|
Đêm Quy Nhơn hôm nay (ảnh Đào Tiến Đạt) | Đã 28 năm trôi qua, nhưng với những con người trực tiếp cầm súng chiến đấu trên các chiến trường tại Bình Định trong chiến dịch Mùa Xuân năm 1975, nhất là với những chỉ huy các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu, thì những trận đánh quyết định ngày ấy như vừa diễn ra…
* Ông Trần Minh Hoàng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 51 (Tỉnh đội Bình Định): Ngày 30/3/1975, đơn vị tôi được Tỉnh đội giao nhiệm vụ đánh vào huyện Vân Canh. Thế nhưng đến chiều ngày 30-3, khi chúng tôi hành quân gần đến Vân Canh thì thế trận thay đổi, đơn vị được lệnh quay trở về tập kết tại thôn Vân Tường, Nhơn Bình (Quy Nhơn) để tập trung đón đánh bọn tàn quân Sư đoàn 22 của ngụy. Như dự đoán, ngày 31/3, khi tàn quân của Sư đoàn 22 trên đường tháo chạy từ An Sơn xuống Quy Nhơn nhằm tẩu thoát bằng đường biển đã bị quân ta đánh phủ đầu. Đến sáng ngày 1/4, đơn vị được chia làm 2 mũi tấn công: một mũi băng qua đầm Phú Hòa, một mũi vận động theo đường Quang Trung đánh vào phía sau địch. Kết quả, chúng tôi đã diệt được một số, bắt sống 2 xe thiết giáp M113. Sau đó, dùng 2 xe thiết giáp thu được tiếp tục truy đuổi. Mãi đến 16 giờ chiều thì anh em trong đơn vị mới ngơi tay.
Qua 28 ngày đêm (mở màn chiến dịch từ đêm ngày 4/3 đến 16 giờ 30 ngày 1/4) tiến công và nổi dậy liên tục trong chiến dịch mùa xuân năm 1975 tại Bình Định, quân dân ta đã đánh 410 trận, loại ngoài vòng chiến 20.480 tên địch, trong đó có 648 sĩ quan; diệt gọn 11 đại đội, 26 trung đội; đánh thiệt hại nặng 5 tiểu đoàn, 8 đại đội, 11 trung đội; thu 5.695 súng các loại; 191 xe quân sự; bắn chìm 13 tàu thuyền chiến đấu; bắn rơi 8 máy bay trực thăng. |
* Ông Ngô Hồng Khánh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 92): Đơn vị tôi đang đóng quân ở huyện Phù Cát. 10 giờ ngày 30/3, đơn vị được lệnh đánh cánh quân địch từ Phù Mỹ chạy vào cụm lại ở chợ Gồm, kết quả diệt được một số, thu 10 pháo 105, 155, chiếm lĩnh đoạn đường từ Phù Ly vào đến chợ Gồm. Đến tối chúng tôi hành quân về sân bay Gò Quánh và tập kích tại đó chờ lệnh. Nỗi lo của cán bộ đơn vị lúc đó là vũ khí và lương thực để tập trung lực lượng đánh vào sân bay Gò Quánh, một cơ quan đầu não của địch tại Phù Cát. Bởi vậy, trước đó, chúng tôi đã tấn công vào kho lương thực và kho vũ khí của địch, thu hồi lương thực và vũ khí để tập trung cho trận đánh quyết định vào sân bay Gò Quánh. Đến 3 giờ sáng ngày 31/3, sau khi nhận được lệnh, chúng tôi phối hợp với bộ đội chủ lực (một bộ phận của Sư đoàn 968) ập vào đánh căn cứ quân sự của địch tại sân bay Gò Quánh, bắt sống hơn 500 tên tù binh, thu hồi toàn bộ phương tiện chiến tranh.
Ông Nguyễn Hải Hồ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 52 (Trung đoàn 93): 12 giờ 30 phút ngày 31/3, khi tiếng súng tiến công giải phóng Quy Nhơn bắt đầu, đơn vị tôi được lệnh vận động tiến công đánh chiếm khu chợ Dinh, Núi Một và khu 5. Từ bàn đạp khu 5, đơn vị tiếp tục đánh chiếm bến xe, công viên và phát triển theo đường Nguyễn Thái Học. Khi trận chiến thật sự chấm dứt, cảm xúc vui mừng của tôi lúc đó không thể nói hết được. Ngay sau đó, tôi đã gặp lại được gia đình đang tản cư tại Quy Nhơn trong niềm vui khôn tả.
. Anh Tú (ghi)
|