Từ bờ hồ Núi Một (An Nhơn) vượt qua 5km đường núi men theo bờ hồ ngoằn ngoèo lầy lội và trơn trợt, chúng tôi cùng các cán bộ trong Đoàn trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí của tỉnh đến được làng Canh Tiến, một làng cách trung tâm UBND xã Canh Liên nếu đi bộ phải mất một ngày. Mục đích của chuyến đi này là phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Vân Canh, UBND xã Canh Liên (xã cao và xa nhất huyện Vân Canh) thực hiện TGPL miễn phí, lồng ghép tuyên truyền các nội dung Luật Hôn nhân và Gia đình cho bà con làng “ốc đảo” Canh Tiến, qua đó nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho họ.
Đã được thông báo trước, vừa thấy đoàn TGPL đến, bà con trong làng ùa ra đón, tay bắt mặt mừng. Hôm nay, hầu hết các gia đình đều đi nương về sớm hơn mọi ngày. Già làng, Hội Phụ nữ thôn, Bí thư chi bộ, Thôn trưởng và bà con trong làng tập trung tại ngôi nhà rông từ sáng sớm để chờ chúng tôi. Già làng Đinh Thị Chín cho biết: Làng Canh Tiến có 67 hộ với 4 dân tộc cùng sinh sống: Chăm, Ba na, Kinh, Tày. Đời sống của bà con nơi đây cơ bản dựa vào 30 ha đất trồng lúa một vụ, có vài hộ nuôi bò…, còn lại dựa vào sự trợ cấp cứu đói thường xuyên (hơn 50% số hộ đói, còn lại là hộ nghèo). Về mặt hiểu biết pháp luật ư ? “Còn mù lắm, dân mình chỉ hiểu và làm theo phong tục của làng thôi!”. Già Chín hồn nhiên trả lời như vậy. Lúc này bà con dân làng tập trung đến nhà rông đã đông, họ đều có chung câu hỏi: “Mong cán bộ giải thích cái Luật Hôn nhân Gia đình thôi! Chứ trai gái làng này lớn lên chúng nó cứ lấy nhau, rồi bỏ nhau dễ như thay áo. Làng có nghe thì phạt chúng nó một con heo hết lớn!”.
Như để minh chứng, già Chín kể cho chúng tôi nghe: “Làng vừa mới xử phạt một con heo hết lớn đối với Đinh Thị M. bởi chị M. khai có trộm trao “cái đó” cho Đinh Văn R. mà không có cái lễ gì báo với làng trước”. Lúc đầu chuyện léng phéng với nhau Già Chín nghe, có mời chị M. hỏi nhưng chị M. cứ chối, đến khi cái bụng ngày một to thì không thể nào giấu mãi nên chị M. mới khai R. là “tác giả” và xin chịu phạt heo. Đại khái những chuyện như vậy ở cái làng như “ốc đảo” này cứ lặp đi lặp lại từ bao đời nay. Mặc dù cán bộ Tư pháp nhiều lần mang Luật Hôn nhân và Gia đình về tuyên truyền cho bà con dân làng, đồng thời có giải thích làm như vậy sai luật nhưng rồi nam nữ thanh niên của làng vẫn cứ theo luật tục mà làm!
Sau khi nắm được tâm tư, nguyện vọng và đặc điểm của làng, chúng tôi đã gặp gỡ từng đối tượng để tư vấn, giải thích những vấn đề vướng mắc mà bà con yêu cầu, đồng thời tập trung tuyên truyền các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; Nghị định 32 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình đối với các dân tộc thiểu số như: Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn, không được tảo hôn; việc kết hôn, nam nữ phải đến trụ sở UBND xã đăng ký… già làng không được cho đăng ký kết hôn, không được xử cho ly hôn, không được phạt heo, không nên áp dụng lệ làng để phạt vạ; các đoàn thể phối hợp với già làng từng bước vận động, thuyết phục người dân xóa bỏ tệ kết hôn trước tuổi, xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ gia đình; nam và nữ tự nguyện quyết định kết hôn… Sau khi nghe chúng tôi giải thích, già Chín đã nhắc nhở bà con thực hiện tốt “cái luật Nhà nước”, đặc biệt là lớp thanh niên phải nhớ kỹ lời cán bộ nói nam hai mươi tuổi, nữ mười tám tuổi mới kết hôn, cùng bà con xây dựng đời sống mới no ấm, hạnh phúc. Mộc mạc vậy thôi, nhưng cũng đủ để thấy bà con miền núi khát khao hiểu biết pháp luật đến dường nào! Qua hoạt động tư vấn pháp lý, các cộng tác viên pháp lý của Trung tâm đã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, thực hiện tốt 3 mục tiêu: dân số - sức khỏe - môi trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho bà con…
Chia tay với bà con trong tiếng cồng chiêng và những điệu múa vẫn còn âm vang, chúng tôi ra về với những tình cảm quyến luyến không nguôi. Dẫu biết rằng những gì các cấp, các ngành nói chung và Trung tâm TGPL NN của tỉnh nói riêng làm được cho bà con làng Canh Tiến chưa nhiều, bà con ở đây vẫn còn chịu nhiều khó khăn nhưng nếu ngày càng có nhiều người đến với Canh Tiến bằng tấm lòng, bằng trách nhiệm và bằng những hoạt động thiết thực, thì một ngày không xa, bà con dân tộc làng Canh Tiến sẽ có được đời sống mới “no ấm, hạnh phúc” như già Chín và tất cả chúng ta mong muốn.
. Nguyễn Huỳnh Huyện
|