|
Một buổi tuyên truyền pháp luật tại xã Vĩnh Quang. |
Một sáng kiến nhỏ nhưng đạt hiệu quả cao: Chuyển các văn bản luật thành dạng câu hỏi đáp rồi dịch ra tiếng Bana; sau đó thông qua già làng, Đoàn Thanh niên, lồng vào các buổi sinh hoạt, lễ hội của các làng; thôn 3-5-8 xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) đã phổ cập pháp luật đến đồng bào Ba na.
Khi chúng tôi hỏi “hoạt động tuyên truyền pháp luật của nơi nào có sáng tạo mới?”, ông Lê Văn Nhượng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, không ngần ngại giới thiệu hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của xã Vĩnh Quang. Ban Tư pháp xã Vĩnh Quang đã sáng tạo trong hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật đi sâu vào cộng đồng Ba na ở thôn 3-5-8. Nhất là việc tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Nghị định 32 áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình vào các dân tộc thiểu số và Nghị định 87 về xử phạt hành chính trong hôn nhân và gia đình.
Trước tiên, ông Hồ Văn Nên, cán bộ tư pháp xã, đem các luật và nghị định nói trên soạn ra thành những câu hỏi đáp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ nhờ Đinh Dinh, Bí thư Đoàn Thanh niên của thôn dịch sang tiếng Ba na, đọc những câu hỏi đáp pháp luật bằng tiếng Ba na trong các cuộc họp của từng làng, thông qua đó để lồng vào những bài ca, câu hát mà trai gái trong làng hát với nhau nghe để tuyên truyền. Qua đó, người nghe cảm thấy thích thú hơn; một số ca khúc hay, ca ngợi hôn nhân tự nguyện và tiến bộ, khuyên các chàng trai, cô gái không kết hôn sớm, được các đoàn viên chi đoàn của thôn sáng tác, cải biên cho dễ hát, dễ nhớ. Mỗi bài hát vừa sáng tác xong được Ban Tư pháp xã Vĩnh Quang duyệt, Ban chấp hành chi đoàn thôn 3-5-8 cùng nhau ngồi lại tập hát rồi nhân bản ra các làng trong thôn. Phòng Tư pháp huyện còn tặng mỗi nơi một bộ sách về Luật Hôn nhân Gia đình. Toàn bộ các văn bản pháp luật nói trên được lưu trữ cẩn thận tại nhà Rông của làng. Mỗi khi già làng tổ chức họp chỉ cần giới thiệu sơ lược rồi cùng hát ra cho bà con nghe. Người Ba na vốn yêu thích âm nhạc, nay lại được nghe nhạc “cái hôn nhân gia đình” bằng tiếng Ba na nữa thì đâm ra say mê. Hễ có họp trong làng là bà con nhà nào cũng đòi đi nghe. Họp bàn việc quy hoạch rừng, khoán rừng cho từng hộ chăm sóc hoặc tại lễ cúng cơm mới cũng được các đoàn viên hát. “Mưa lâu thấm đất”, “cái” Hôn nhân - Gia đình thẩm thấu vào trong trí nhớ của bà con lúc nào không hay!
Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Những ông chồng uống rượu về nhà đã bớt gây gổ với vợ. Tình trạng cưới hỏi sớm đã giảm so với trước; không còn phụ nữ Bana nào lỡ có sai phạm về cuộc sống tình duyên bị đuổi ra khỏi làng… Nhưng điều thành công nhất của cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật này là người Ba na không còn cảm thấy cái Luật Hôn nhân gia đình xa lạ với họ nữa. Già làng L8 Đinh Thinh tâm sự: “Trước đây, cán bộ trên xã xuống giảng “cái hôn nhân gia đình” nhưng ta nghe chậm, có người không nghe được hoặc nghe mà chẳng hiểu chi. Giờ thì nghe ra “cái hôn nhân gia đình” bằng tiếng Ba na ta rồi. Mình sướng lắm”.
Đánh giá về cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở thôn 3-5-8, ông Lưu Ngọc Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng đây là thành công bước đầu có sáng tạo của một huyện miền núi, phù hợp với trình độ dân trí và nhận thức của bà con dân tộc Ba na. Và kinh nghiệm này đang được đúc kết để nhân rộng ra các làng, thôn trong huyện.
. Gia Hoàng |