Hiện đại hóa ở Thư viện KHTH tỉnh Bình Định
16:45', 28/3/ 2003 (GMT+7)

Vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX, hệ thống thư viện công cộng Việt Nam đã thực sự bước vào một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn của tin học hoá công tác chuyên môn trong hoạt động thư viện.

Thư viện KHTH tỉnh Bình Định là một trong những đơn vị đầu tiên được chuyển giao công nghệ sử dụng phần mềm CDS/ISIS từ Thư viện Quốc gia Việt Nam. Đây là phần mềm quản trị dữ liệu do UNESCO tài trợ. Sự hiện diện của phần mềm này đã mở ra một chân trời mới cho Thư viện Bình Định nắm bắt và thực hiện ý tưởng của mình là chuyển dần từng bước từ thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại.  Mặt khác, trong thời điểm này, sự gia tăng nhanh chóng của khối lượng xuất bản phẩm khổng lồ cũng liên quan trực tiếp đến nội dung hoạt động ngành thông tin thư viện nói chung. Ngoài những tài liệu văn bản in trên giấy, còn có những tài liệu được phát hành dưới nhiều hình thức khác như: băng từ, đĩa mềm, đĩa quang v.v... Vấn đề này đã tác động mạnh mẽ đến yêu cầu thay đổi quy trình công nghệ xử lý thông tin, và sự cần thiết phải tin học hoá trong thư viện là một xu thế tất yếu. 

Như vậy, Thư viện Bình Định đã xác định được bước đi đúng đắn là kịp thời triển khai nghiên cứu, ứng dụng phần mềm CDS/ISIS. Đến nay sau 10 năm thực hiện tin học hoá, Thư viện Bình Định đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đó là  hầu hết tài liệu hiện có trong thư viện đã được cập nhật và lưu trữ vào máy vi tính (PC), tạo ra những cơ sở dữ liệu (CSDL) có giá trị cho người dùng tin trong và ngoài tỉnh như: CSDL sách tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga; CSDL sách địa chí, bài trích địa chí;  CSDL xuất bản phẩm định kỳ... Nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng, khả năng tìm kiếm và truy vấn thông tin nhanh chóng hoặc trên máy tính đơn lẻ hoặc trên mạng tại thư viện, phần nào đó đã đem đến cho bạn đọc sự hứng thú và tiện lợi trong nghiên cứu, học tập, giải trí. Vì vậy, Thư viện Bình Định đã thu hút thường xuyên trên 5.000 độc giả là cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên, thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân khác.

Việc xã hội hoá việc đọc – học ngày càng được hình thành rõ nét, năng lực người dùng tin ngày càng được nâng cao luôn là động lực thúc đẩy người cán bộ thư viện phải tự hoàn thiện mình trong môi trường làm việc mới, đó là vừa ứng dụng vừa hướng dẫn bạn đọc tiếp cận với công nghệ thông tin. Đến thư viện Bình Định hôm nay sẽ thấy bạn đọc cũng như những người làm công tác thư viện đã khai thác có hiệu quả những phương tiện hiện đại. Bên cạnh phần mềm quản trị dữ liệu, Thư viện Bình Định đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các phần mềm quản lý - cấp thẻ bạn đọc, phần mềm in nhãn sách... vào các công việc chuyên môn với năng suất cao, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, thẩm mỹ đáp ứng được thị hiếu nhu cầu người dùng tin.

Tuy nhiên, 10 năm qua là chặng đường không dài và kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin còn quá ít ỏi để thư viện Bình Định có thể thay đổi hoàn toàn diện mạo của mình. Nhưng những gì đã đạt được như đã nêu trên sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng một thư viện hiện đại trong khu vực  -  thư viện điện tử.

Thực hiện NQ Đại hội Đảng lần thứ IX về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2001-2005 tại tỉnh  Bình Định, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án số hoá nguồn tài liệu tại thư viện Bình Định vào tháng 7 năm 2002. Mục tiêu của dự án là  chuyển phương thức hoạt động của thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự  án từ tháng 7/2002 đến tháng 6/2004.

Trên cơ sở đó, thư viện đã có kế hoạch thực hiện nội dung dự  án đúng tiến độ với những công việc cụ thể như: Trang bị phần cứng, mạng máy tính, phần mềm quản lý nghiệp vụ thư viện; xây dựng WEB thư viện  để tích hợp với mạng BINHDINH WEB; chuyển đổi dữ liệu thư mục sách qua khổ mẫu MARC21 (khổ mẫu có tính năng trao đổi liên thông thư viện) nhằm đặt nền móng cho việc kết nối trong hệ thống thư viện công cộng Việt Nam; số hoá toàn bộ dữ liệu thư mục địa chí sang dạng toàn văn (full text) và đưa vào BINHDINH WEB để giới thiệu về đất nước, con người Bình Định.

Chắc chắn trong tương lai rất gần, khi dự án số hoá hoàn thành, thư viện Bình Định sẽ có đủ điều kiện thoả mãn tối đa nhu cầu dùng tin của người đọc qua mạng toàn cầu (INTERNET) với hình thức tổ chức phòng đa phương tiện (Multimedia), đặc biệt góp phần đào tạo thế hệ bạn đọc của thiên niên kỷ mới có năng lực sử dụng phương tiện công nghệ thông tin, làm chủ thiết bị hiện đại, tiếp cận xã hội thông tin, phát huy tiềm lực kinh tế tri thức; đồng  thời  tạo môi trường học tập, giải trí thích hợp cho giới trẻ, mở mang giao lưu trao đổi khoa học công nghệ, văn hoá nghệ thuật v.v... trong và ngoài tỉnh, tiến tới thiết lập các quan hệ quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực trao đổi tư liệu địa chí địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi tổ chức, cá nhân hưởng thụ và góp phần làm phong phú kho tàng giá trị tinh thần của nhân dân.

Những thay đổi cơ bản mang tính chất đột phá ấy đang đòi hỏi thư viện Bình Định phải đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thông tin thư viện chuyên nghiệp, có khả năng thực hiện những công việc phức tạp liên quan đến công nghệ thông tin. Bởi vì, mức độ phát triển của sự nghiệp thông tin thư viện là thước đo trình độ văn minh của mỗi quốc gia, như một vị lãnh đạo Nhà nước Singapore đã khẳng định: "Số phận của mỗi quốc gia tuỳ thuộc vào việc người dân ở đó sử dụng một cách có hiệu quả thông tin, tri thức và công nghệ, đó là mấu chốt của sự thành đạt kinh tế, chứ hoàn toàn không phải do các nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên phong phú..."   

. Hoàng Thị Bích Thuỷ

(Thư viện KHTH tỉnh Bình Định)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trung đoàn 93 và trận đánh giải phóng Quy Nhơn  (28/03/2003)
29-3, một dấu ấn quan trọng của lịch sử Việt Nam  (28/03/2003)
Những ngày tháng không thể nào quên  (28/03/2003)
Bà con dân tộc ít người rất khát khao hiểu biết pháp luật   (27/03/2003)
Tìm những chiếc “cần câu” cho hộ nghèo  (27/03/2003)
Nửa chặng đường nhìn lại  (26/03/2003)
Công đoàn viên chức với bề dày của các phong trào  (25/03/2003)
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - cần một sự bứt phá  (25/03/2003)
Chị tổ trưởng tổ vay vốn hộ nghèo năng nổ  (24/03/2003)
Chuẩn bị tốt cho Đại hội cơ sở Đảng  (24/03/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của dân  (23/03/2003)
Dân số và vấn đề kinh tế – xã hội ở Bình Định  (23/03/2003)
Tình thương và trách nhiệm  (21/03/2003)
Hiến máu nhân đạo: Ngày càng có đông người tham gia  (20/03/2003)
Công ty Đức Nhân vi phạm các quy định về sử dụng lao động  (20/03/2003)