bám riết theo… tán tỉnh, chọc ghẹo và tấn công bất ngờ nhưng các chị không dám kiên quyết mà phải dỗ dành cho người bệnh dịu bớt cơn kích động. Không nề hà đến sự trái chứng trái nết của người bệnh, các y bác sĩ vừa tham gia điều trị vừa kiêm luôn “người nhà” bệnh nhân tất tần tật từ khám, điều trị, phát thuốc, cho uống thuốc đến khâu giặt giũ, thanh lý quần áo…
Mỗi người đều có công việc riêng của mình nhưng có lẽ “bận rộn” hơn cả chính là các hộ lý. Con số 2 hộ lý cho mỗi khoa điều trị là rất ít. Mỗi tuần các chị phải làm việc cật lực trong 3 lần với số lượng quần áo rất nhiều, đấy là chưa kể sự bất thường của khu cách ly. Người bệnh không có khả năng tự kiểm soát hành vi nên mọi sinh hoạt đều xảy ra một chỗ… Tuy nhiên, từ trong gian khó, các chị nhận chân được giá trị và thấm thía hơn tình người. “Chúng tôi thương lắm, dù có khổ mấy cũng đâu bằng những người sống kiếp không ra con người”. Đó là lời bộc bạch của chị Báu - nữ hộ lý đã có 8 năm tần tảo với nghề. Được tỉnh tặng bằng khen, chị lý giải thật đơn giản “để mình có thể hiểu hơn, làm tốt hơn và đem lại niềm vui cho nhiều người hơn”.
Vẫn còn rất nhiều điều không thể nói hết ra đây, bởi như các chị hộ lý thường nói với nhau: “Ngoài vòng thì nói đong đưa. Em người trong cuộc ngọt chua đã từng.” Vâng, chỉ người trong cuộc mới thấy rõ hạt mầm mình gieo xuống đã nảy nở như thế nào trước đòi hỏi khắc nghiệt của công việc và cộng đồng. Tất cả xuất phát từ “tình thương yêu con người chứ không chỉ những lời nói suông” như lời một thầy thuốc đã gắn bó nhiều năm với Bệnh viện tâm sự.
. Lê Thu Hiền |