Thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo:
Tìm những chiếc “cần câu” cho hộ nghèo
17:36', 27/3/ 2003 (GMT+7)

Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là một trong những chương trình lớn của tỉnh Bình Định. Năm 2002, chương trình này đã thu được những kết quả đáng khích lệ, giảm 2,02% tỷ lệ hộ nghèo.

Huy động nguồn lực

Năm 2002, tỉnh Bình Định huy động được 1.099 triệu đồng từ cộng đồng trong tổng vốn 97.869 triệu đồng cho chương trình XĐGN. Ngay từ năm 1999, UBND tỉnh đã phân công 62 doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn trực tiếp giúp cho 31 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xây dựng dự án và hỗ trợ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, tiêu thụ sản phẩm và hướng dẫn cách làm ăn. Đến nay, đã có 51/62 doanh nghiệp Nhà nước trợ giúp cho các xã ĐBKK theo sự phân công của UBND tỉnh với tổng kinh phí trợ giúp hơn 1,3 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý có Lâm trường Sông Kôn trợ giúp bốn lần với tổng số tiền hơn 152,5 triệu đồng; Công ty Xăng dầu Nghĩa Bình và Xí nghiệp Đường sắt Nghĩa Bình mỗi đơn vị trợ giúp 3 lần. Hai ngành của Trung ương được Chính phủ phân công giúp các xã ĐBKK của tỉnh Bình Định cũng đã trợ giúp 550 triệu đồng cho huyện An Lão xây dựng trường học và Khu ký túc xá trường Đinh Nỉ.

Các chính sách XĐGN được thực hiện hiệu quả. Hơn 59.200 thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho 30% nhân khẩu hộ nghèo nhất trong tổng số hộ nghèo và 16.000 thẻ miễn nộp một phần viện phí được cấp cho nhân dân các xã vùng cao, hải đảo không thuộc diện hộ nghèo. Ngành Giáo dục - Đào tạo cũng thực hiện chế độ miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho con em các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và con em hộ chính sách trên địa bàn tỉnh như: miễn giảm học phí, miễn giảm các khoản đóng góp, hỗ trợ vở, viết và sách giáo khoa, cấp học bổng và trợ cấp xã hội… Năm 2002, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ cho 600 hộ nghèo, mỗi hộ 3 triệu đồng xây dựng nhà ở, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các hộ nghèo ở các xã ĐBKK và đồng bào dân tộc ngoài các xã ĐBKK. Bên cạnh đó, từ kinh phí đóng góp của cuộc vận động Ngày vì người nghèo, đã có 318 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng lại nhà ở. Như vậy, tổng số hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở trong năm 2002 đã lên 918 hộ.

Người nghèo, xã nghèo bớt nghèo

Các dự án XĐGN được triển khai rộng khắp đã tạo điều kiện cho hộ nghèo vượt khó vươn lên. 8.600 lượt hộ nghèo đã được vay vốn tín dụng XĐGN, với tổng số tiền vay lên đến 19,6 tỉ đồng, nâng tổng số hộ được vay vốn đạt tỷ lệ 69%. Thông qua đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo có vốn để phát triển sản xuất, làm kinh tế. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh tỉnh cũng đã sử dụng nguồn vốn từ Nhà nước chuyển sang và vốn tiết kiệm “phụ nữ nghèo”, “nông dân nghèo” giải quyết cho hàng ngàn hội viên vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 3 tỉ đồng. Phong trào hội, đoàn viên khó giúp cho hội viên nghèo làm kinh tế về vốn, về kỹ thuật đã phát triển ngày càng sâu rộng trong các bản, làng, thôn, xóm. Chính những phong trào này đã góp phần tích cực vào công tác XĐGN.

Bên cạnh đó, hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn cách nuôi trồng cây, con cho hộ nghèo với 1.400 lượt người dự được mở ra cho các hộ nghèo đã góp phần giúp họ cách làm ăn. Nhiều mô hình trình diễn về sản xuất thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia cầm cũng được xây dựng… Đồng thời, 28 khuyến nông - lâm - viên - ngư đã về các xã ĐBKK để giúp bà con nông dân cách làm ăn. Những hoạt động này từng bước giúp các hộ nghèo vượt qua tâm lý e ngại, không dám vay vốn vì không biết vay để làm gì. Thực hiện dự án định canh, định cư, đã tiến hành định cư cho 26.000 hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc ở các xã ĐBKK, các công trình xây dựng cơ bản, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được tiến hành xây dựng. Hơn 430 hộ được hưởng lợi từ các công trình này, và 166 hộ được trực tiếp hỗ trợ giống cây khai hoang từ nguồn vốn định canh, định cư của trung ương. Đồng thời, năm 2002, đã tiến hành đầu tư cho 31 xã nghèo xây dựng 98 công trình, với tổng kinh phí 38 tỉ đồng. Trong đó có 41 công trình đường dân sinh, 11 trường học, 2 trạm y tế, 25 công trình thủy lợi nhỏ, 8 công trình nước sinh hoạt, 11 công trình điện sinh hoạt. Đến cuối năm 2002, 89 công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Bằng những nỗ lực đó, đến cuối năm 2002, toàn tỉnh được giảm 2,02% hộ nghèo (6.164 hộ).

Một số đơn vị vẫn chưa thật sự quan tâm?

Tuy vậy, thực tiễn việc thực hiện chương trình XĐGN vẫn còn những khó khăn. Các địa phương chưa thật chủ động thực hiện chương trình; nhiều nơi, chưa xây dựng chương trình XĐGN của địa phương mình. Đáng chú ý là dù đã được UBND tỉnh phân công từ năm 1999 nhưng đến nay vẫn còn 11 doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện trợ giúp cho các xã nghèo và vẫn còn 3 xã chưa nhận được trợ giúp là: Mỹ Đức (Phù Mỹ), Cát Sơn (Phù Cát), Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh). Năm 2002, Bình Định vẫn chưa huy động được khoản đóng góp của các doanh nghiệp (tối thiểu 1 triệu đồng/năm); của nhân dân trong độ tuổi lao động có sức lao động (tối thiểu 1 ngày công lao động trị giá trung bình 5.000 đồng/năm) mà chỉ mới thu được 47,8 triệu đồng tiền đóng góp của cán bộ, công chức và nhân viên (tối thiểu 1 ngày lương/năm).

Năm 2003, Bình Định sẽ phấn đấu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo (khoảng 6.658 hộ); đảm bảo cơ bản không còn hộ chính sách nghèo; tất cả các xã ĐBKK có các công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ kinh phí cải thiện cho 1.500 hộ nghèo đang ở nhà tạm,; trợ giúp phát triển kinh tế - xã hội cho các xã ĐBKK... Tổng nguồn vốn cần có cho chương trình XĐGN lên tới 141.979 triệu đồng. Để thực hiện được những mục tiêu đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc huy động nhiều nguồn lực tham gia XĐGN.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nửa chặng đường nhìn lại  (26/03/2003)
Công đoàn viên chức với bề dày của các phong trào  (25/03/2003)
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - cần một sự bứt phá  (25/03/2003)
Chị tổ trưởng tổ vay vốn hộ nghèo năng nổ  (24/03/2003)
Chuẩn bị tốt cho Đại hội cơ sở Đảng  (24/03/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của dân  (23/03/2003)
Dân số và vấn đề kinh tế – xã hội ở Bình Định  (23/03/2003)
Tình thương và trách nhiệm  (21/03/2003)
Hiến máu nhân đạo: Ngày càng có đông người tham gia  (20/03/2003)
Công ty Đức Nhân vi phạm các quy định về sử dụng lao động  (20/03/2003)
Chuyện về một thầy giáo dạy thể dục ở vùng cao  (19/03/2003)
Bình yên một dải biên phòng  (19/03/2003)
Tuy Phước - điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài  (18/03/2003)
Giữa những cuộc đời khi tỉnh, khi mê  (19/03/2003)
Cụ Đề Thám – một con người ra con người  (17/03/2003)