Đời thường của những “Người chiến thắng trở về”
18:38', 30/3/ 2003 (GMT+7)

30 năm sau ngày trao trả tù binh, những chiến sĩ cách mạng trong lao tù đế quốc trở về được Tổ quốc và nhân dân đặt cho một cái tên chung “Người chiến thắng trở về”. Cũng như nhiều cựu tù chính trị trên khắp đất nước, trên 1.000 cựu tù chính trị (TCT) của TP Quy Nhơn đã tiếp tục sống và chiến đấu trên mặt trận đời thường, không có máu lửa, đòn roi nhưng cũng không kém phần gian nan, vất vả.

Chị Trần Thị Duy Vinh, 59 tuổi, một cựu tù chính trị ở phường Lê Hồng Phong nở nụ cười mãn nguyện khi được hỏi về cuộc sống hiện tại: “Tôi có 2 đứa con. Các cháu học giỏi, chăm ngoan, hiện đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Đó là thành quả lớn nhất mà chúng tôi đạt được trong 30 năm sau chiến tranh”. Cũng như nhiều cựu TCT khác, những ngày ở tù đã cướp đi của chị Vinh nhiều sức lực. Chồng (cũng là một cựu TCT) mất sớm, chị phải một mình chèo chống nuôi mẹ chồng đã già và 2 con nhỏ trong hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Đời mình đã cực, phải ráng nuôi con ăn học thành tài - ý chí ấy đã củng cố quyết tâm cho chị. Vậy là không nề hà việc gì, từ nuôi heo, nuôi gà đến làm “trăm thứ bà rằn” khác để kiếm thêm tiền nuôi con, chị đều đã làm. Lấy công làm lời, chị chịu khó thức khuya, dậy sớm đạp xe xuống tận Tuy Phước để mua bán tận nguồn. Lo chuyện cơm áo gạo tiền đã vất vả, vậy mà chị cũng không xao nhãng công tác xã hội. Là một cán bộ Công an tỉnh nghỉ hưu, chị tiếp tục tham gia cấp ủy, Mặt trận, làm công tác phụ nữ, trưởng Ban Liên lạc tù chính trị của phường… việc nào đã tham gia chị đều làm tốt. Chị tâm sự: Dù có vất vả nhưng được sống trong tự do, được làm những điều mình muốn thì không có gì quý bằng. Bởi thế, những năm tháng còn lại của cuộc đời, chị vẫn tâm nguyện còn phải tiếp tục làm việc và cống hiến.

Ông Nguyễn Quýt, 69 tuổi ở phường Nhơn Phú, được anh em cựu TCT tấm tắc khen về khả năng làm kinh tế giỏi. Tài sản hiện nay do ông chắt chiu gây dựng đã lên tới gần 3 tỉ đồng. Ông hết sức hồ hởi khi được hỏi về chuyện làm ăn của mình. Ban đầu, khi còn là một cán bộ ngành Thủy sản công tác ở gần Đèo Son, nhìn thấy khu đất thuộc quyền quản lý của bộ đội Tiểu đoàn 2 kho đạn Đèo Son cỏ non mướt mát, ông nảy ý định sang bên đó xin phép được thả bò. Thế là đàn bò của ông cứ ngày một sinh sôi nảy nở lên đến 100 con. Từ nguồn lợi nuôi bò, ông tiếp tục nuôi 40 con trâu, rồi xoay sang quy hoạch 1,5 ha hồ nuôi tôm. Ngoài ra, ông còn làm vườn, trồng 150 bụi chuối, 22 cây dừa xiêm, 1.000 cây khóm và nhiều loại rau trái khác. Từ nguồn lợi nuôi trồng, ông mua được thêm 4 ngôi nhà, sắm sửa nhiều tài sản có giá trị khác. Ông Quýt tâm sự: Ngày xưa đánh Mỹ khó khăn, ác liệt thế mình còn thắng. Bây giờ “xóa đói giảm nghèo” có khó khăn chi…

Ông Nguyễn Văn Thân, 58 tuổi ở phường Lý Thường Kiệt trước đây là bộ đội chính quy thuộc đại đội đặc công, bộ đội tỉnh. Trong trận tấn công mùa xuân năm 1968, ông bị địch bắt và giam ở nhà tù Phú Quốc và được trao trả trong đợt cuối cùng vào 3-1975. Là người lính Cụ Hồ trở về với đời thường, ông Thân lại lao vào cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến chống đói nghèo.Vợ là thương binh loại 2, sức khỏe giảm sút, gánh nặng gia đình đặt hết lên đôi vai ông. Thế là sau khi nghỉ hưu ông bắt tay vào làm kinh tế, từ nuôi heo đến bán bánh mỳ, bán cháo lòng, bán gạo, bán bia lẻ… Khi tích lũy được nguồn vốn khá khá, ông mở đại lý bia. Một mình xoay xở chuyện cơm áo gạo tiền thời cơ chế thị trường chỉ với những kinh nghiệm của người lính trên trận mạc, cuối cùng ông cũng đã thành công. Nuôi được 2 con học hết đại học. Tích lũy được vốn liếng để xây dựng nhà cửa, sắm sửa tiện nghi. Ông Thân cho rằng: Dù là người lính trên chiến trường hay một công dân giữa đời thường, nếu quyết tâm và bền gan thì việc gì cũng thành công…

Họ đã sống và tiếp tục chiến đấu như thế đó. Mỗi người một gương mặt khác nhau giữa bộn bề công việc và những lo toan đời thường nhưng vẫn hiên ngang trong tư thế của những người chiến thắng.

N.T.N.Q

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người cắm cờ giải phóng trên dinh tỉnh trưởng ngày 31 tháng 3  (30/03/2003)
Các vị chỉ huy nói về ngày giải phóng Bình Định  (30/03/2003)
Hiện đại hóa ở Thư viện KHTH tỉnh Bình Định  (28/03/2003)
Trung đoàn 93 và trận đánh giải phóng Quy Nhơn  (28/03/2003)
29-3, một dấu ấn quan trọng của lịch sử Việt Nam  (28/03/2003)
Những ngày tháng không thể nào quên  (28/03/2003)
Bà con dân tộc ít người rất khát khao hiểu biết pháp luật   (27/03/2003)
Tìm những chiếc “cần câu” cho hộ nghèo  (27/03/2003)
Nửa chặng đường nhìn lại  (26/03/2003)
Công đoàn viên chức với bề dày của các phong trào  (25/03/2003)
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - cần một sự bứt phá  (25/03/2003)
Chị tổ trưởng tổ vay vốn hộ nghèo năng nổ  (24/03/2003)
Chuẩn bị tốt cho Đại hội cơ sở Đảng  (24/03/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của dân  (23/03/2003)
Dân số và vấn đề kinh tế – xã hội ở Bình Định  (23/03/2003)