Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - cần một sự bứt phá
17:28', 25/3/ 2003 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn An Pha, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh, không đợi đến khi Chính phủ ra Nghị quyết về xã hội hóa văn hóa (XHHVH), mà ở Bình Định, sự tồn tại của những đơn vị nghệ thuật quần chúng do nhân dân tổ chức, tự thu, tự chi đã là một trong những biểu hiện đầu tiên của XHHVH. 12 đội nghệ thuật quần chúng và 2 đoàn trò chơi dân gian đã thường xuyên phục vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân. Bên cạnh đó, là hàng loạt lễ hội do nhân dân tổ chức… Nhưng khi có chủ trương XHHVH mới đem lại cho phong trào này sự phát triển về bề rộng và chiều sâu.

* Những mô hình hiệu quả

Xây dựng nếp sống văn hóa (VH), gia đình VH, làng-bản-khu phố VH trong những năm qua, đã trở thành phong trào rộng lớn trong nhân dân. Đặc biệt, trong năm 2003 này, phong trào sẽ được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu. Từ phong trào này, nhân dân trong cả tỉnh đã đóng góp hàng tỉ đồng, hàng ngàn ngày công lao động để bê tông hóa giao thông nông thôn, quy hoạch đường làng ngõ xóm, xây dựng công viên, sân bãi vui chơi, giải trí; xây dựng làng, khu phố VH. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng đã góp công, góp của trị giá hàng chục tỉ đồng để xây dựng các cơ sở vật chất, phương tiện sinh hoạt và tổ chức các hoạt động VH phục vụ đời sống tinh thần cho người lao động... Nhân dân làng Tân Lập (Nhơn Lộc, An Nhơn) đóng góp gần 600 triệu đồng xây dựng đường bê tông, tổ hợp công viên-sân vận động-khu vui chơi giải trí. Nhân dân xã Nhơn Mỹ (An Nhơn) đóng góp gần 500 triệu đồng cùng với ngân sách Nhà nước xây dựng nhà truyền thống chi bộ Hồng Lĩnh...

Bên cạnh đó, các hoạt động bảo tồn, chấn hưng VH dân tộc cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân đã đóng góp hàng tỉ đồng để sửa chữa, khôi phục, nâng cấp các di tích đền, chùa, nhà thờ họ như: chùa Thập Tháp, Từ đường họ Lâm (An Nhơn), lăng Nam Hải… Có những cá nhân ở thành phố Hồ Chí Minh đăng ký tài trợ hàng tỉ đồng xây lại tượng Quang Trung (tại Bảo tàng Quang Trung), tạc tượng các văn thần- võ tướng. Quỹ Phát triển VH Việt Nam-Thụy Điển tài trợ xây dựng nhà VH xã Tây Vinh (Tây Sơn); Chính phủ CHLB Đức tài trợ 100.000 Euro trùng tu tháp Cánh Tiên… Một số người tự nguyện hiến cho Nhà nước một số hiện vật quí được lưu giữ ở gia đình nhiều năm như tượng đá, tượng đồng, di chỉ của các triều đại nhà Nguyễn để đưa vào các Bảo tàng phục vụ cho yêu cầu, lợi ích của tỉnh nhà.

Hiện nay, phong trào tự xây dựng, tổ chức phòng đọc sách báo đã phổ biến ở các địa phương trong tỉnh, nhất là ở vùng đô thị, nông thôn đồng bằng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao dân trí, nắm bắt thông tin của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 41 thư viện cơ sở, trên 100 tủ sách ở các thôn, làng, khu phố VH. Ngành Bưu điện đã xây dựng 106 điểm bưu điện VH xã. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, ngoài những nỗ lực trong hoạt động của hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, ngành VH-TT đã tạo điều kiện khôi phục, xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng và các đoàn nghệ thuật không chuyên. Hiện, toàn tỉnh có 100% xã, phường và 1/5 công sở có đội văn nghệ quần chúng, 14 đoàn sân khấu không chuyên. Hàng trăm hội thi, hội diễn của các ngành, của xã, phường được tổ chức, trong đó, không ít hội thi kinh phí tổ chức được trích từ quỹ phúc lợi của cơ quan, doanh nghiệp hoặc do nhân dân đóng góp.

Bên cạnh đó, với việc bãi bỏ các giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp, các dịch vụ VH, phát hành phim… phát triển mạnh, tạo điều kiện cho người dân tham gia các dịch vụ này, góp phần đáp ứng nhu cầu VH- tinh thần của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 62 đại lý cho thuê băng, đĩa hình của tư nhân, trên 30 cửa hàng kinh doanh băng, đĩa nhạc…. Các địa phương trong tỉnh còn tổ chức trên 20 lễ hội VH truyền thống, mang tính tập tục, có nội dung gắn với VH tâm linh của từng địa phương, do nhân dân tự tổ chức và lo liệu kinh phí như lễ hội cầu ngư của ngư dân miền biển, lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm- Vân Canh, lễ hội đô thị Nước Mặn, lễ hội Chợ Gò...

* Để có sự bứt phá

Chỉ có XHHVH mới có điều kiện đưa sự nghiệp VHTT phát triển. Tuy nhiên, đẩy mạnh XHH không đồng nghĩa với việc khoán trắng về đầu tư cho tư nhân và các tổ chức xã hội mà ngược lại, cần xác định XHH vừa là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, toàn XH; cũng là từng bước nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân. Trong những năm qua, bên cạnh XHHVH, Bình Định luôn tăng mức đầu tư kinh phí hằng năm cho hoạt động VH để ngành VH có điều kiện lựa chọn phương án XHH phù hợp. Bình Định đã thực hiện XHH theo phương thức: tổ chức cá nhân trực tiếp đầu tư cho VH, nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ hoặc Nhà nước và nhân dân cùng làm. Những lĩnh vực nào xã hội chưa có điều kiện chăm lo thì Nhà nước đầu tư.  

Tuy nhiên, để đẩy mạnh XHHVH, Nhà nước cần sớm có chính sách khen thưởng nhằm động viên các tổ chức, cá nhân đầu tư cho VH. Chính sách đó ngoài những mức quy định như lâu nay cần có những ưu đãi mang tính chất vinh dự nhà nước cho gia đình-giòng tộc của những người góp công, góp của chăm lo đời sống nhân dân. Bộ VH-TT cũng cần xác định rõ đối với những lĩnh vực nào đẩy mạnh XHH sẽ đem lại hiệu quả cao, nên ưu tiên XHH. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 90/CP Chính phủ thì XHHVH được xác định là “cộng đồng trách nhiệm của Đảng bộ, HĐND, UBND, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đóng tại địa phương và của từng người dân”, nhưng hiện nay, trách nhiệm vẫn đổ hết lên ngành VH. Những điều chỉnh này là cần thiết để XHHVH có sự bứt phá, đi vào chiều sâu.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chị tổ trưởng tổ vay vốn hộ nghèo năng nổ  (24/03/2003)
Chuẩn bị tốt cho Đại hội cơ sở Đảng  (24/03/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của dân  (23/03/2003)
Dân số và vấn đề kinh tế – xã hội ở Bình Định  (23/03/2003)
Tình thương và trách nhiệm  (21/03/2003)
Hiến máu nhân đạo: Ngày càng có đông người tham gia  (20/03/2003)
Công ty Đức Nhân vi phạm các quy định về sử dụng lao động  (20/03/2003)
Chuyện về một thầy giáo dạy thể dục ở vùng cao  (19/03/2003)
Bình yên một dải biên phòng  (19/03/2003)
Tuy Phước - điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài  (18/03/2003)
Giữa những cuộc đời khi tỉnh, khi mê  (19/03/2003)
Cụ Đề Thám – một con người ra con người  (17/03/2003)
Chung một tấm lòng  (17/03/2003)
Thế trận ở lòng dân  (17/03/2003)
Đảng bộ vững mạnh, lãnh đạo các phong trào đạt hiệu quả  (17/03/2003)