Những ngày tháng không thể nào quên
16:39', 28/3/ 2003 (GMT+7)

Quang cảnh lễ mít-tinh mừng ngày giải phóng tại Quy Nhơn

Những ngày này cách đây vừa đúng 28 năm đã trở thành những ngày tháng không thể nào quên đối với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Bình Định nói riêng. Bình Định được giải phóng. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng.Đó chính là những giây phút vỡ òa niềm vui sau 21 năm đằng đẵng đợi chờ, dồn nén.

Theo các tài liệu lịch sử, vào lúc 5 giờ 35 phút ngày 4/3/1975, sau tiếng mìn đánh sập cầu 12 của tiểu đoàn 19 công binh tỉnh, các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 đã đồng loạt nổ súng tiến công hàng chục chốt điểm địch ở Nam-Bắc đường 19, từ lăng Mai Xuân Thưởng lên đèo Thượng Giang và Truông Oåi đến Tiên Thuận (Bình Giang, Bình Khê). Đây là trận đánh mở đầu chiến dịch Xuân 1975 trên chiến trường Bình Định và cũng là tiếng súng mở màn chiến dịch Xuân 1975 của chiến trường Khu V. Bắt đầu từ thời điểm này, trong suốt 28 ngày đêm dồn dập tiến công và liên tục nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phối hợp với sư đoàn 3 Anh hùng, quân và dân Bình Định đã đánh sụp toàn bộ ngụy quyền từ xã lên tỉnh, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân ở địa phương, giải phóng hoàn toàn Bình Định.

Tin thắng trận liên tục bay về. 10 giờ ngày 28/3/1975, Bồng Sơn được giải phóng. 8 giờ ngày 31/3/1975, Phù Mỹ được giải phóng. Một giờ sau, Phù Cát được giải phóng. Cũng chỉ một giờ nữa, quân ta đã chiếm được quận lỵ Phú Phong. Đến 12 giờ cùng ngày, ta đã làm chủ quận lỵ An Nhơn rồi tiếp đó là Tuy Phước…Trong thế chẻ tre và chớp thời cơ bọn địch đang bị hoảng loạn, Ban chỉ đạo tiền phương Bình Định đã quyết định thừa thắng xông lên, mở cuộc tổng công kích và nổi dậy giải phóng Quy Nhơn. Chấp hành mệnh lệnh này, quân và dân toàn tỉnh nhất tề đứng lên, trút mọi đau thương và căm hờn dồn nén, chồng chất suốt 21 năm đằng đẵng vào trận đánh kết thúc hào hùng. Ông Nguyễn Hồng Quang, phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh, nguyên Tham mưu trưởng trung đoàn 93, bồi hồi kể lại: “Trưa ngày 31/3, trung đoàn 93 được lệnh xuất kích, phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị độc lập của tỉnh, thị đội Quy Nhơn và du kích các xã vùng ven tấn công vào thị xã Quy Nhơn.Tiểu đoàn bộ binh 52 đánh chiếm bàn đạp ngã ba chợ Dinh, cắt đứt đường 19; tiểu đoàn bộ binh 50 phối hợp với biệt động thành đánh chiếm các cơ quan đầu não trọng yếu của địch như Đài phát thanh, Tòa thị chính, Nha cảnh sát…; tiểu đoàn bộ binh 8 đánh chiếm cảng Quy Nhơn, khu kho quân sự; tiểu đoàn pháo binh 73 tiếp thu trận địa pháo của địch ở núi Một sẵn sàng bắn chi viện cho các mũi bộ binh thọc sâu…”.

Đến 20 giờ ngày 31/3/1975, đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với tiểu đoàn 50, đặc công Đ.30 và Đ.20 đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm Tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch. Đây là thời điểm giải phóng thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ các đồn chốt, căn cứ, cơ quan địch ở nội thị và ngoại vi quy Nhơn đều bị quân ta đánh chiếm. Sáng hôm sau, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh cột cờ trước Tòa hành chính ngụy quyền, đây cũng là trụ sở Ủy ban quân quản của quân giải phóng. Khắp các phố phường, các công sở, xí nghiệp ở Quy Nhơn rợp màu cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận. Hàng ngàn đồng bào đủ các tầng lớp đổ ra đường phố hân hoan đón mừng quân giải phóng. Cũng trong tối 31/3, quân ta vừa ráo riết truy quét tàn quân địch ở thị xã Quy Nhơn, vừa khẩn trương triển khai lực lượng sẵn sàng tiêu diệt bọn tàn quân của sư đoàn 22 cộng hòa, thiết đoàn 14, hai tiểu đoàn pháo binh và một số tiểu đoàn bảo an địch gồm 6000 tên đang liều mạng mở đường máu tràn vào Quy Nhơn hòng thoát ra biển. Ông Nguyễn Hồng Quang kể: “Nhận mệnh lệnh chiến đấu, Sở chỉ huy trung đoàn 93 (đặt tại dinh tỉnh trưởng ngụy) khẩn trương triển khai lực lượng, phối hợp với các lực lượng khác tiến hành phục kích địch từ cuối đường Nguyễn Huệ đến kho đạn đèo Son. Đúng như nhận định, 12 giờ ngày 1/4/1975, bọn tàn quân địch tháo chạy và lọt vào trận địa bày sẵn của quân ta. Trung đoàn 93 và các đơn vị phối hợp khép chặt vòng vây. Đánh trước, chặn sau, thọc ngang sườn, băm nát đội hình địch dày đặc hơn 300 xe. Đồng thời, hỏa lực của tiểu đoàn pháo binh 73 dội đạn lên đội hải thuyền của địch đang lao vào bờ ứng cứu đồng bọn…”. Đến 16 giờ cùng ngày, trận đánh kết thúc, chấm dứt tiếng súng trong thị xã Quy Nhơn. Trận đánh này cũng đồng thời kết thúc số phận  của đơn vị từng mang danh “sư đoàn trấn sơn bình hải” của địch. Đây cũng là trận đánh kết thúc một cách oanh liệt cuộc chiến 30 năm (1945-1975) của quân và dân Bình Định.

Ngay sau khi giải phóng toàn tỉnh, quân và dân Bình Định đã khẩn trương, tích cực đóng góp sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh để giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đây là những ngày tháng hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc và là những ngày tháng không thể nào quên đối với mỗi người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng. Bởi đó chính là thời điểm lịch sử đã lật sang một trang khác và cuộc đời mỗi người cũng bắt đầu lật sang một trang khác, tươi sáng hơn.

. Thúc Giáp

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bà con dân tộc ít người rất khát khao hiểu biết pháp luật   (27/03/2003)
Tìm những chiếc “cần câu” cho hộ nghèo  (27/03/2003)
Nửa chặng đường nhìn lại  (26/03/2003)
Công đoàn viên chức với bề dày của các phong trào  (25/03/2003)
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - cần một sự bứt phá  (25/03/2003)
Chị tổ trưởng tổ vay vốn hộ nghèo năng nổ  (24/03/2003)
Chuẩn bị tốt cho Đại hội cơ sở Đảng  (24/03/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của dân  (23/03/2003)
Dân số và vấn đề kinh tế – xã hội ở Bình Định  (23/03/2003)
Tình thương và trách nhiệm  (21/03/2003)
Hiến máu nhân đạo: Ngày càng có đông người tham gia  (20/03/2003)
Công ty Đức Nhân vi phạm các quy định về sử dụng lao động  (20/03/2003)
Chuyện về một thầy giáo dạy thể dục ở vùng cao  (19/03/2003)
Bình yên một dải biên phòng  (19/03/2003)
Tuy Phước - điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài  (18/03/2003)