Kỷ niệm 30 năm ngày quân viễn chinh Mỹ cuối cùng rút khỏi Miền Nam Việt Nam (29-3-1973/29-3-2003):
29-3, một dấu ấn quan trọng của lịch sử Việt Nam
16:41', 28/3/ 2003 (GMT+7)

Bãi biển Quy Nhơn ngày 31-3-1975

Ngày 27/1/1973, cách đây 30 năm, tại Trung tâm các Hội nghị Quốc tế ở Paris (Pháp), Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam chính thức được ký kết. Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định là việc quân đội Mỹ phải rút toàn bộ khỏi Việt Nam. Vấn đề hoà bình, độc lập của Việt Nam sẽ do nhân dân Việt Nam tự quyết định.

Thế nhưng, chính quyền Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bấy giờ đã liên tiếp giở trò lật lọng, phá hoại Hiệp định Paris. Âm mưu mà họ mong muốn thực hiện là chiêu bài “Mỹ đi mà vẫn ở lại” (!). Thực hiện mưu đồ trên, bên cạnh việc trâng tráo họp báo tố cáo “Bắc Việt Nam vi phạm Hiệp định”, chính quyền Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn khi đó đã triển khai kế hoạch phá hoại Hiệp định Paris. Chỉ tính từ ngày 28/1/1973 đến 24/2/1973, Mỹ nguỵ đã gây ra 23.560 vụ vi phạm, trong đó có 11.800 vụ dùng bộ binh đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng, 3.340 vụ đại bác, máy bay bắn phá làng xóm, 8.420 vụ bố ráp, bắt bớ, thanh lọc khủng bố người yêu nước, yêu hoà bình hoặc có ý thức hoà hợp dân tộc. Họ tiến hành lập hồ sơ giả, xáo trộn tù nhân, “biến” tù chính trị thành thường phạm, “biến” quân nhân ta thành “hàng binh” rồi bí mật thủ tiêu. Đồng thời, Mỹ, nguỵ còn tổ chức những vụ đập phá, hành hung trụ sở và cán bộ, nhân viên của phái đoàn quân sự ta thuộc thành phần Phái đoàn quân sự 4 bên, trong đó nổi cộm là những vụ đập phá, gây rối ở Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Pleiku - Gia Lai, Quảng Nam, Huế… Thậm chí, Mỹ, nguỵ còn sử dụng cả vũ lực uy hiếp 2 phái đoàn quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam (LTCHMNVN). Điển hình là những vụ xảy ra ở Tam Kỳ (Quảng Nam) và Đức Phổ (Quảng Ngãi). Tại 2 địa phương trên, họ thoả thuận với ta kế hoạch, thời gian, địa điểm trao trả tù binh, nhưng sau đó bất ngờ nã pháo và cho bộ binh tấn công vào nơi sẽ tiến hành trao trả. Không chỉ có vậy, sáng mồng một Tết Quý Sửu (1973), khi các nhân viên của 2 phái đoàn quân sự ta đang vui Tết cổ truyền dân tộc thì Mỹ, nguỵ huy động hàng chục máy bay lên thẳng vũ trang quần đảo, uy hiếp rồi cho xe bọc thép đổ quân ngay trước trụ sở của 2 phái đoàn ta đang ở. Táo tợn hơn, Mỹ nguỵ còn ngang nhiên cho máy bay ném bom xuống điểm hẹn hạ trực thăng đón phái đoàn quân sự của Chính phủ LTCHMNVN…

Trước thái độ ngoan cố, hiếu chiến của Mỹ, nguỵ, chúng ta vẫn mềm dẻo, vừa cương quyết. Ngày 21/3, ta thông báo: ngày 25/3 VNDCCH sẽ trao  trả toàn bộ số nhân viên quân sự Mỹ bị bắt ở VNDCCH. Tiếp đó, Đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN cũng thông báo cho Mỹ biết về dự định trả hết nhân viên quân sự Mỹ và đồng minh của Mỹ vào ngày 24/3. Cùng lúc đó, Trưởng phái đoàn Mỹ cũng chính thức thông báo họ sẽ kết thúc việc rút quân vào ngày 25/3 để ngày 24 và 25/3 sẽ đón nhận nhân viên quân sự Mỹ bị bắt. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau đó, Mỹ lại lật lọng gửi Công hàm huỷ bỏ Công hàm trước và yêu sách đòi gắn việc rút quân Mỹ ở Việt Nam với việc trao trả hết tù binh Mỹ ở Đông Dương (?). Ta cương quyết bác bỏ yêu sách trên của Mỹ, đồng thời thông báo để chính quyền Mỹ biết: “Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi sự chậm trễ trong việc trao trả nhân viên quân sự Mỹ bị bắt ở Việt Nam”. Tiếp đó, ta cũng lên tiếng bác bỏ đề nghị của Mỹ về việc cho để lại 159 lính thuỷ đánh bộ Mỹ nhằm “canh gác Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn”.

Ngày 24/3, ta thông báo cho phía Mỹ biết kế hoạch trao trả 32 nhân viên quân sự Mỹ tại sân bay Gia Lâm và yêu cầu quân Mỹ và đồng minh của họ phải rút quân từ ngày 24 đến 28/3. Chiều 25/3, ta gửi Công hàm yêu cầu phía Mỹ thông báo thời gian, địa điểm rút quân và những vấn đề liên quan để phái đoàn quân sự 4 bên có kế hoach cử người giám sát. Vậy nhưng, người Mỹ vẫn cố tình trì hoãn, không chịu thông báo cho ta biết thời gian, địa điểm trao trả. Ngược lai, họ tự ý rêu rao với dư luận là đã rút hết quân đội khỏi Miền Nam. Song, trước việc làm chính nghĩa và lập trường kiên định của 2 phái đoàn ta, cuối cùng chính quyền Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn đã phải thực hiện đúng theo những điều cơ bản mà Hiệp định Paris đã quy định.

Thế rồi, sau  một thời gian đấu tranh khó khăn, gian khổ, cuối cùng ngày 29/3/1973 cũng đã đến. Tại sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn cũ), cuộc “tiễn đưa” những tên tù binh Mỹ cuối cùng đã được tổ chức. Ba chiếc xe ô tô buýt chở đầy lính Mỹ từ từ lăn bánh vào phi trường và lần lượt bước xuống. Một chiếc máy bay DC nhãn hiệu MAC 40619 của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đã “túc trực” sẵn. Lần lượt, lần lượt… cho đến tên lính Mỹ cuối cùng bước lên máy bay. Vô vàn ống kính máy quay phim, máy ảnh của các nhà báo trong, ngoài nước đã ghi lại giây phút lịch sử này. Cũng trong khoảng thời gian trên, tại sân bay Gia Lâm (Hà Hội), cuộc trao trả những tên tù binh Mỹ cuối cùng cũng đã được tổ chức. 29/3 quả là một ngày ý nghĩa! Bởi vì, chính việc buộc quân đội Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi Việt Nam đã tạo tiền đề thuận lợi để quân và dân ta đứng lên thực hiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy, quét sạch bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

30 năm đã trôi qua. Giờ đây, nhìn lại quá khứ lịch sử, chúng ta càng thấy rõ vai trò, ý nghĩa quan trọng của ngày 29/3/1973.

. V. Công

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những ngày tháng không thể nào quên  (28/03/2003)
Bà con dân tộc ít người rất khát khao hiểu biết pháp luật   (27/03/2003)
Tìm những chiếc “cần câu” cho hộ nghèo  (27/03/2003)
Nửa chặng đường nhìn lại  (26/03/2003)
Công đoàn viên chức với bề dày của các phong trào  (25/03/2003)
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - cần một sự bứt phá  (25/03/2003)
Chị tổ trưởng tổ vay vốn hộ nghèo năng nổ  (24/03/2003)
Chuẩn bị tốt cho Đại hội cơ sở Đảng  (24/03/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của dân  (23/03/2003)
Dân số và vấn đề kinh tế – xã hội ở Bình Định  (23/03/2003)
Tình thương và trách nhiệm  (21/03/2003)
Hiến máu nhân đạo: Ngày càng có đông người tham gia  (20/03/2003)
Công ty Đức Nhân vi phạm các quy định về sử dụng lao động  (20/03/2003)
Chuyện về một thầy giáo dạy thể dục ở vùng cao  (19/03/2003)
Bình yên một dải biên phòng  (19/03/2003)