Dự án y, bác sĩ trẻ tình nguyện:
Nửa chặng đường nhìn lại
17:34', 26/3/ 2003 (GMT+7)

Triển khai từ tháng 2-2002, đến nay, Dự án y, bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi ở Bình Định đã đi được nửa chặng đường. Trong 1 năm qua, cùng với các cán bộ y tế cơ sở, các y, bác sĩ trẻ tình nguyện đã góp phần cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Chân dung những người tình nguyện

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Nở khi cô đang trên đường từ nơi ở đến trạm y tế xã An Trung (An Lão). Đoạn đường tuy chỉ 6 km nhưng Nở đi xe đạp mất trên 30 phút vì đường xấu, có đoạn dốc phải xuống dắt chứ không đi xe được. Thế nhưng Nở bảo rằng trước khi lên đây, nghe người ta kể, cô hình dung đường đi còn khủng khiếp hơn chứ không phải thế này đâu.

An Trung là một xã có 2/3 dân số là người Hrê, địa bàn rộng, vì vậy khó khăn đầu tiên đối với Nở là việc đi lại và sự bất đồng ngôn ngữ. Trạm y tế xã An Trung có 4 y sĩ, thêm Nở là điều dưỡng viên nữa là 5. Công việc hàng ngày của Nở là cùng các y sĩ phát thuốc, chăm sóc bệnh nhân, hướng dẫn bà con cách phòng bệnh. Ngoài công việc chuyên môn, Nở còn tham gia cùng Xã Đoàn củng cố hoạt động Đoàn, Hội ở đây. Một năm công tác ở An trung, Nở nói về người dân nơi cô làm việc rằng: “Nếu mình thật tình với họ thì họ cũng sẽ thật tình với mình”.

Vượt qua 2 con sông, chúng tôi đến xã An Hưng (An Lão) vừa khi bác sĩ tình nguyện Huỳnh Ngọc Dũng đang loay hoay dán tấm băng rôn kêu gọi mọi người đưa trẻ đi tiêm phòng sởi mũi 2. Cùng với 3 y sĩ của trạm y tế xã, bác sĩ Dũng hàng ngày khám bệnh và phát thuốc cho người bệnh. Anh làm việc và ở ngay tại trạm, vì thế, cho dù nửa đêm gà gáy, hễ bà con có nhu cầu là anh xách túi đi ngay. Ngoài giờ làm việc, cuối tuần bác sĩ Dũng hay xuống thôn, xóm chơi với bà con. Anh bảo: “Tôi coi mỗi lần đi như vậy là một lần để thắt chặt thêm tình cảm với dân – một yếu tố rất quan trọng, và mỗi lần khám là một lần nói chuyện, những câu chuyện nho nhỏ để có thể hiểu rõ tâm tư tình cảm của người dân nơi mình đang sống và làm việc”.

Những kết quả đạt được

Tính ra, một năm qua, bác sĩ Dũng đã thăm khám cho 2.715 lượt bệnh nhân, trung bình mỗi người dân xã An Hưng được 2,4 lần/năm, gần gấp đôi so với trước khi anh về công tác ở đây. Đó là chưa kể những lần anh tới nhà bệnh nhân thăm khám.

Cùng với Nở và Dũng, 18 y bác sĩ tình nguyện khác cũng đang làm việc tại 18 xã vùng sâu vùng xa ở 5 huyện trong tỉnh. Vượt qua những khó khăn ban đầu, các đội viên tình nguyện đã phối hợp với trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã khám và điều trị tại trạm y tế xã gần 16.000 lượt người, xử lý cấp cứu 65 ca; cấp thuốc phòng bệnh sốt rét cho 603 người và điều trị cho 343 người mắc bệnh sốt rét; thường xuyên tổ chức chăm sóc sức khỏe cho 337 hộ gia đình chính sách trên địa phương… Ngoài ra, nhiều hoạt động khác cũng đạt hiệu quả cao như: vận động chị em đi đặt vòng tránh thai, tổ chức cho trẻ uống Vitamin A, tiêm vắcxin phòng bệnh sởi cho trẻ, tẩy giun cho học sinh, tuyên truyền các kiến thức về vệ sinh môi trường cho bà con…

Ngoài hoạt động chuyên môn, các đội viên tình nguyện cũng tích cực trong các mặt công tác khác ở địa phương như: tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, TDTT nhân các ngày lễ 26-3, 30-4, tết Trung thu…; tham gia các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội ở địa phương…

Để dự án được hoàn thiện

Anh Nguyễn Văn Hoa – Phó Bí thư Huyện Đoàn An Lão nhận xét: “Anh em y bác sĩ tình nguyện rất nhiệt tình trong công việc. Họ khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo và kịp thời giới thiệu những người bệnh nặng về tuyến trên. Tuy nhiên, An Lão có 7 y bác sĩ tình nguyện về thì chỉ có 1 bác sĩ, còn lại đều là điều dưỡng viên nên không phù hợp với tình hình thực tế địa phương lắm”.

Mặt khác, có một vướng mắc mà có lẽ không chỉ riêng huyện An Lão mới gặp phải khi có y, bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác. Đó là, về mặt con người, Ban quản lý dự án không phân định rõ cơ quan địa phương nào, ngành y tế huyện hay Huyện Đoàn sẽ quản lý các đội viên tình nguyện này. Vì thế, về phía huyện Đoàn, chỉ có thể nắm bắt được tình hình hoạt động của các y, bác sĩ từ Bí thư Xã Đoàn chứ không trực tiếp được từ các đội viên tình nguyện, mặc dù dự án này do Tỉnh Đoàn và Sở Y tế phối hợp thực hiện.

Ngoài ra, một số khó khăn và hạn chế khác cũng được Ban quản lý dự án y, bác sĩ trẻ tình nguyện Bình Định nhìn nhận: một số đội viên tình nguyện còn hạn chế trong việc quan hệ gắn bó với nhân dân địa phương; một số ít chưa thường xuyên đi khám chữa bệnh ở các vùng khó khăn ở địa phương mà chỉ tập trung trực tại trạm y tế xã; vẫn còn đội viên chưa bố trí được lịch công tác phù hợp để tham gia công tác Đoàn – Hội – Đội ở địa phương…

Tin rằng, khi nhìn ra được những hạn chế, vướng mắc này, Ban quản lý Dự án y bác sĩ trẻ tình nguyện của tỉnh sẽ có những biện pháp khắc phục để dự án thực sự phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu như đã đề ra.

. Nguyên Sương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công đoàn viên chức với bề dày của các phong trào  (25/03/2003)
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - cần một sự bứt phá  (25/03/2003)
Chị tổ trưởng tổ vay vốn hộ nghèo năng nổ  (24/03/2003)
Chuẩn bị tốt cho Đại hội cơ sở Đảng  (24/03/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của dân  (23/03/2003)
Dân số và vấn đề kinh tế – xã hội ở Bình Định  (23/03/2003)
Tình thương và trách nhiệm  (21/03/2003)
Hiến máu nhân đạo: Ngày càng có đông người tham gia  (20/03/2003)
Công ty Đức Nhân vi phạm các quy định về sử dụng lao động  (20/03/2003)
Chuyện về một thầy giáo dạy thể dục ở vùng cao  (19/03/2003)
Bình yên một dải biên phòng  (19/03/2003)
Tuy Phước - điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài  (18/03/2003)
Giữa những cuộc đời khi tỉnh, khi mê  (19/03/2003)
Cụ Đề Thám – một con người ra con người  (17/03/2003)
Chung một tấm lòng  (17/03/2003)