|
Xe tăng địch tháo chạy ra biển Quy Nhơn |
Cách đây tròn 28 năm, trước yêu cầu tác chiến tham gia tập trung vào chiến dịch lịch sử Xuân 1975, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã ủy nhiệm cho Tỉnh đội Bình Định công bố quyết định thành lập Trung đoàn 93 thuộc tỉnh Bình Định. Ngày 25/3/1975, tại thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Trung đoàn 93 đã ra đời và liền sau đó, tham gia vào trận đánh giải phóng Quy Nhơn.
Biên chế của Trung đoàn gồm các đơn vị: Tiểu đoàn bộ binh 50, tiểu đoàn bộ binh 52, tiểu đoàn bộ binh 8 và được tăng cường thêm tiểu đoàn pháo binh 73 cùng một đại đội bộ binh của huyện Phù Cát. Thời điểm này, quân ta đã giải phóng một loạt các thị xã, thành phố như Ban Mê Thuột, Pleiku, Kon Tum, Đà Nẵng, Huế…Trung đoàn 93 được giao nhiệm vụ chủ công phối hợp với các đơn vị khác tiến vào giải phóng Quy Nhơn với phương châm “táo bạo, thọc sâu, bất ngờ vững chắc”. Phối hợp với các đơn vị độc lập của tỉnh và địa phương, Trung đoàn 93 đã lần lượt quét sạch hệ thống đồn bót, chốt điểm của địch, làm chủ đại bộ phận các xã khu đông Tuy Phước và bức rút chi khu quân sự Gò Bồi, vây ém chi khu quân sự Tuy Phước. Tiếp đó, tuyến phòng thủ của địch ở bắc, đông bắc và tây nam Quy Nhơn bị chọc thủng. Trung đoàn áp sát phía bắc thị xã, chờ lệnh tấn công.
Ông Nguyễn Hồng Quang, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, kể lại: “Trước sự tấn công áp đảo của quân ta, ngày 28/3/1975, tên đại tá tỉnh trưởng ngụy Trần Đình Vị phải ra lệnh tùy nghi di tản, chỉ để lại một bộ phận quân tinh nhuệ “tử thủ” ở một vài vị trí xung yếu. Trưa ngày 31/3/1975, chúng tôi được lệnh xuất kích và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Tỉnh đội, Thị đội và du kích các xã vùng ven tấn công vào thị xã Quy Nhơn. Tiểu đoàn bộ binh 52 đánh chiếm bàn đạp ngã ba chợ Dinh, cắt đứt đường 19, chiếm kho đạn đèo Son, nhà ga, nhà đèn, bến xe… Còn tiểu đoàn bộ binh 50 phối hợp với biệt động thành đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch như Đài phát thanh, Tòa thị chính, Nha cảnh sát, sân bay… Rồi cùng với đại đội bộ binh 2 Phù Cát và các đơn vị đặc công của tỉnh phát triển đánh chiếm căn cứ quân sự khu 6, khu huấn luyện nhân dân tự vệ, cứ điểm đồi Ghềnh Ráng, khu rađa núi Vũng Chua…Trong khi đó tiểu đoàn bộ binh 8 đánh chiếm cảng Quy Nhơn, khu kho quân sự và cùng với đại đội đặc công nước 598 đánh chiếm khu quân sự hải quân địch ở Hải Minh. Tiểu đoàn pháo binh 73 tiếp thu trận địa pháo 105 và 155 ly của địch ở núi Một sẵn sàng chờ lệnh nổ súng yểm hộ cho bộ binh. Đến đêm 31/3/1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên Tòa thị chính ngụy quyền tỉnh.”
Cũng theo lời kể của ông Quang và theo tài liệu truyền thống của Trung đoàn 93, sáng ngày 1/4/1975, được tin khoảng 6000 tàn quân sư đoàn 22 và các sắc lính khác, 1 thiết đoàn xe bọc thép - xe tăng, 2 tiểu đoàn pháo binh cùng 300 xe quân sự của địch vừa cướp bóc, vừa tháo chạy theo dọc đường 19 về Quy Nhơn. Nhận mệnh lệnh chiến đấu của trên, sở chỉ huy Trung đoàn (đặt tại dinh tỉnh trưởng ngụy) ngay lập tức triển khai lực lượng. Tiểu đoàn 52 phục kích từ khu vực ngã ba chợ Dinh đến cầu sông Ngang, chặn đứng không cho địch tháo chạy vào trung tâm thị xã; tiểu đoàn đặc công 405 và tiểu đoàn 51 phục kích tại khu vực Phú Tài và đèo Cù Mông, không cho địch tháo chạy vào Phú Yên; tiểu đoàn 50, tiểu đoàn 8 và một đại đội bộ binh của huyện Phù Cát cùng phối hợp với các lực lượng khác tiến hành phục kích địch từ cuối đường Nguyễn Huệ đến đường Quang Trung và kho đạn đèo Son. Đúng như nhận định, 12 giờ ngày 1/4/1975, các đơn vị của địch tháo chạy về Quy Nhơn và đã lọt vào trận địa bày sẵn của quân giải phóng. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đội hình địch bị băm nát, chúng dẫm lên nhau tháo chạy. Quân ta dũng mãnh xung phong, chiếm xe tăng địch, quay nòng súng nã đạn vào bọn bộ binh và bắn cháy hàng chục xe quân sự của địch. Đồng thời, tiểu đoàn pháo binh 73 dùng pháo 105 ly thu được của địch dội lửa đạn lên đội hình hải thuyền đang lao vào bờ ứng cứu đồng bọn. 13 chiếc bị bắn cháy và bắn chìm. Hoảng sợ, bọn chúng tháo chạy ra biển, bỏ rơi đồng bọn. Hàng ngàn tên tàn quân, hàng chục xe tăng…cuống cuồng dồn xuống bãi biển trong thế đường cùng tuyệt vọng đã bị quân ta tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã hoàn toàn.
Đến 16 giờ ngày 1/4/1975, thị xã Quy Nhơn hoàn toàn im tiếng súng. Hàng ngàn đồng bào đủ các tầng lớp đổ ra đường phố hân hoan đón mừng quân giải phóng. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, cờ đỏ sao vàng bay rợp trên các phố phường.Cùng với quân dân thị xã và quân dân cả tỉnh, Trung đoàn 93 đã góp phần xứng đáng trong trận đánh giải phóng Quy Nhơn. Tiếp sau đó, trên 300 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn được bổ sung vào các đơn vị chủ lực tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
. Hoàng Bảo |